Ai “tiếp tay” cho dự án BT? (Kỳ 2): Quảng Nam hào phóng
Đến thời điểm này vẫn chưa có con số thống kê có bao nhiêu dự án BT trên địa bàn Quảng Nam đầu tư dưới hình thức đổi đất lấy hạ tầng.
Như đã phản ánh trong số báo 71 – ngày 5/9/2017, lợi dụng chủ trương phát triển nhanh đô thị đổi đất lấy hạ tầng theo hình thức BT, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã ưu ái bất thường cho một số doanh nghiệp “con cưng”.
Có thể bạn quan tâm
Ai tiếp tay cho dự án BT? kỳ I: Công ty "con cưng", ưng chi được nấy!
11:05, 06/09/2018
Nghẽn thanh toán quỹ đất BT vì phải chờ… hướng dẫn
06:05, 18/08/2018
Ai tiếp tay cho dự án BT lấy hàng trăm ha đất phân lô bán nền?
10:32, 04/09/2018
Vì sao TP Vinh tạm dừng toàn bộ dự án BT?
11:00, 10/08/2018
Hào phóng hay chiêu trò?
Theo thông tin mà Diễn đàn Doanh nghiệp có được, ngày 20/8/2013, ông Đinh Văn Thu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam (nay là Chủ tịch UBDN tỉnh) đã ký quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng đường nối tuyến ĐT 603 với tuyến ĐT 607 có tổng chiều dài hơn 4,3 km với tổng mức đầu tư hơn 209 tỉ đồng.
Tiếp đó, đến ngày 11/12/2014, ông Thu ký quyết định phê duyệt đề xuất đầu tư dự án trên cho Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Bách Đạt (gọi tắt là Công ty Bách Đạt, đóng tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) với chiều dài chỉ 2,1 km (sau này hợp đồng chỉ 1,9 km).
Đáng chú ý, tuyến đường dài 1,9 km mà Công ty Bách Đạt xây dựng cũng là đoạn nối giữa đường ven biển vào các khu đất mà doanh nghiệp này được cấp để phân lô bán nền. Như vậy, trên thực tế 1,9 km đường mà Công ty Bách Đạt xây dựng chủ yếu phục vụ cho chính các dự án phân lô bán nền của mình mà tỉnh Quảng Nam đã hào phóng cấp 105 ha đất để đổi lấy 1,9 km đường trong khi hơn 2,4 km còn lại đến nay vẫn chưa được đầu tư xây dựng.
Không chỉ hào phóng giao đất cho công ty Bách Đạt, mà tại Quảng Nam, lãnh đạo chính quyền Thị xã Điện Bàn cũng mạnh tay trao 69,5 ha đất để đổi lấy 646 m đường trục chính đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc tại phường Điện Ngọc, Thị xã Điện Bàn cho một công ty kinh doanh bất động sản.
Theo hồ sơ, ngày 16/1/2018, UBND Thị xã Điện Bàn ký hợp đồng với Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị Đất Quảng (gọi tắt là Công ty Đất Quảng) đầu tư xây dựng dự án trên theo hình thức BT. Hợp đồng này do ông Nguyễn Đạt, Phó Chủ tịch UBND Thị xã Điện Bàn ký.
Theo hợp đồng, tuyến đường này có chiều dài 646 m, mặt cắt đường rộng 33 m nhưng giá trị hợp đồng trúng thầu lên đến hơn 33,4 tỉ đồng, chưa tính tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, và hơn 3,1 tỉ đồng chi phí dự phòng. Nếu tính luôn chi phí dự phòng thì 646 m đường này có giá lên đến 36,5 tỷ đồng.
Đây được xem là đoạn đường đắt nhất tại địa phương tính đến thời điểm này.
Và để có 646 m đường trên, UBND Thị xã Điện Bàn hào phóng giao cho Công ty Đất Quảng 3 khu đất với diện tích lên đến 69,25 ha để doanh nghiệp khai thác phân lô bán nền thu hồi vốn.
Điều đáng nói, để làm tuyến đường trên, vốn doanh nghiệp tự có chỉ gần 11 tỉ đồng, còn lại hơn 25,5 tỉ đồng là nguồn vốn vay và số tiền vay này của doanh nghiệp chính quyền địa phương Thị xã Điện Bàn cũng đã “hào phóng” trả lãi suất 10% thay cho doanh nghiệp kể từ ngày thực hiện dự án cho đến khi quyết toán (số tiền lãi vay nhà nước phải trả ước tính hơn 2,1 tỉ đồng).
Ngày 15/9 sẽ có báo cáo chính thức về dự án BT?
Sau những bức xúc của dư luận về việc tỉnh Quảng Nam hào phóng giao đất cho doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cho biết đã chỉ đạo cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam rà soát các dự án BT trên địa bàn tỉnh, đến ngày 15/9 sẽ có báo cáo chính thức.
Một lãnh đạo khác của UBND tỉnh Quảng Nam cho biết đến nay 2 dự án BT nêu trên chưa được quyết toán. “Trong hợp đồng các bên nêu rõ, trường hợp giá trị quỹ đất thanh toán lớn hơn giá trị dự án BT thì nhà đầu tư phải nộp phần chênh lệch bằng tiền vào ngân sách. Còn trường hợp giá trị quỹ đất nhỏ hơn thì nhà nước thanh toán phần chênh lệch bằng tiền hoặc bằng quỹ đất khác”, vị này cho biết.
Tuy nhiên, có một điều rất đáng quan tâm là trên thực tế, giá đất do nhà nước quy định so với giá đất thị trường hiện nay luôn chênh lệch gấp chục lần. Vì vậy, các dự án BT thực sự là miếng mồi ngon cho các doanh nghiệp và rất dễ phát sinh “lợi ích nhóm” nếu không được kiểm soát chặt chẽ.
Trả lời PV Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp mới đây, ông Võ Hồng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam đã phải lắc đầu và thở dài ngao ngán mà như lời ông bảo là hiện tại có hàng trăm dự án khai thác quỹ đất phân lô bán nền tại Thị xã Điện Bàn rất phức tạp và có nguy cơ làm thất thu cho ngân sách nếu không quản lý chặt chẽ.