Doanh nghiệp giấy kiến nghị về quy định siết nhập phế liệu
Nhiều doanh nghiệp trong ngành sản xuất giấy Việt Nam đang gặp phải khó khăn do ảnh hưởng từ việc siết nhập khẩu phế liệu thời gian qua.
Trong số các ngành công nghiệp sản xuất, ngành giấy là một trong những ngành quan trọng gắn liền với sự phát triển của nền kinh tế và xã hội, với vốn đầu tư cao, công nghệ tiên tiến và quy mô sản xuất lớn. Hiện tại, với những cơ hội đầy hứa hẹn từ nhu cầu thị trường khổng lồ và xu hướng chuyển đổi từ nhựa sang giấy, ngành công nghiệp giấy ở Việt Nam cần một chính sách ưu đãi để nuôi dưỡng và phát triển một cách toàn diện.
Toàn cảnh Hội thảo “Giải pháp chính sách phát triển bền vững ngành giấy tại Việt Nam”
Tại Hội thảo “Giải pháp chính sách phát triển bền vững ngành giấy tại Việt Nam” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) tổ chức mới đây đã ghi nhận hàng loạt ý kiến của doanh nghiệp trong ngành giấy về những khó khăn của doanh nghiệp từ quy định này.
Doanh nghiệp kêu khó
Ông Nguyễn Văn Hiển - Tổng Giám đốc Công ty Giấy Việt Trì cho biết, Công ty Giấy Việt Trì đã hết hạn giấy phép nhập khẩu từ giữa tháng 7, và tính đến thời điểm hiện tại là 3 tháng rồi vẫn chưa được cấp giấy phép nhập khẩu nguyên liệu phục vụ cho việc sản xuất và vận hành, mang lại nhiều bức xúc cho doanh nghiệp.
Trên thế giới, giấy tái chế là nguồn nguyên liệu vô cùng quan trọng trong việc sản xuất giấy, bao bì. Nhưng phải nói rõ ràng rằng, “có thể hơi kĩ thuật, nhưng giấy không thể tái chế được mãi. Tái chế đến vòng thứ 5 thì nó mềm như cái quần lụa của chị em rồi. Không thể làm bao bì được. Vì thế, luôn phải có một lượng nhập, các doanh nghiệp phải lựa chọn nhập từ đâu (Châu Âu, Châu Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, v.v) dựa trên đặc thù kinh doanh của mình”.
Cũng theo ông Hiển, ngành giấy cần có tiếng nói hơn, không thể để cứ nói đến môi trường, cứ nói đến giấy là nói đến ô nhiễm, mà bỏ qua mọi đóng góp của ngành đối với sự phát triển của nhà nước và xã hội.
Cùng quan điểm này, ông Patrick Chung - Tổng Giám Đốc của Công ty TNHH Giấy Lee & Man (FDI) cho rằng, “ngành giấy, và tất cả các sản phẩm của ngành giấy, không phải là điều gây nên ô nhiễm môi trường. Trong số hơn 300 doanh nghiệp thuộc ngành giấy tại Việt Nam, bao gồm cả các doanh nghiệp trong nước cũng như FDI, chắc chắn rằng không có một ai có chủ đích muốn làm ô nhiễm môi trường”, ông Chung khẳng định. Ông Chung nhấn mạnh: Nên tách bạch rõ ràng đâu mới là nguyên nhân chính yếu gây nên những vấn đề về ô nhiễm môi trường có liên quan đến ngành giấy để đưa ra biện pháp xử lý thoả đáng.
Các doanh nghiệp trong ngành đang gặp phải rất nhiều tổn thất khi không được phép nhập khẩu nguyên liệu sản xuất. Vừa không nhập khẩu được giấy, vừa phải chịu những khoản phí phạt rất lớn do các nguyên liệu thô bị tắc nghẽn trên cảng biển, dẫn tới việc không thể duy trì đầu ra ổn định, từ đó mang lại hậu quả từ nhân công mất việc, tới doanh nghiệp mất thị phần.
Trong chia sẻ của mình, ông Patrick Chung cũng bày tỏ hy vọng sẽ có nhiều hơn nữa những hoạt động hội thảo như thế này để các doanh nghiệp, đặc biệt là các nhóm doanh nghiệp FDI trong ngành giấy tại Việt Nam có thể tiếp tục được lắng nghe bởi các cơ quan quản lý nhà nước.
Giải pháp nào?
Theo ông Phan Trí Dũng - Nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, thủ tục là vấn đề nan giải và muôn thuở cho các cơ quan quản lý nhà nước, tuy nhiên, nếu không có thủ tục thì việc nhập khẩu sẽ không được kiểm soát và dẫn đến nhập rác. Vì vậy, ông nhận định cải cách thủ tục phải đi vào thực tế, giảm gánh nặng ùn tắc tại cửa khẩu, chị phí lưu kho lưu bãi, cũng như nhiều hệ lụy của tình trạng này.
