Hoàn thiện hành lang pháp lý PPP để hút nhà đầu tư tư nhân

Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh 09/09/2018 10:05

Theo đánh giá, tiềm năng nguồn vốn xã hội hóa từ tư nhân và các nhà đầu tư nước ngoài trong các dự án PPP là rất lớn.

Hệ thống cơ sở hạ tầng tại Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng ngày càng tăng của xã hội. Vì vậy, việc huy động tối đa các nguồn lực để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng là cần thiết. Đặc biệt là nguồn lực từ khu vực tư nhân, triển khai theo hình thức hợp tác công tư (PPP).

Có thể bạn quan tâm

  • "Mong muốn Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động đầu tư PPP"

    17:08, 31/08/2018

  • Đề xuất điều chỉnh trần lãi suất vốn vay cho các dự án PPP cao tốc Bắc Nam

    08:30, 26/08/2018

  • Khó lựa chọn nhà đầu tư các dự án PPP vì đâu?

    07:00, 26/07/2018

Huy động vốn thông qua PPP là tất yếu

Nguồn vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng của Việt Nam chủ yếu là nguồn vốn NSNN, nguồn vốn vay (ODA, vốn vay ưu đãi, trái phiếu chính phủ) và nguồn vốn từ khu vực tư nhân thông qua hình thức hợp tác công tư PPP.

Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, từ nay đến năm 2020, Việt Nam cần khoảng 200 tỷ USD cho phát triển cơ sở hạ tầng, tương đương mỗi năm 67 tỷ USD. Trong đó, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 nêu rõ khả năng cân đối vốn ngân sách Nhà nước tối đa là khoảng 2 triệu tỷ đồng, tức mỗi năm là khoảng 20 tỷ USD và chỉ đáp ứng khoảng 30% tổng vốn đầu tư.

Theo đánh giá, tiềm năng nguồn vốn xã hội hóa từ tư nhân và các nhà đầu tư nước ngoài trong các dự án PPP là rất lớn.

Theo đánh giá, tiềm năng nguồn vốn xã hội hóa từ tư nhân và các nhà đầu tư nước ngoài trong các dự án PPP là rất lớn.

Các khoản vay ODA thường đóng vai trò quan trọng bởi tính quy mô lớn, lãi suất thấp, kỳ hạn dài. Tuy nhiên, các khoản vay này chỉ đáp ứng khoảng 3% tổng nguồn vốn đầu tư và việc sử dụng nguồn vốn ODA chưa hiệu quả khi việc giải ngân còn chậm trễ khiến nhiều dự án, công trình bị đội vốn. Hơn nữa, các khoản vay từ các đối tác trong những năm tới sẽ giảm tính ưu đãi và mang tính thương mại cao hơn.

Vì vậy, việc huy động nguồn vốn từ khu vực tư nhân, đặc biệt thông qua hợp tác công tư là tất yếu để đảm bảo tiến trình phát triển cơ sở hạ tầng. Ở Việt Nam, PPP đã được triển khai từ những năm cuối thập niên 90 nhưng chưa thực sự phát triển.

Các nhà đầu tư chưa mặn mà

PPP là hình thức mà Nhà nước và nhà đầu tư cùng phối hợp thực hiện dự án trên cơ sở hợp đồng. Như vậy, Nhà nước sẽ thiết lập các quy định, tiêu chuẩn và tư nhân được khuyến khích đầu tư, thực hiện. Thực tế ở Việt Nam, các dự án PPP được triển khai chủ yếu theo 2 mô hình BOT và BT. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, từ năm 1997 đến 2014, các bộ ngành và địa phương đã ký kết và thực hiện 193 dự án theo hình thức hợp tác công tư, trong đó có 120 hợp đồng BOT và 71 hợp đồng BT. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, số dự án PPP mới khá hạn chế. Đặc biệt, trong hai năm trở lại đây, không có một dự án BOT nào được thực hiện.

