Thị trường thực phẩm chức năng: Thực trạng và giải pháp phát triển

Liên Hằng - Trang Anh- Hà Ngọc - Thanh Thành- Quốc Tuấn 26/09/2018 13:26

Ngày 26/9, được sự chỉ đạo của VCCI, Báo DĐDN tổ chức tọa đàm trực tuyến về thực trạng của thị trường thực phẩm chức năng cũng như những giải pháp để thị trường hoạt động ổn định và lành mạnh.

Thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) đang bị thả nổi, nhiều hàng giả, hàng kém chất lượng được quảng cáo thái quá về tính năng sản phẩm trong khi quản lý khá lỏng lẻo. 

"Bát nháo" thị trường thực phẩm chức năng

Theo Hiệp hội TPCN Việt Nam, nếu như năm 2000 mới chỉ có khoảng 63 sản phẩm TPCN của 13 cơ sở nhập khẩu vào Việt Nam thì đến nay cả nước đã có tới 4.190 doanh nghiệp tham gia sản xuất và kinh doanh với khoảng 10.930 sản phẩm đang lưu hành. Có hơn 90% nhà thuốc trên toàn quốc đang bán TPCN. Sự phát triển “thần tốc” này khiến việc kiểm soát hoạt động kinh doanh TPCN thêm khó khăn. Nhiều vụ phát hiện và thu giữ gần đây cho thấy, các đối tượng làm giả TPCN rất tinh vi, có đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại để đóng gói, dán tem nhãn sản phẩm không khác gì hàng chính hãng.

Bên cạnh đó, nhiều cơ chế chính sách để phát triển, quản lý mặt hàng TPCN còn khá lỏng lẻo, chưa phù hợp, thiếu tính khả thi khiến không ít các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh TPCN mất phương hướng, làm ăn thiếu hiệu quả. 

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Nhằm tạo ra một môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh đối với sản phẩm TPCN, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ngày càng phát triển, qua đó giúp thị trường TPCN ngày càng phát triển, ngày 2/2/2018 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Nghị định được kì vọng là "đòn bẩy" để thúc đẩy thị trường TPCN phát triển minh bạch và lành mạnh. 

Nhằm giúp thị trường TPCN phát triển ổn định, lâu dài, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh TPCN và người tiêu dùng, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Toạ đàm trực tuyến với chủ đề: “Thị trường TPCN: Thực trạng và giải pháp phát triển” từ 14h00 - 17h00 ngày 26/9 tại Hội trường 2, tầng 7, tòa nhà VCCI, số 9 Đào Duy Anh, Hà Nội.

Chương trình có sự tham dự của: TS Phạm Hưng Củng: PCT, Kiêm Tổng thư ký Hiệp Hội Thực phẩm Chức năng VN; Ông Trần Văn Châu: Đại diện Cục an toàn thực phẩm – Bộ y tế; Ông Nguyễn Văn Lợi: Đại diện Cục Quản lý dược- Bộ Y tế; Ông Nguyễn Minh Tuấn: Tổng giám đốc thương hiệu Mother&care; Ông Nguyễn Phúc Hưng – Chủ tịch HĐQT Công ty dược Phúc Thành An; Bà Đỗ Việt Hương: Chủ tịch HĐQT Cty CP sản xuất Thương mại BioCosmestics; Bà Đào Minh Châu: Chủ tịch HĐQT – TGĐ Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Ruby’s Word; Bà Đỗ Thanh Phương – GĐ thương hiệu Phidias; Bà Đào Thanh Thủy - Giám đốc Cty CP Thương mại Kiết Tường.

TOÀN CẢNH VỀ THỰC TRẠNG THỊ TRƯỜNG THỰC PHẨM CHỨC NĂNG VIỆT NAM

Từ trái qua Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng - Phó Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, TS Phạm Hưng Củng: PCT, Kiêm Tổng thư ký Hiệp Hội Thực phẩm Chức năng VN

Từ trái qua: Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng - Phó Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, TS Phạm Hưng Củng - Phó Chủ tịch Kiêm Tổng thư ký Hiệp Hội Thực phẩm Chức năng Việt Nam

Phát biểu khai mạc, Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng - Phó Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp cho biết, thị trường thực phẩm chức năng của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ thời gian qua, từ 60 cơ sở sản xuất đã lên tới 4.000 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh với 7.000 sản phẩm lưu hành trên thị trường, đây là thị trường hấp dẫn với doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tuy nhiên,  thị trường đang bị thả nổi, nhiều hàng giả, hàng kém chất lượng được quảng cáo thái quá về tính năng sản phẩm trong khi quản lý khá lỏng lẻo.

Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng - Phó Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp

Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng - Phó Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp

Đánh giá về thị trường TPCN hiện nay, TS Phạm Hưng Củng PCT, Kiêm Tổng thư ký Hiệp Hội Thực phẩm Chức năng Việt Nam thông tin, thực phẩm chức năng có nhiều vai trò, trong đó có vai trò là làm đẹp, đẹp cả trong lẫn ngoài chứ không đơn thuần tác động từ bên ngoài như mỹ phẩm.

"TPCN có sự giao thoa giữa thực phẩm làm đẹp và thuốc. Ở nhiều nước có cả cơ quan quản lý riêng sản phẩm này đơn cử như tại Mỹ là Cục Quản lý dược và thực phẩm. Bản chất của thực phẩm chức năng là giao thoa giữa một bên là thuốc và một bên là thực phẩm, nhưng rõ ràng đó là thực phẩm đặc biệt. Thực phẩm chức năng hay còn gọi là thực phẩm thuốc hay thực phẩm bảo vệ sức khoẻ. Trên thế giới, hiện có 21 định nghĩa về thực phẩm chức năng như: có tác dụng duy trì, bổ sung chất dinh dưỡng cho cơ thể, và hỗ trợ trong phòng ngừa các loại bệnh", TS Củng cho biết.

TS Phạm Hưng Củng PCT, Kiêm Tổng thư ký Hiệp Hội Thực phẩm Chức năng VN

TS Phạm Hưng Củng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp Hội Thực phẩm Chức năng Việt Nam

TS Nguyễn Hưng Củng cho biết: "Khi có dịp sang Mỹ, tôi đã thấy nhiều loại thực phẩm chức năng được bày bán trong siêu thị từ nhiều năm trước, các sản phẩm này sau đó được đưa về Việt Nam theo đường xách tay. Bắt đầu từ năm 2000 đã có một doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu. Đến nay thì Việt Nam đã phát triển nhanh chóng hàng nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng. Ở Nhật Bản, mỗi năm người dân nước này chi 200 tỷ USD cho các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ tảo, rong biển, cá tươi và được nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh điều đó tỷ lệ thuận với tuổi thọ của người Nhật Bản hiện cao nhất thế giới. Chính vì vai trò đó, hiện thực phẩm chức năng đã trở thành ngành kinh tế phát triển trên toàn cầu".

Theo ông Củng, Việt Nam là nước thuận lợi cho phát triển dược thảo, chúng ta có 4.000 cây, con cho sản xuất thực phẩm chức năng, 9.000 cây làm thực phẩm truyền thống. Kết hợp với sự phát triển của công nghệ nên chúng ta có nhiều điều kiện để đưa thảo dược thành sản phẩm cho sức khoẻ càng có điều kiện phát triển.

"Có thể nói, chúng ta có nhiều tiềm năng về TPCN, vấn đề là làm sao tổ chức sản xuất, quản lý, tổ chức thị trường, marketing... làm thế nào không những phục vụ cho 90 triệu người mà cả 600 triệu dân ASEAN và cả các nước khác. Tiềm năng của thực phẩm chức năng của Việt Nam là vô cùng lớn làm sao để khoẻ mạnh và ở đó trở thành ngành kinh tế mũi nhọn", TS Củng đặt vấn đề.

Cùng nhìn nhận về thị trường TPCN hiện nay, ông Trần Văn Châu - Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế cho hay, chúng ta đã có quy định pháp luật liên quan đến TPCN đó là Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 (Nghị định 15). Trước Nghị định 15 vấn đề về thực phẩm chức năng cũng đã được đề cập trong pháp lệnh về vệ sinh an toàn thực phẩm, tiếp đến là Luật An toàn thực phẩm, sau đó là Nghị định 38/2012/NĐ-CP ngày 25/04/2012 cùng hàng loạt các thông tư, quy định khác... Từ các quy định pháp luật nói trên cùng với nỗ lực của doanh nghiệp, thị trường TPCN đã có sự phát triển như hiện nay.

ông Trần Văn Châu - Đại diện Cục an toàn thực phẩm – Bộ Y tế

Ông Trần Văn Châu - Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế

"Cộng đồng doanh nghiệp đã đóng góp nhiều cho sự phát triển của thị trường thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, tình trạng sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, quảng cáo quá mức đã ảnh hưởng phần nào đến sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng. Từ những tồn tại thị trường đã ảnh hưởng tâm lý, sự lựa chọn của người tiêu dùng trong khi lợi ích của thực phẩm chức năng với sức khỏe là không thể phủ nhận. Có thể nói, một số bộ phận làm ăn không chân chính dẫn đến niềm tin sụt giảm, ảnh hưởng đến doanh nghiệp thực phẩm chức năng chân chính", ông Châu cho biết.