Ông đề xuất cải tiến thủ tục để kiểm soát được “đích đến của nguyên liệu”. Cụ thể, nếu những nhà nhập khẩu thực sự nhập để sản xuất thì những tiêu chuẩn để nhập chắc chắn phải theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất. “Các nhà máy khi nhập giấy loại để sản xuất phải coi là nguyên liệu; và khi đó thì phải đáp ứng được yêu cầu quy định rõ ràng; không thể nhập linh tinh vì nguyên liệu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và nó gây ảnh hưởng đến giá thành và uy tín; rồi người ta phải mất công đi xử lý phần sản phẩm không đạt chất lượng đó thì rất tốn phí.”
Vì thế, theo ông, “Nếu chúng ta cứ yêu cầu nhà sản xuất thực sự nhập thì thủ tục cũng đơn giản hơn. Bên cạnh đó, như bên trên có nói là Mỹ có tiêu chuẩn, Nhật có tiêu chuẩn, châu Âu có tiêu chuẩn về giấy loại, thì nếu được chúng ta nên yêu cầu bộ tiêu chuẩn ấy trước khi nhập giấy loại; và chúng ta cũng kiểm soát đích đến của cái sản phẩm ấy, hay hơn kiểm soát toàn bộ ở cửa khẩu.” Từ đó, tránh gây ách tắc tại cửa khẩu do thiếu hụt nhân lực và phương tiện, trong khi khối lượng nhập đang tăng nhanh chóng, “bây giờ là 2 triệu tấn vài năm nữa nó lên 10 triệu tấn”.
Ý kiến thứ hai ông đưa ra là kiểm soát “đối tượng nhập khẩu”. Nếu đối tượng nhập khẩu là nhà sản xuất hay nhà thương mại thì đều yêu cầu đích đến, mục tiêu phải rõ ràng.
Ở góc độ khác, ông Phạm Đình Thưởng – Chuyên gia phân tích chính sách cho rằng, nếu bỏ giấy hỗn hợp (mixed paper) khỏi danh mục thì thiệt hại cho doanh nghiệp ước tính khoảng 37 triệu Đô la Mỹ/năm; thực ra quy định tỉ lệ tạp chất của mình đã là quá chặt (0% và 2%) trong khi Mỹ là 2 và 3%, thay đổi chính sách phải có đánh giá tác động và có lộ trình.
“Không riêng gì Việt Nam mà trên thế giới, giấy hỗn hợp đang là đầu vào chủ yếu của các doanh nghiệp sản xuất giấy được nhập từ các nước Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và New Zealand để sản xuất bao bì, tôn sóng và các loại bìa gấp. Trong khi đó, nguồn cung ứng trong nước không đủ buộc các doanh nghiệp phải nhập khẩu là tất yếu. Vậy thì nếu loại bỏ nguồn nguyên liệu quan trọng này chắc chắn sẽ khiến các doanh nghiệp giấy lao đao, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của toàn ngành giấy. Mặt khác, việc Chính phủ siết chặt quản lý đột ngột khiến doanh nghiệp lâm vào thế bị động. Nhà máy cần vận hành hằng ngày nhưng nguyên liệu cần lại không thể đến khiến hoạt động sản xuất đình trệ.” - ông Thưởng nói.
Bàn về giải pháp, ông Thưởng chia sẻ cụ thể hai hướng. Thứ nhất, thay vì cấm triệt để, cần phải có quy định chặt chẽ hơn đối với các đơn vị nhập khẩu giấy – “chỉ đơn vị sản xuất mới được nhập, nếu không thì đơn vị thương mại nhập phải dưới hình thức ủy thác cho đơn vị sản xuất”, ông Thưởng nhấn mạnh.
Thứ hai là về việc ký quỹ, ông Thưởng nói thêm, “Quy định của pháp luật là khối lượng nhập khẩu mà nếu dưới 100 tấn phải kia quỹ 15%, khối lượng từ 100 đến 500 thì phải kí quỹ 18% và trên 500 thì kí quỹ là 20%. Và tiền kí quỹ này sẽ nộp vào quỹ bảo vệ môi trường, tạo một khoản tiền đảm bảo trách nhiệm xử lý môi trường. Nếu như nhập về mà không đảm bảo môi trường thì tiền xử lý phế liệu đó doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm. Luật cũng quy định nếu chi phí xử lí phế liệu đó, rủi ro gây ô nhiễm môi trường vượt quá kí quỹ thì doanh nghiệp vẫn phải chịu”.