Gỡ khó cho doanh nghiệp đường thủy nội địa

Minh Vân 27/09/2018 06:36

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 128/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực đường thủy nội địa.

Những thay đổi này, được kỳ vọng sẽ giúp khơi thông vốn đầu tư vào lĩnh vực đường thủy nội địa, một lĩnh vực đầy tiềm năng.

Có thể bạn quan tâm

  • Điều chỉnh Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa

    20:29, 08/08/2018

  • 3 phương thức khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa

    12:11, 31/03/2018

  • Vì sao Bộ Giao thông Vận tải tạm dừng thi công dự án nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa trên tuyến sông Cầu?

    17:48, 17/03/2017

Dư địa lớn

Theo đánh giá, đầu tư cho đường thủy lâu nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, việc khai thác, duy tu bảo dưỡng thường xuyên vẫn chỉ dựa vào điều kiện tự nhiên. Đặc biệt trong bối cảnh khó khăn hiện nay thì vốn vẫn luôn là bài toán khó đối với ngành Đường thủy nội địa nói riêng và ngành Giao thông Vận tải nói chung.

Ưu thế của đường thủy nội địa ở chỗ việc đầu tư để phát huy tiềm năng vận tải trên các tuyến sông rất khả thi, trong khi diện tích đường bộ có giới hạn, không thể mở rộng mãi. Trên bình diện nào đó, tính ưu việt của giao thông vận tải thủy so với đường bộ rất đáng kể. Có thể kiểm chứng điều này thông qua khả năng vận chuyển của 1 sà lan hoặc 1 tàu trọng tải 300 tấn, tính ra tương đương với sức vận chuyển của 15 xe tải hạng nặng trên đường bộ.

Chính phủ sửa đổi một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực đường thủy nội địa...

Chính phủ sửa đổi một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực đường thủy nội địa...

Qua đó, có thể thấy tiềm năng khai thác mạng lưới vận tải đường thủy nội địa là rất lớn và một khi hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa được quan tâm đầu tư đúng mức sẽ góp phần hạ giá thành vận chuyển, tạo sức cạnh tranh cho hàng hóa nội địa. Ngoài ra, hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa còn có thêm nhiều lợi thế như vận chuyển hàng hóa với khối lượng lớn, hàng hóa siêu trường, siêu trọng và ít gây ô nhiễm môi trường.

Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải, đến năm 2020, vốn cho đường thủy nội địa cần 30.000 tỷ đồng, trong đó 40% nguồn vốn huy động từ nguồn xã hội hóa để đầu tư cho hệ thống cảng bến, còn lại luồng tuyến dùng nguồn ngân sách nhà nước, nhưng đến nay tình hình đầu tư cho đường thủy nội địa không được nhiều.

Tuy nhiên, quá trình đầu tư của doanh nghiệp thủy nội địa trước đây tương đối khó khăn. Trước đây, các đơn vị kinh doanh vận tải phải đáp ứng các điều kiện về: Nhân viên, người điều hành, nơi neo đậu, bộ phận quản lý và theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông…

Đường lớn đã mở

Để gỡ khó cho doanh nghiệp đường thủy nội địa, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 128/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực đường thủy nội địa.

Cụ thể, Nghị định số 128/2018 đã bãi bỏ Điều 5 về điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa; Điều 7 về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng chuyến; Điều 8 về điều kiện kinh doanh vận chuyển khách du lịch; Điều 9 về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách ngang sông; Điều 10 về điều kiện kinh doanh vận tải hàng hóa tại Nghị định số 110/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa.

Bên cạnh đó, Nghị định đã sửa đổi, bổ sung Điều 6 của Nghị định số 110/2014/NĐ-CP. Theo đó, để kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, theo hợp đồng chuyến và vận chuyển khách du lịch chỉ cần đáp ứng một điều kiện duy nhất là đơn vị kinh doanh vận tải phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Trước đây, các đơn vị kinh doanh vận tải nêu trên còn phải đáp ứng các điều kiện về: Nhân viên, người điều hành, nơi neo đậu, bộ phận quản lý và theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông…

Đồng thời, Nghị định số 128/2018 cũng sửa đổi, bổ sung Điều 6 Nghị định số 24/2015/NĐ-CP ngày 27/2/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa.

Theo đó, cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện thủy nội địa phải thành lập doanh nghiệp hoặc Hợp tác xã theo quy định của pháp luật Việt Nam; có cơ sở vật chất, trang thiết bị, quy trình công nghệ và năng lực thi công phù hợp với chủng loại, kích cỡ phương tiện thủy nội địa được sản xuất, kinh doanh dịch vụ theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành; có nhân lực đáp ứng yêu cầu hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, Nghị định số 128/2018 cũng sửa đổi bổ sung điều kiện về phòng học chuyên môn, phòng thi, kiểm tra; xưởng thực hành; khu dạy thực hành lái và vận hành máy; nội dung, chương trình đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa; đội ngũ giáo viên quy định tại Nghị định số 78/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ.

Những thay đổi về mặt chính sách như đã nói ở trên được kỳ vọng sẽ tạo ra một “cú hích” mới, giúp khơi thông vốn đầu tư vào ngành này, đồng thời, tạo điều kiện để doanh nghiệp yên tâm đầu tư.

Minh Vân