Giải pháp để thị trường phát triển ổn định, lành mạnh

Đặt câu hỏi với ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng giám đốc thương hiệu Mother & Care, nhà báo Nguyễn Tiến Dũng nêu vấn đề: thị trường TPCN cực kỳ tiềm năng nhưng vẫn được đánh giá là thị trường "lộn xộn". Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông có đánh giá như thế nào về tiềm năng của thị trường này?

ông Nguyễn Minh Tuấn - Tổng giám đốc thương hiệu Mother & Care

Ông Nguyễn Minh Tuấn - Tổng giám đốc thương hiệu Mother & Care

Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tuấn - Tổng giám đốc thương hiệu Mother & Care cho biết: Đúng là thị trường thực phẩm chức năng là thị trường vô cùng tiềm năng với nguồn nguyên liệu dồi dào, chỉ thua Trung Quốc nhưng hiện tại nhiều doanh nghiệp sản xuất theo dạng quy mô gia đình và gia truyền, sản phẩm không có số đăng ký, bán tràn lan, thậm chí trà trộn chất cấm. Ví dụ như các sản phẩm tăng cân, giảm cân, đây là những sản phẩm bán rất chạy. "Tôi xin hỏi với thực trạng như vậy thì cơ quan chức năng xử lý thế nào? Nhận định thị trường thực phẩm chức năng rất "lộn xộn" có đúng không?", ông Tuấn đặt vấn đề.

Về vấn đề này, TS Nguyễn Hưng Củng nêu quan điểm: "Tôi chưa hoàn toàn đồng ý với nhận định này bởi nếu nói lộn xộn thì không đúng lắm, đánh giá thế thì hơi bi quan bởi lượng sản phẩm chức năng được lưu hành trên thị trường chủ yếu là các sản phẩm thực hiện quy định pháp luật. Tôi thấy chỉ có một số cơ sở nhỏ lẻ và làm ăn chật vật bán sản phẩm không đảm bảo và sản phẩm có chất cấm nhưng số đó không nhiều. Do vậy, tôi cho rằng, thị trường TPCN đang có thực tế: “con sâu làm rầu nồi canh”.

Từ góc độ doanh nghiệp, bà Đỗ Việt Hương - Chủ tịch HĐQT Cty CP sản xuất Thương mại BioCosmestics đặt câu hỏi: “Hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều các loại thực phẩm chức năng, tuy nhiên, có nhiều sản phẩm chưa ghi rõ về cơ sở sản xuất, đơn vị phân phối sản phẩm. Hoặc với những trường hợp các cơ sở sản xuất, phân phối không công bố việc đưa sản phẩm ra thị trường, vậy Cục An toàn thực phẩm có biết đến những trường hợp này không? Và nếu có thì Cục đã xử lý như thế nào?".

bà Đỗ Việt Hương - Chủ tịch HĐQT Cty CP sản xuất Thương mại BioCosmestics

Bà Đỗ Việt Hương - Chủ tịch HĐQT Cty CP sản xuất Thương mại BioCosmestics

Ông Trần Văn Châu - Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế cho biết, có những trường hợp Cục biết tuy nhiên trong một số trường hợp các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ không công bố sản phẩm thì có thể chưa biết. Tuy nhiên ông Châu khẳng định, khi phát hiện đều có chế tài xử lý thích đáng.

Ông Châu dẫn chứng, chỉ trong tháng 8/2018, Cục đã xử lý 81 trường hợp vi phạm với tổng số tiền nộp phạt lên tới khoảng 135 tỷ đồng. Chủ yếu các trường hợp vi phạm này là về các sản phẩm giảm cân.

"Có được việc phát hiện và xử lý kịp thời này Cục đã tăng cường và chủ động giám sát thông qua 2 kênh. Một là đường dây nóng của Cục thông qua ghi nhận phản ánh của người tiêu dùng, hoặc thông qua phản ánh của báo chí.", ông Châu cho hay.

Bà Hồ Thanh Phương – GĐ thương hiệu Phidias

Bà Hồ Thanh Phương – Giám đốc thương hiệu Phidias

Trả lời câu hỏi của Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng về quan điểm của doanh nghiệp với việc Bộ Y tế quy định những ngôn từ không được sử dụng trên quảng cáo như “hỗ trợ điều trị”? và những quy định chưa rõ ràng về quy định quảng cáo có khiến doanh nghiệp lúng túng? Bà Hồ Thanh Phương – GĐ thương hiệu Phidias cho biết: "Điều 70, Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định về vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo, nếu không ghi “sản phẩm này không phải là thuốc”. Tại khoản B điều 4 ghi sản phẩm quảng cáo nhầm lẫn sang thuốc sẽ bị phạt hành chính với mức xử phạt rất cao và gỡ bỏ quảng cáo. Tuy nhiên, khi làm các thủ tục quảng cáo cho TPCN, chúng tôi thường bị chờ đợi trong thời gian dài".

Không những thế, theo bà Phương, cụm từ “hỗ trợ điều trị” không được phép sử dụng trong quảng cáo TPCN nhưng doanh nghiệp không thấy quy định tại văn bản nào, chỉ cho đến khi cơ quan chức năng gửi lại thông báo mới thấy có nói đến việc sử dụng ngôn từ này.

Nói thêm về vấn đề này, ông Trần Văn Châu - Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế cho biết: điều này liên quan đến nội dung khi doanh nghiệp công bố sản phẩm, với TPCN là chỉ có công dụng hỗ trợ, làm giảm tình trạng bệnh... thì các quảng cáo chỉ được phù hợp với công hiệu của sản phẩm đã công bố. Điều 27 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định “tổ chức cá nhân có sản phẩm quảng cáo, cơ quan phát hành quảng cáo khi sản phẩm đã được xác nhận nội dung quảng cáo và chỉ được quảng cáo sản phẩm với nội dung đã được xác nhận”.

"TPCN là sản phẩm có tác dụng giảm triệu chứng bệnh nhưng không thể thay thế thuốc. Hiện theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hoá có nội dung ghi nhãn bắt buộc phải có là tên nhóm sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ và mới đến tên sản phẩm. Kèm cụm từ “thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”, để tránh không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Mục đích của các chế tài là không bỏ qua cơ hội chữa trị của người bệnh", ông Châu thông tin.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng có một số doanh nghiệp nói rằng khi đăng ký sản phẩm thực phẩm chức năng, có một số tên gọi thành phần khi lần đầu ban hành được ghi, tuy nhiên, lần sao lại không được ghi đã gây hoang mang trong vấn đề ghi tên thành phần. Liệu các cơ quan quản lý cần có quy định chi tiết về tên gọi thành phần được dùng hay không được dùng trên nhãn thực phẩm chức năng hay không?

Theo TS Nguyễn Hưng Củng, trong các văn bản pháp quy chỉ ghi những từ phổ cập và bao quát nhất. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều từ ngữ tên gọi thành phần được sử dụng trong thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, nếu quy định cụ thể 4000-5000 ngôn từ thì không được.

Do đó, các doanh nghiệp cần lưu ý khi ghi tên thành phẩm không nên dùng các tên thành phẩm không có trong các văn bản pháp quy hoặc làm ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục. Đồng thời các doanh nghiệp cũng cần tách biệt rõ 2 khái niệm: đưa thông tin sản phẩm với quảng cáo sản phẩm. Đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Những thành phẩm đã được Cục an toàn thực phẩm kiểm nghiệm và chứng nhận nên được đưa thông tin minh bạch và đưa ra quảng cáo. Khi các doanh nghiệp đã làm ăn chân chính cần thẳng thắn và có thể ghi rằng "sản phẩm này không phải là thuốc".

Trao đổi tại tọa đàm, TS Nguyễn Hưng Củng cho rằng, trên mỗi sản phẩm thực phẩm chức năng thường ghi thành phần của sản phẩm ví dự như bao gồm là nhung hay sâm. Tuy nhiên, với những sản phẩm chức năng thì thường có mức hàm lượng đủ ở mức tối thiểu. Trong khi đó, với những sản phẩm là dược, thuốc chữa bệnh phải có đủ hàm lượng hoạt chất ở mức tối đa, có như vậy mới có tác dụng.

"Trong thực tế, chúng tôi đã từng lấy mẫu ngẫu nhiên các sản phẩm, trong đó có một số sản phẩm chức năng có thành phần là sâm. Tuy nhiên, khi đi kiểm định hàm lượng sâm không có đủ hàm lượng tinh chất vì vậy không thể coi là thuốc và có ttác dụng như nhân sâm được", ông Củng thông tin.

Ngoài ra, ông Củng cũng chia sẻ, không ở đâu dễ như ở Việt Nam khi mua và sử dụng các sản phẩm thuốc, thực phẩm chất năng trong khi việc sử dụng thuốc phải hết sức thận trọng.

Theo đó, ông Củng đề xuất, các đơn vị truyền thông phải ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quá trình tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu rõ được hiệu quả của từng loại sản phẩm.

Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng nêu vấn đề: Một số doanh nghiệp có thắc mắc với tôi, sản phẩm của họ có tác dụng bổ gan, bổ thận vì trong sản phẩm của họ có đỗ trọng, ba tích nhưng lần sau họ không được phép ghi các từ như này, bản thân cả họ rất thắc mắc không biết họ có được nghi hay không nghi, ở đây, như chị Hồ Thanh Phương có nói, bản thân chị đã từng làm quảng cáo nhưng đôi khi họ cũng lúng túng. Như vậy, có lẽ cơ quan quản lý cần phải quy định rõ xem từ nào được dùng và từ nào không được dùng.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hưng Củng cho hay: trong các văn bản pháp quy, chỉ đưa được những vấn đề phổ cập và bao quát nhất chứ ví dụ như 4000 sản phẩm và quy định đến 4.000 hay 5.000 ngôn từ không được dùng thì không được dùng, như thế thì không làm được. Đây là thông lệ quốc tế.

Ví dụ như điều 22, 23 Nghị định 115 Nghị định 115/2018/NĐ-CP có quy định về các vi phạm quy định khác về bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, cung cấp thực phẩm. Như vậy, doanh nghiệp chỉ cần tránh điều này ra là không bị phạt.

Thêm vào đó, khái niệm đưa thông tin của sản phẩm và quảng cáo sản phẩm là 2 khái niệm khác nhau. Ví dụ sản phẩm này, Cục An toàn thực phẩm xác nhận công bố tại cục ghi các công dụng của sản phẩm là ABCD, thì doanh nghiệp đưa các công dụng của sản phẩm ABCD tại tất cả các báo thì không ai cấm, vì không sai. Nhưng quảng cáo thì dùng ngôn từ mĩ miều hơn, hình ảnh mĩ miều thì phải duyệt quảng cáo xem có đúng không.

"Tôi thấy nhiều doanh nghiệp khi nói về sản phẩm thì nói rất to nhưng khi nói câu “sản phẩm không phải là thuốc thì lại nói rất nhỏ”, ông Củng nói.

Nhà báo Tiến Dũng đặt vấn đề, có nhiều doanh nghiệp phản ánh, họ đang dùng từ điều trị và hỗ trợ, nhưng ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tếi là không được dùng, nhưng có một số cơ quan khác vẫn được dùng.

Giải đáp về vấn đề này, ông Trần Văn Châu cho hay: Tại khoản 2 điều 27 về đăng ký nội dung quảng cáo phải phù hợp với tác dụng công dụng của sản phẩm được công bố trong bảng công bố sản phẩm. Nếu như trong bảng công bố sản phẩm không có cụm từ hỗ trợ điều trị thì trong quảng cáo cũng không có cụm từ hỗ trợ điều trị.

Trước đây, Thông tư 43/2014 quy định trường hợp chứng minh hỗ trợ điều trị nhưng khi thực hiện quy định Luật Dược thì cấm thông tin, quảng cáo các sản phẩm không phải là thuốc với công dụng hỗ trợ điều trị. Từ đó đến nay, các sản phẩm hỗ trợ, trong đó có thực phẩm chứng năng không được dùng từ hỗ trợ điều trị.

bà Đào Minh Châu: Chủ tịch HĐQT – TGĐ Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Ruby’s Word

Bà Đào Minh Châu: Chủ tịch HĐQT – TGĐ Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Ruby’s Word

Đặt câu hỏi tại buổi tọa đàm, bà Đào Minh Châu: Chủ tịch HĐQT – TGĐ Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Ruby’s Word cho hay, hiện có hiện tượng phóng viên báo chí đưa thông tin sai lệch về doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm, TPCN, doanh nghiệp cần làm việc với cơ quan nào về vấn đề này?

Về vấn đề này, Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng đề nghị các doanh nghiệp hợp tác thông tin nhanh đến báo chí, phản hồi nhanh về những vấn đề của phóng viên. Tất cả các cơ quan đều có cơ quan chủ quản nên doanh nghiệp hoàn toàn có thể phản ánh đến các cơ quan chủ quản.

Còn theo ông Trần Văn Châu - Cục an toàn thực phẩm – Bộ Y tế: tinh thần là thượng tôn pháp luật, bất kỳ cơ quan nào cũng phải tuân thủ, cơ quan báo chí cũng có Cục báo chí và Luật báo chí. Cơ quan chúng tôi cũng nhận những trường hợp phản ánh của người dân, doanh nghiệp và báo chí về an toàn thực phẩm.

Góp ý thêm về thắc mắc của bà Châu, TS Nguyễn Hưng Củng cho biết báo chí đã đóng góp rất tích cực, các vụ việc đã được báo chí phanh phui giúp các doanh nghiệp chân chính phát triển. Còn một số “con sâu làm rầu nồi canh” doanh nghiêpj hãy mạnh dạn trao đổi với cơ quan chức năng.

Bà Đào Thanh Thủy - Giám đốc Cty CP Thương mại Kiết Tường

Bà Đào Thanh Thủy - Giám đốc Cty CP Thương mại Kiết Tường

Bà Đào Thanh Thủy - Giám đốc Cty CP Thương mại Kiết Tường: Hiện nay người tiêu dùng Việt Nam rất thông thái. Khi tham dự hội chợ, các doanh nghiệp đều ghi nhận người tiêu dùng cho biết, các sản phẩm không có tem nhãn chính thức và rõ ràng thì họ không mua.

Tuy nhiên, theo bà Thủy, không phải tác dụng và thành phần nào của thực phẩm chức năng đều được người dân nắm bắt. Cụ thể, có những sản phẩm không thể quảng cáo là thuốc nhưng vẫn được phản hồi là tốt cho sức khỏe. Hy vọng các cơ quan chuyên môn sẽ tạo điều kiện và giúp đỡ cho doanh nghiệp làm ăn chân chính cùng tìm ra giải pháp để giúp các thương hiệu được nhìn nhận đúng và để người dân hiểu đúng các công dụng của thực phẩm chức năng.

Về vấn đề này ông Nguyễn Hưng Củng đã cho biết: "Chúng tôi hứa với khả năng chuyên môn, các cơ quan chức năng sẽ cùng doanh nghiệp tìm ra cách thức để các thương hiệu đến được gần hơn với người dân. Đây cũng là điểm nghẽn khi trong y học cổ truyền vẫn có những phương pháp hữu dụng nhưng thuộc dạng phương pháp bí truyền, không thể kê khai cụ thể".

Siết chế tài với doanh nghiệp làm ăn chộp giật

Ông Trần Văn Châu thông tin, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc...

Theo đó, Bộ Y tế sẽ tiếp tục duy trì việc kiểm soát, thanh tra một cách chặt chẽ hoạt động này. Và ông Châu cũng kỳ vọng “trong thời gian tới, Bộ Y tế rất mong sẽ nhận được sự phối hợp bằng việc thông tin tới Cục những thông tin tiêu cực, những trường hợp doanh nghiệp kinh doanh chưa đúng”.

Đồng tình với ông Châu, ông Củng tin rằng, Bộ Y tế với các cơ quan chức năng như thanh tra bộ, cơ quan quản lý thị trường... kiên quyết xử lý các trường hơp vi phạm, những doanh nghiệp nào lựa chọn hành vi kinh doanh “chộp giật” sẽ sớm bị phát hiện và phải chịu chế tài thích đáng.

Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Theo lộ trình thực hiện GMP đã được đề ra, nếu sau 1/7/2019, các đơn vị vẫn không đạt tiêu chuẩn GMP, không được cấp chứng nhận GMP thì sẽ không được phép tiếp tục sản xuất. "Với việc siết theo tiêu chuẩn GMP, những cơ sở không đủ điều kiện sản xuất sẽ phải đóng cửa?", ông Dũng đặt câu hỏi.

Về vấn đề này, bà Đỗ Việt Hương cho hay, các doanh nghiệp đang gặp khó về quy định này. Các doanh nghiệp xây dựng nhà máy từ trước những năm 2012 đã có cơ sở sản xuất, nhà máy trước đó, thậm chí nhiều doanh nghiệp mới nâng cấp năm 2017, nhưng chưa thể đạt GMP theo quy định này.

Để một nhà máy TPCN lên đạt chuẩn GMP mất rất nhiều vốn. Ví dụ với việc nâng cấp một nhà máy viên nang lên GMP thì mức đầu tư khoảng 10 tỷ, thậm chí với nhà máy sản xuất đa dạng cả dạng túi, dạng nén...có khi mức đầu tư lên tới hơn 40 tỷ đạt chuẩn GMP.

Nghị định đưa ra yêu cầu doanh nghiệp trong vòng 18 tháng phải GMP ngay khiến doanh nghiệp gặp khó vì nguồn đầu tư rất lớn. Doanh nghiệp kiến nghị Cục và cơ quan chức năng cho phép sản phẩm đã được cấp công bố trước tháng 7/2018 thì được phép sản xuất tại nhà máy trước đó.

ông Nguyễn Phúc Hưng – Chủ tịch HĐQT Công ty dược Phúc Thành An

Ông Nguyễn Phúc Hưng – Chủ tịch HĐQT Công ty dược Phúc Thành An

Còn theo ông Nguyễn Phúc Hưng – Chủ tịch HĐQT Công ty dược Phúc Thành An, với số lượng tới hơn 3.000 doanh nghiệp không đạt chuẩn GMP thì có thể nói hầu hết số doanh nghiệp Việt không đủ tiêu chuẩn sản xuất. Trong khi đó, thị trường TPCN của Việt Nam rất tiềm năng với 96 triệu dân, ý thức bảo vệ sức khoẻ chưa cao, điều này sẽ khiến các doanh nghiệp nước ngoài nhảy vào, thất thu ngân sách.

"Do đó doanh nghiêp mong muốn có mức phân chia độ đạt của các nhà máy, nếu không đạt GMP thì cũng có tiêu chuẩn phù hợp để doanh nghiệp giữ vững được hoạt động. Đồng tìh với việc dẹp bỏ doanh nghiệp manh mún, chộp giật, nhưng là loại trừ bớt chứ không phải làm căng quá khiến hầu hết doanh nghiệp phải đóng cửa nhà máy..", ông Hưng nói.

Từ góc độ doanh nghiệp, bà Đỗ Thanh Phương cho biết: Các doanh nghiệp hiện nay đều quan tâm vấn đề quảng cáo. Trong nhiều nguyên vật liệu nhập khẩu từ nước ngoài về đã có kèm nhiều tài liệu nghiên cứu khoa học của châu Âu đã được công bố. "Liệu trên website của công ty có được đăng tải các tài liệu nghiên cứu về công dụng của thành phần và giới thiệu sản phẩm có được phép hay không?", bà Phương đặt câu hỏi.

Ông Trần Văn Châu phân tích: các quy định về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe đã được ghi rất rõ trong Nghị định 15/2018, cụ thể tại các điều 26,27 của Nghị định. Theo quy định, việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải phù hợp với các công dụng, tác dụng được đưa ra trong hồ sơ công bố sản phẩm.

"Phần quảng cáo không thể khác với công dụng trong hồ sơ công bố sản phẩm. Bên cạnh đó, theo quy định không thể quảng cáo công dụng của từng thành phầm sử dụng trong sản phẩm. Ví dụ sản phẩm có 10 nguyên liệu và không thể tổng hợp từng công dụng của 10 nguyên liệu đó. Đây là quy định cho các sản phẩm bảo vệ sức khỏe", ông Châu thông tin.

Giải thích thêm về câu hỏi của bà Phương, ông Nguyễn Hưng Củng cho biết nếu như doanh nghiệp nhập nguyên liệu để bán cho doanh nghiệp khác các doanh nghiệp có quyền ghi công dụng của các thành phẩm đó. Tuy nhiên, nếu nguyên liệu đưa vào sản phẩm thì không thể ghi hết công dụng của các nguyên liệu. Điều này xuất phát trong quá trình phối trộn, có các hoạt chất sinh học dưới tác động môi trường, nhiệt, quá trình bào chế có những tương tác dẫn đến thay đổi một số tác dụng nhất định. Các doanh nghiệp muốn ghi cụ thể phải thử lâm sàng. Từ kết quả thử nghiệm thu được công dụng của sản phẩm mới có thể đưa ra quảng cáo.

Ông Nguyễn Hưng Củng cũng khẳng định: nói đúng ra thì cả 5 tiêu chuẩn GMP – GLP – GSP – GDP - GPP chúng ta đều phải thực hiện. Nói thêm về vấn đề đáp ứng 5 tiêu chuẩn trên khi xuất khẩu sản phẩm sang các nước ASEAN, ông Trần Văn Châu cho biết, hiện nay, có gần 4000 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng. Trong đó, có gần 1/10 cơ sở sản xuất, có cơ sở không phải là nhà sản xuất nhưng có hợp đồng với nhà máy sản xuẩt nào đó, riêng GMP là quy chuẩn tốt với nhà máy sức khỏe.

"Theo lộ trình 1/7/2019, doanh nghiệp ở nước ngoài vào Việt Nam cũng phải thực hiện, nếu không thực hiện quy chuẩn này thì không được vào Việt Nam. Như vậy, đây sẽ là cuộc chơi bình đẳng bởi nếu doanh nghiệp nước ngoài không thực hiện thì không thể vào Việt Nam được. Với tiêu chuẩn GMP thì tình trạng làm ăn gian dối, đưa chất này chất kia vào trong thực phẩm chức năng sẽ bị loại bỏ, tình trạng chỉ mấy m2 cũng sản xuất thực phẩm chức năng sẽ được chấm dứt để tạo thị trường lành mạnh.", ông Châu thông tin.

Trả lời câu hỏi, với những sản phẩm còn lưu hành trong kho chưa kịp tiêu thụ hết thì sẽ xử lý các sản phẩm này như thế nào? Ông Trần Văn Châu cho biết, với những sản phẩm sản xuất trước ngày 1/7/2019 thời hạn lưu hành và sử dụng sản phẩm vẫn như bình thường đó là thời gian 24 tháng.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Hưng Củng bổ sung, Nếu doanh nghiệp không đáp ứng được tiêu chuẩn của GMP có nghĩa doanh nghiệp không thể xuất khẩu sang các thị trường khác thuộc ASEAN, chưa nói đến việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe hơn tại các thị trường như Mỹ, Châu Âu...