Như vậy, việc triển khai dự án theo hình thức PPP vẫn chưa được hiệu quả.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng trên được các doanh nghiệp nhận định là do chính sách chưa nhất quán, vẫn còn các xung đột về pháp lý. Bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu cho biết:

“Hoạt động đầu tư theo hình thức PPP chịu sự điều chỉnh của nhiều Luật như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý nợ công, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường,… Trong khi, các luật trên tiếp cận theo quan điểm điều chỉnh các hoạt động đầu tư công và đầu tư tư nhân là chủ yếu mà chưa xét đến đặc thù của hình thức PPP”.

Về phía các cơ quan tạo lập chính sách, Chính phủ đã ban hành các nghị định quy định chi tiết về điều kiện, thẩm quyền cũng như trình tự và thủ tục pháp lý đối với các dự án PPP. Tuy nhiên, những khiếm khuyết và tiêu cực vẫn xảy ra. Đối với các dự án BT, vấn đề là sự không bình đẳng trong quan hệ công – tư, nhiều cơ quan Nhà nước đưa ra các mệnh lệnh hành chính can thiệp vào dự án, thậm chí thay đổi các điều khoản hợp đồng.

Mới đây, Bộ Tài chính đã có các văn bản đề nghị tạm đình chỉ việc thực hiện dùng quỹ đất công thanh toán các dự án BT. Tuy rằng việc làm này là để ngăn chặn cơ chế thanh toán không minh bạch thông qua quyền sử dụng đất nhưng cũng làm dấy lên lo ngại về việc dồn ứ việc triển khai các dự án cũng như ảnh hưởng tới quyền lợi của các nhà đầu tư.

Việc chính sách về PPP chưa hoàn thiện và vẫn còn thay đổi đã khiến cho các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài “ngại” đầu tư vào PPP ở Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp đang chờ sự ra đời của Luật về đầu tư theo hình thức PPP để có hành lang pháp lý đầy đủ rồi mới đầu tư.

Cơ hội tiếp cận PPP khi tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý

Cho tới nay đã có bốn nghị định điều chỉnh chi tiết hoạt động đầu tư theo hình thức PPP trên cơ sở các quy định tương ứng của các Luật khác và mới nhất là Nghị định 63/2018 được ban hành gần đây.

Trong đó Nghị định 63/2018 được thiết kế với nhiều nội dung sửa đổi khá quan trọng so với nghị định 15/2015.
Cụ thể, nghị định 63 đã dành riêng một chương mới về thực hiện dự án theo mô hình BT, các nội dung bao gồm trình tự, phương thức thanh toán và nguyên tắc thực hiện hợp đồng theo các phương thức khác nhau.

Nghị định còn bổ sung điều khoản về công khai thông tin hợp đồng dự án, gồm thời hạn và nội dung để khắc phục lỗ hổng tạo thất thoát. Những thay đổi được kỳ vọng tạo niềm tin cho các nhà đầu tư về một môi trường đầu tư công khai, minh bạch.

Về hình thức nhà nước tham gia vào dự án PPP, ngoài vốn góp và vốn thanh toán, Nhà nước có thể tham gia bằng cách góp quỹ đất, trụ sở, tài sản kết cấu hạ tầng. Điều này được kỳ vọng làm giảm gánh nặng chi và thất thoát vốn.

Bên cạnh đó, nghị định cũng bãi bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, góp phần cải cách thủ tục hành chính, đồng thời đẩy mạnh phân cấp cho các đơn vị sự nghiệp công lập thông qua việc để các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh tự chủ động huy động vốn chứ không chờ cấp phát như trước đây.

Chính vì vậy mặc dù Nghị định 63 vẫn còn một số điểm chưa thực sự rõ ràng như quá trình đàm phán, thương lượng và hoàn thiện hợp đồng hay sự tham gia của người sử dụng dịch vụ nhưng Nghị định vẫn được kỳ vọng sẽ tạo ra những bước thay đổi căn bản để tận dụng được tối đa nguồn lực thông qua hình thức hợp tác công tư một cách hiệu quả.

Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh