Thực trạng chuyển giá và giải pháp chống chuyển giá ở Việt Nam
Cũng giống như các nước đang phát triển khác, Việt Nam cũng đang gặp phải rất nhiều khó khăn, thách thức trong việc đương đầu với nạn chuyển giá.
Từ thực tiễn công tác chống chuyển giá những năm qua ở Việt Nam, dưới đây là một số khó khăn, thách thức chủ yếu mà các cơ quan thuế Việt Nam đã và đang phải đối mặt.
Có thể bạn quan tâm
Tác động của chống chuyển giá đối với nền kinh tế
15:15, 24/08/2018
Giải pháp hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về chống chuyển giá tại Việt Nam
06:05, 02/09/2018
“Vốn mỏng” để chống chuyển giá
06:19, 29/07/2018
Tình trạng kê khai lỗ thường xuyên và các nghi án chuyển giá
Theo các báo cáo của VCCI mỗi năm có khoảng trên từ 40-50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp lỗ liên tục trong nhiều năm, thậm chí có doanh nghiệp lỗ lũy kế đến mức âm vốn chủ sở hữu nhưng vẫn tiếp tục hoạt động bình thường, kể cả việc mở rộng quy mô kinh doanh.
Năm 2010 số doanh nghiệp FDI kê khai lỗ ở Bình Dương là 754/1.490 doanh nghiệp chiếm tỷ trọng 50,6%, trong đó có 200 doanh nghiệp lỗ quá vốn chủ sở hữu. Đặc biệt hơn, ở Lâm Đồng có đến 104/111 doanh nghiệp FDI kê khai lỗ trong năm 2009 và nhiều năm trước đó. Nhiều tỉnh/thành thu hút nhiều doanh nghiệp FDI như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An… không thấy các cơ quan chức năng báo cáo tình hình kê khai lãi/lỗ của các doanh nghiệp FDI nhưng có thể con số cũng không thấp hơn tỷ lệ 50% con số bình quân của cả nước.
Theo báo cáo gần đây nhất năm vào đầu năm 2018 của VCCI, có đến 37,9% doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ trong năm 2017.
Tình trạng kê khai lỗ không cá biệt trong bất kỳ ngành nghề nào nhưng thường phổ biến ở các ngành nghề như chế biến chế tạo, sản xuất hàng may mặc, da giầy, sản xuất các mặt hàng gia dụng, bán lẻ, nước giải khát,… Ở TP HCM, theo thông tin của Cục thuế, các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực siêu thị, bán lẻ, nước giải khát đứng đầu danh sách các doanh nghiệp luôn báo lỗ.
Điều đáng chú ý là mặc dù lỗ, thậm chí lỗ lũy kế đến mức âm vốn nhưng các doanh nghiệp vẫn tiếp tục mở rộng quy mô kinh doanh thay vì đã phải phá sản hay đóng cửa sản xuất.
Một số tình huống kê khai lỗ điển hình ở Việt Nam thời gian qua được sự chú ý của dư luận trong lĩnh vực nước giải khát là Coca-Cola và Pepsi. Với Coca-Cola, theo Cục thuế TP HCM, từ khi bắt đầu hoạt động ở Việt Nam năm 1992, công ty này liên tục báo lỗ cho đến cuối năm 2012. Việc thua lỗ của Coca-Cola Việt Nam không phải do tăng trưởng doanh số yếu, thực tế sản lượng của công ty vẫn tăng trưởng trên 25% mỗi năm. Đến thời điểm tháng 12/2012, tổng số lỗ lũy kế của Coca-Cola Việt Nam lên đến 3.768 tỉ đồng, vượt quá số vốn đầu tư ban đầu 2.950 tỉ đồng. Như vậy, về mặt kỹ thuật thì lẽ ra Coca-Cola Việt Nam đã phải phá sản. Tuy nhiên, thay vì đóng cửa hay thu hẹp quy mô hoạt động, năm 2014 Coca-Cola tiếp tục đầu tư thêm 210 triệu USD để mở rộng kinh doanh ở Việt Nam.
Điều này đặt ra cho các cơ quan thuế Việt Nam về nghi án chuyển giá của công ty này. Tuy nhiên, về mặt bằng chứng để chứng minh Coca-Cola Việt Nam chuyển giá là rất yếu. Sau nhiều nỗ lực đấu tranh của phía Việt Nam, đến năm 2013 Coca-Cola Việt Nam đã bắt đầu báo lãi và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho Chính phủ Việt Nam.