Chính vì vậy, ông Củng khẳng định: “Nghị định này mở ra cơ hội cho doanh nghiệp chứ không phải là khó khăn. Câu hỏi đặt ra là, doanh nghiệp có tận dụng được cơ hội này không? Và tận dụng như thế nào? Theo đó, để đáp ứng được tiêu chuẩn của GMP, doanh nghiệp phải đáp ứng không chỉ quy mô sản xuất mà còn là cơ sở hạ tầng, nhà xưởng, con người và quy trình quản lý ... đều phải thay đổi theo tiêu chuẩn GMP. Doanh nghiệp muốn phát triển bền vững thì phải GMP”.

Theo Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng, liên quan đến quy định GMP có lộ trình 1/7/2019, thì con số 99% doanh nghiệp Việt là DNNVV đang được cho là gặp khó. Có nhiều ý kiến cho rằng chúng ta nên phân biệt loại TPCN xuất khẩu và loại dùng cho thị trường nội địa. Theo đó, có thể giảm bớt 1 số tiêu chí trong 10 tiêu chí hiện nay, đồng thời có lộ trình cho doanh nghiệp chuẩn bị tích cực hơn và người tiêu dùng có thể áp dụng rộng rãi hơn, quan điểm của các cơ quan chức năng thế nào?

Trả lời câu hỏi của Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng, ông Nguyễn Hưng Củng cho rằng: "Ta phải chịu đau 1 lần, nếu cứ thấy khó mà không làm thì không thể thay đổi được. Cùng với đó chúng ta có nhiều doanh nghiệp nhỏ lẻ phải có mô hình liên kết hợp tác.

"Với ý kiến đưa ra phân biệt sản phẩm trong nước và xuất khẩu, đây là đi ngược lại với thế giới. Sản phẩm tốt phải là đưa cho nội địa dùng đã. Chúng ta không nên phân biệt sản xuất trong nước và nước ngoài.", ông Củng nói.

ông Nguyễn Văn Lợi - Đại diện Cục Quản lý dược- Bộ Y tế

Ông Nguyễn Văn Lợi - Đại diện Cục Quản lý dược- Bộ Y tế

Ông Nguyễn Văn Lợi - Đại diện Cục Quản lý dược - Bộ Y tế cho biết: "Tôi cũng chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp trong việc triển khai GMP. Tuy nhiên, sản phẩm được đưa vào sản xuất trong môi trường không đảm bảo tiêu chuẩn, chắc chắn không thể tạo ra sản phẩm an toàn và chất lượng. Đó là lý do tại sao cần áp dụng GMP. Đây là bộ nguyên tắc chung, không thể thêm vào hoặc bớt đi". 

"Việc xây dựng GMP là cơ hội lớn và thách thức để hoàn thiện sân chơi chung cho các doanh nghiệp. Nên ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp cần xắn chân để đi. Đặc biệt sắp tới khi Quốc hội phê chuẩn thông qua Hiệp định CPTPP, sân chơi này sẽ càng khắc nghiệt hơn nữa. Do đó, các doanh nghiệp cần phải tự thay đổi mình để đứng vững trong cuộc chơi đầy cạnh tranh này", ông Lợi nói.

Với mỹ phẩm, các cơ sở sản xuất mỹ phẩm cũng phải triển khai xây dựng GMP ASEAN. Tuy nhiên các doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm hiện nay là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên Cục và các cơ quan liên quan đang có những cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc tiến hành GMP.

Ban tổ chức chụp ảnh lưu niệm cùng các vị khách mời.

Ban tổ chức chụp ảnh lưu niệm cùng các vị khách mời.

Sau gần 3 giờ đồng trao đổi, thảo luận, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp đều khẳng định: không thể để tiếp diễn mãi tình trạng bát nháo, “vàng thau lẫn lộn” trong thị trường TPCN như hiện nay. Điều quan trọng, Việt Nam phải tiệm cận một nền sản xuất TPCN theo hướng thực hành sản phẩm tốt (GMP) trong tương lai gần. Khi áp dụng tiêu chí GMP chắc chắn những doanh nghiệp yếu kém sẽ tự đào thải, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Chỉ có điều, cần có lộ trình cụ thể để các doanh nghiệp nhỏ có đủ thời gian, tiềm lực để thay đổi.

Liên Hằng - Trang Anh- Hà Ngọc - Thanh Thành- Quốc Tuấn