Taxi truyền thống - Grab, Uber... và "cuộc chiến pháp lý" thời 4.0
Nhiều chuyên gia khẳng định Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam đang làm thay đổi toàn bộ đời sống xã hội, trong đó có thị trường vận tải.
Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã đặt ra nhiều thách thức, nhưng cũng tạo ra nhiều cơ hội nếu doanh nghiệp dũng cảm từ bỏ thói quen, tư duy cũ để thích ứng, nhất là trong lĩnh vực vận tải...
Có thể bạn quan tâm
Từ Uber-Grab... đến chính sách cho mô hình kinh tế chia sẻ
06:35, 05/09/2018
Tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ taxi Vinasun kiện Grabtaxi
06:20, 16/09/2018
Thêm quy định quản lý thuế Facebook, Google, Grab...
11:00, 19/09/2018
Thay đổi “cục diện” doanh nghiệp vận tải
Tại Việt Nam cũng như một số nước Đông Nam Á khác, sự phát triển của các loại hình taxi công nghệ như Grab, Uber được các chuyên gia đánh giá là đã có những thành công bước đầu do tính thuận tiện, giá cả đa dạng và người dân được hưởng lợi thông qua các chương trình khuyến mãi rầm rộ…
Từ năm 2016 đã xuất hiện loại xe hợp đồng dưới 9 chỗ có sử dụng phần mềm như: Uber, Grab xuất hiện ở Việt Nam. Sau 2 năm thí điểm, đến năm 2018 số lượng phương tiện của loại hình vận tải này đã tăng như “vũ bão” lên đến hơn 50.000 xe, vượt cả số lượng xe taxi truyền thống.
Trong một diễn biến khác, mới đây, Grab đã mua lại Uber làm thay đổi cục diện loại hình kinh doanh vận tải này không chỉ ở Việt Nam mà cả ở một số nước trong khu vực Đông Nam Á. Thêm vào đó, mới đây, chỉ sau 3 tháng "chào sân", tân binh Go-Viet hùng hồn tuyên bố chiếm lĩnh 35% thị phần của thị trường gọi xe công nghệ.
Nhưng, vô hình chung, sự phát triển của các loại vận tải công nghệ 4.0 đang làm cho cuộc chiến giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ ngày càng trở nên khốc liệt hơn.
Về phần mình, sau khi bị các hãng taxi công nghệ chiếm lĩnh thị trường taxi nội, các doanh nghiệp vận tải đã nhìn thấy rõ sự thất thế của mình trong việc chậm ứng dụng công nghệ mới vào quản lý. Để thích ứng, hàng loạt các doanh nghiệp taxi trong nước đã bắt tay vào phát triển những ứng dụng đặt vé xe riêng của mình để giành lại thị phần đang tạo ra một làn sóng lớn về việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào vận tải.
Cuối năm ngoái đã xuất hiện dịch vụ Mai Linh bike, dịch vụ này tại TP HCM, Đà Nẵng và Hà Nội đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận và người dân. Việc ra đời một loại hình vận tải mới của Mai Linh dù chưa thể nói trước có thành công trong việc giành lại thị trường với các công nghệ gọi xe như Grab, Go- Viet hay không. Nhưng theo nhiều nhà quản lý, Mai Linh bike ra đời đã cho thấy sự thay đổi nhận thức của các doanh nghiệp Việt trước làn sóng của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Thay đổi để thích ứng
Cách mạng 4.0, như đã nói, đang làm thay đổi toàn bộ cục diện ngành vận tải Việt Nam. Điều này cũng đặt ra một bài toán với các doanh nghiệp vận tải, làm thế nào để tận dụng thành công các thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, giữ được "chân khách hàng", và không bị "tụt" lại phía sau?
Trước vấn đề này, nhiều chuyên gia khẳng định, nếu không muốn bị “đào thải” thì các doanh nghiệp taxi truyền thống phải thay đổi mình để thích ứng. Ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông-Vận tải Hà Nội cho biết, trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, muốn tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp phải nắm bắt xu hướng và hoàn thiện mình theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào kinh doanh, nâng cao chất lượng phương tiện và dịch vụ đi kèm.
“Hành khách thời nay sẵn sàng bỏ tiền vé nhưng đòi hỏi phương tiện phải hiện đại, thoải mái, an toàn, thái độ nhân viên phục vụ tốt. Bởi thế, các doanh nghiệp vận tải phải luôn cố gắng để đáp ứng tối đa, tạo sự thoải mái, tin tưởng cho khách hàng”, ông Long nói.
Đồng quan điểm, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho rằng người dùng “thích” sử dụng các sản phẩm công nghệ thời 4.0 bởi các loại hình công nghệ này có ưu thế là giá cả phù hợp, xe đẹp, thái độ phục vụ khách hàng thân thiện…
Ở góc nhìn doanh nghiệp, ông Phan Bá Mạnh, Giám đốc Công ty Công nghệ An Vui, Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo nên những thay đổi rất lớn về phương pháp cạnh tranh.
“Cuộc đua ứng dụng công nghệ đang nóng lên hơn bao giờ hết, các nhà vận tải phải coi đó là một cơ hội để ứng dụng nhằm tăng lợi thế cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ và mở rộng thị phần. Những nhà xe lớn như: Inter Bus Lines, Mai Linh, Sao Việt... là những đơn vị đang đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và điều hành và đã thành công”, ông Mạnh nói.
Kỳ II: Xây dựng chính sách cho taxi công nghệ: “Khi thầy bói xem voi”