Doanh nghiệp “nóng ruột” chờ cải cách

Huyền Trang 20/10/2018 11:48

Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia vừa đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Đây được xem là 1 hướng cơ cấu lại nguồn thu ngân sách bền vững hơn.

Đây được nhận xét là một động thái tích cực nhưng doanh nghiệp sẽ không chỉ cần giảm thuế?

Có thể bạn quan tâm

  • Bộ Công Thương đề xuất cắt giảm tiếp 202 điều kiện kinh doanh

    11:50, 19/10/2018

  • Vẫn khó cắt giảm điều kiện kinh doanh

    11:15, 17/10/2018

  • Điều kiện kinh doanh như…“thả gà ra đuổi”

    05:35, 17/10/2018

Doanh nghiệp “liên tục” kêu khó

Theo Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, cần đẩy mạnh biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thông qua nghiên cứu cắt giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Còn nhớ, cách đây không lâu, tại tọa đàm lấy ý kiến doanh nghiệp về điều kiện kinh doanh do Bộ NN&PTNT phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 18/4, ông Nguyễn Khánh Trình, hiện đang là CEO của một chuỗi thực phẩm sạch cho biết: “Trong 20 ngày vừa qua, tôi đã tiếp khoảng 7 đoàn thanh, kiểm tra. Chúng tôi phải lập một bộ phận tiếp đón riêng gồm ba người”.

Nhiều hơn việc cắt giảm thuế phí, thứ mà doanh nghiệp cần là một môi trường bình đẳng, một môi trường lành mạnh để doanh nghiệp yên tâm làm ăn.

Nhiều hơn việc cắt giảm thuế phí, thứ mà doanh nghiệp cần là một môi trường bình đẳng, một môi trường lành mạnh để doanh nghiệp yên tâm làm ăn.

Theo ông Trình, quỹ tiền lương cho 3 người này khoảng 30 triệu đồng/tháng, công việc chủ yếu chỉ là in giấy tờ, gọi điện trước để chuẩn bị tiếp đón đoàn thanh tra cho chu đáo.

Cũng nói nên khó khăn của mình, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Cty CP Tasco kể: Theo quy định pháp luật hiện hành, sau mỗi dự án PPP đều có khâu quyết toán. Tuy nhiên, vấn đề là có quá nhiều cơ quan kiểm tra, quyết toán các dự án PPP như kiểm toán nhà nước, kiểm toán độc lập, các đoàn thanh tra, kiếm tra... Nhiều khi cùng một dự án những mỗi đơn vị quyết toán lại đưa ra một kết quả khác nhau.

“Nhà nước nên chọn một cơ quan quyết toán, kiểm toán thôi và có thời điểm kết thúc chứ không thể để tình trạng như bây giờ, cứ để tình trạng quyết toán kiểm toán vô thời hạn, thích “lôi” ra lúc nào thì “lôi”, doanh nghiệp vô cùng mệt mỏi”, ông Dũng kể.

Câu chuyện của ông Trình, ông Dũng trên thực tế, chỉ là một vài trong hàng trăm nỗi khổ mà doanh nghiệp phải chịu. Tại rất nhiều hội thảo, hội nghị, các diễn đàn, nhiều doanh nghiệp đề khẳng định họ đang gặp khó, nào là khó khăn trong tiếp cận vốn, khó khăn trong thực thi chính sách, khó khăn trong thực hiện cơ chế một cửa nhưng “nhiều chìa”…

 “Mòn mỏi” chờ cải cách

Trở lại với đề xuất của Ủy ban Giám sát tài chính đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, vẫn biết rằng, mục tiêu của đề xuất phát từ việc tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp nhưng thứ mà doanh nghiệp cần, nhiều hơn là chỉ là giảm thuế phí, thứ họ cần là môi trường kinh doanh minh bạch, một sân chơi bình đẳng để doanh nghiệp có thể yên tâm kinh doanh.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã rất kiên quyết liệt trong việc thực hiện mục tiêu cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo lập một môi trường cạnh tranh minh bạch, bình đẳng nhưng đến nay, việc thực hiện mục tiêu này, kể cả là về số lượng vẫn rất khó khăn.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô đã mở rộng thêm các điều kiện kinh doanh chứ không chỉ cắt bỏ. Dự thảo này cắt bỏ 12 điều kiện nhưng bổ sung 85 điều kiện, trong đó 64 điều kiện bổ sung mới, 21 điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GTVT.

Đáng nói hơn cả, không chỉ với Nghị định 86, nhiều dự thảo nghị định mới của các bộ, các ngành tiềm ẩn nguy cơ đưa các giấy phép con, rào cản trở lại bằng nhiều cách khác nhau. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại kể cả việc cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh trên văn bản hành chính thì cũng đầy thách thức.

Cắt giảm đã khó, thực thi hiệu quả còn khó hơn, nghiên cứu của CIEM chỉ ra rằng, khâu tổ chức thực hiện chiếm tới 95% thành công của chương trình cải cách. Giải pháp trên giấy cùng các cam kết chỉ đóng góp 5%, dù cho điều đó mạnh mẽ đến đâu. Bởi vậy để thực thi hiệu quả và tránh “mọc” lại các điều kiện đầu tư, kinh doanh đã cắt giảm, điều quan trọng nhất vẫn là cần thay đổi tư duy và phương thức quản lý, cơ quan quản lý nên chú trọng hậu kiểm thay vì tiền kiểm.

Bởi cách đây ít ngày, vào ngày 16/10, Tổ công tác của Thủ tướng đã kiểm tra 4 Bộ về việc cắt giảm các thủ tục, điều kiện kinh doanh và công bố công khai các bộ còn chưa đạt chỉ tiêu. Theo đó, kết quả kiểm tra cho thấy, trong tổng số 6.191 điều kiện kinh doanh, các bộ, ngành đã xây dựng phương án để đơn giản, cắt giảm 3.807 điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, đến nay mới cắt được 1.517 điều kiện. Còn trong số 9.926 dòng hàng, các bộ mới cắt giảm được 1.700 dòng hàng.

Như thế có thể thấy rằng: xét về mặt thời gian chắc chắn khó có thể đảm bảo 31/10 Chính phủ có thể ban hành được tất cả các Nghị định về cắt giảm điều kiện kinh doanh như kế hoạch ban đầu.

Như đã nói, chỉ có cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo ra một môi trường kinh doanh thông thoáng mới có thể giúp doanh nghiệp yên tâm kinh doanh. Nhưng, liệu ở lần cắt giảm này có đạt được mục tiêu như kỳ vọng, những khó khăn, gian khổ của doanh nghiệp ngày hôm nay có được lắng nghe, ghi nhận?

Huyền Trang