Ngoài tình huống điển hình trên đây, còn rất nhiều tình huống chuyển giá khác đã được cơ quan thuế Việt Nam thanh tra và làm rõ được hành vi chuyển giá. Tuy nhiên cũng có rất nhiều trường hợp chưa phát hiện, hoặc hiện đã có nghi vấn nhưng việc thanh tra và kết luận vẫn còn rất nhiều khó khăn và thách thức.
Giải pháp cho vấn nạn chuyển giá
Như đã phân tích, chuyển giá là một vấn đề vô cùng phức tạp mà không phải ai cũng có thể hiểu được nó. Các hình thức chuyển giá được thực hiện hết sức đa dạng và tinh vi khiến cho các cơ quan thuế phải rất mất nhiều thời gian và nguồn lực để có thể thu thập thông tin, đọc tài liệu, nghiên cứu và phát hiện ra được.
Thứ nhất, không thu hút FDI bằng mọi giá
Cho đến nay Việt Nam đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài, cả những nhà đầu tư nhỏ lẻ lẫn các tập đoàn quốc tế lớn. Khi nguồn lực ngày càng khan hiếm hơn (ví dụ như đất đai, tài nguyên, môi trường, lao động…) đòi hỏi Việt Nam cần phải có sự chọn lọc hơn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài thay cho chiến lược thu hút đầu tư đại trà của những thập niên trước. Đã đến lúc Việt Nam cần phải khẳng định lại vị thế của mình, không chấp nhận thu hút FDI bằng mọi giá.
Thứ hai, không cấp ưu đãi thuế đại trà
Hầu hết các chính sách thuế của Việt Nam đưa ra quá nhiều ưu đãi thuế dành cho nhà đầu tư nhưng thiếu các ràng buộc hay tiêu chí phù hợp để được nhận các ưu đãi đó.
Mặc dù, các ưu đãi thuế có thể được áp dụng nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư hiệu quả và có đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và cải thiện thu nhập của người dân nhưng về mặt dài hạn, tất cả mọi doanh nghiệp đều phải nộp thuế.
Thứ ba, hoàn thiện khung pháp lý về chuyển giá
Việt Nam cần sớm ban hành Luật Chống chuyển giá nhằm thiết lập cơ sở pháp lý đủ mạnh và hiệu lực nhằm hỗ trợ cho công tác đấu tranh chống chuyển giá của cơ quan thuế Việt Nam, đồng thời tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất, rõ ràng và minh bạch để các doanh nghiệp có cơ sở tuân thủ. Các khuôn khổ pháp lý chống chuyển giá ở Việt Nam cần được xây dựng và hoàn thiện dựa trên các quy tắc, thông lệ và thực tiễn của thế giới gắn với bối cảnh Việt Nam, hạn chế các khác biệt hóa trong các quy định vì điều này có thể gây khó khăn cho vấn đề hợp tác quốc tế về chống chuyển giá.
Thứ tư, hoàn thiện chuẩn mực kế toán Việt Nam
Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) được xây dựng và hoàn thiện dựa trên và hướng đến các chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS) và hệ thống báo cáo tài chính quốc tế (IFRS).
Do ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ở Việt Nam, trong đó có rất nhiều công ty đa quốc gia và công ty xuyên quốc gia nên việc hòa hợp các chuẩn mực kế toán trong nước với quốc tế là một yêu cầu quan trọng phù hợp với xu thế hội nhập đang hết sức sâu rộng hiện nay ở Việt Nam.
Thứ năm, khuyến khích minh bạch, trách nhiệm công vụ và chế tài hữu hiệu
Minh bạch trong công tác quản lý thuế nói chung, đặc biệt là công tác thu thuế sẽ giúp giảm được các hành vi gian lận thuế do sự thông đồng thuế gây ra.
Các nhân viên quản lý thuế có một quyền năng nhất định đối với người nộp thuế và do vậy dễ bị lạm dụng để trục lợi cá nhân. Ở Việt Nam không thiếu các trường hợp đã được phát hiện và xử lý như việc nhân viên thuế thông đồng với doanh nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp giảm bớt một phần nghĩa vụ thuế và bỏ túi phần còn lại. Chế tài đối với các hành vi vi phạm pháp luật thuế cũng cần được tăng cường. Chế tài phải đủ mức răn đe và trừng phạt thích đáng đối với các hành vi vi phạm, đồng thời có ý nghĩa ngăn ngừa các hành vi dự kiến vi phạm.
Thứ sáu, sử dụng quy tắc bến cảng an toàn (safe harbours)
Tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia áp dụng quy tắc “bến cảng an toàn”, Việt Nam cũng có thể xây dựng một số tiêu chí để khuyến khích các hành vi tuân thủ thuế tốt của doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp đáp ứng một số tiêu chí hay điều kiện có thể được lựa chọn một phương pháp nộp thuế nhất định đơn giản như kê khai một mức lợi nhuận nằm trong một khoảng cho phép, hoặc một tỷ lệ lợi nhuận trên vốn hay doanh thu. Điều này vừa giúp giảm chi phí tuân thủ thuế của doanh nghiệp vừa giảm chi phí quản lý thuế của cơ quan thuế.
Thứ 7, mở rộng và khuyến khích áp dụng APA
Mặc dù bản thân nguyên tắc APA vẫn có nhiều hạn chế nhất định nhưng đây vẫn là một trong số ít những phương thức được áp dụng phổ biến ở rất nhiều nước nhằm hạn chế hành vi chuyển giá của các doanh nghiệp FDI.
Để mở rộng và khuyến khích áp dụng APA, từ phía các cơ quan thuế cần nỗ lực khắc phục các hạn chế từ phía nội tại của mình. Đối với các doanh nghiệp FDI cần có chính sách khuyến khích tham gia APA bằng các lợi ích cụ thể, giảm chi phí tuân thủ.
Thứ 8, tổ chức tốt hệ thống cơ sở dữ liệu
Cơ quan thuế cần tăng cường đầu tư mạnh cho việc nâng cấp và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về người nộp thuế nói chung, các dữ liệu phục vụ cho công tác điều tra chống chuyển giá nói riêng.
Ngoài ra, cần chủ động hợp tác với các công ty chuyên cung cấp cơ sở dữ liệu lớn trên thế giới như Dun & Bradstreet; các công ty xếp hạng tín nhiệm như S&P, Moody’s, Fitch; các công ty kiểm toán lớn của thế giới như Deloitte, PwC, EY, KPMG, Arthur Andersen, v.v…
Thứ 9, thiết lập các bộ phận chuyên trách về chống chuyển giá ở các địa phương/vùng
Ngoài bốn bộ phận chuyên trách chống chuyển giá đã được thiết lập ở bốn cục thuế thuộc bốn địa phương (Hà Nội, TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương), Bộ Tài chính cũng cần cân nhắc thành lập thêm các bộ phận chuyên trách tương tự như vậy ở các địa phương khác cũng có số lượng và quy mô doanh nghiệp FDI lớn và phức tạp như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Long An… tùy theo nhu cầu và thách thức thực tế của từng địa phương.
Điều cũng không kém phần quan trọng là các bộ phận này ở các địa phương khác nhau có thể cùng phối hợp, hợp tác trong một số hoạt động đấu tranh chống chuyển giá, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau.
Thứ 10, nâng cao năng lực cho cán bộ thuế
Cần có chiến lược nâng cao năng lực cho cán bộ thuế nói chung, cả cán bộ thuế chuyên trách chống chuyển giá lẫn không chuyên trách.
Ngoài năng lực chuyên môn về chuyển giá, các cán bộ thuế cũng cần được trang bị các kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, đàm phán, thương lượng, kỹ năng giải quyết vấn đề, giải quyết tranh chấp; cập nhật, bồi dưỡng các kiến thức về kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành, trình độ ngoại ngữ…
Thứ 11, hợp tác chống chuyển giá
Chính phủ, Bộ Tài chính cũng như cơ quan thuế Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác với Chính phủ, Bộ Tài chính và cơ quan thuế các nước trong công tác chống chuyển giá trên nguyên tắc bảo vệ lợi ích quốc gia và hài hòa lợi ích của các bên có quyền và lợi ích liên quan. Ngoài việc hợp tác với cơ quan thuế các nước theo các hiệp định hợp tác chống chuyển giá chính thức, cơ quan thuế Việt Nam cũng cần chủ động hợp tác với các chuyên gia thuế quốc tế có kinh nghiệm và uy tín trong một số tình huống phức tạp; đặc biệt, có thể hợp tác với các công ty kiểm toán lớn như KPMP, EY, PwC, Deloitte… nhằm nhận được sự hỗ trợ về mặt chuyên môn, nhân lực, kỹ thuật, thông tin… từ các đối tác có kinh nghiệm này.
Thứ 12, dành nguồn lực cho chống chuyển giá
Chống chuyển giá làm tiêu tốn nguồn lực đáng kể cho các cơ quan thuế, do vậy cần phải có nguồn lực bổ sung để tài trợ cho công tác này. Để khuyến khích hiệu quả, Chính phủ nên cân nhắc trích một phần nguồn truy thu thuế được phát hiện từ chính các hành vi chuyển giá để bổ sung nguồn kinh phí cho công tác chống chuyển giá. Nguồn tiền này dùng để mua cơ sở dữ liệu, trả phí thuê tư vấn, chuyên gia thuế, chuyên gia luật và bổ sung thu nhập cho đội ngũ chuyên trách.