“Bảng xếp hạng môi trường kinh doanh năm nay có nhiều thông tin đáng suy ngẫm”
Đó là nhận định của ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi nhận định về thứ hạng của Việt Nam trong Báo cáo Doing Business 2019.
Báo cáo Doing Business 2019 vừa công bố cho biết tổng điểm mà môi trường kinh doanh Việt Nam đạt được là 68,36 điểm, tăng nhẹ 1,59 điểm so với năm 2018. Tuy nhiên, về thứ hạng, vị trí của Việt Nam lại bị đánh tụt bậc. Cụ thể, Việt Nam xếp thứ 69/190 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Có thể bạn quan tâm
WB: Môi trường kinh doanh của Việt Nam lại tụt hạng
15:08, 01/11/2018
Doanh nghiệp Châu Âu lạc quan với môi trường kinh doanh của Việt Nam
15:16, 04/10/2018
Thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, cải thiện môi trường kinh doanh
20:47, 19/07/2018
Bà Rita Ramalho, Quản lý cao cấp nhóm Chỉ số toàn cầu của World Bank, nhóm biên soạn báo cáo Môi trường kinh doanh đánh giá: “Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp và doanh nghiệp tư nhân. Với đà cải cách tiếp tục được phát triển, các nền kinh tế còn tụt hậu trong khu vực sẽ có cơ hội học hỏi những thực tiễn tốt từ các quốc gia lân cận”.
Bình luận về thứ hạng của Việt Nam trong bảnh xếp hạng năm này, Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho rằng: “Bảng xếp hạng năm nay có nhiều thông tin đáng suy ngẫm”
Theo đó, ông Tuấn cho hay, Việt Nam so với chính mình đã có nhiều cải thiện, thể hiện ở việc điểm số của 7/10 chỉ tiêu có tăng như khởi sự doanh nghiệp, cấp phép xây dựng, tiếp cận điện năng, đăng ký tài sản…
“Việt Nam so với chính mình có cải thiện khi tăng về điểm số, nhưng các nước cũng đang tăng tốc nhanh về cải cách môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, thứ hạng của chúng ta tụt giảm trong khi đó bảng xếp hạng cũng có sự tăng hạng mạnh mẽ của nhiều nước, thậm chí ở cả khu vực châu Phi. Điều này có nghĩa là Việt Nam dù đi đúng hướng với những cải cách, thay đổi tích cực nhưng chưa bằng các nước”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Thực ra, báo cáo Doing Business 2019 ghi nhận Việt Nam có 3 cải cách, nghĩa là giảm 2 cái so với năm 2017. Trong khi đó, Trung Quốc ghi nhận 7 cải cách, là nền kinh tế có số cải cách cao thứ hai trong báo cáo.
Hay như Malaysia, một nước trong ASEAN, đứng thứ 15 trong bảng xếp hạng, đã thực hiện 6 cải cách, trong đó giúp thành lập doanh nghiệp nhanh hơn nhờ sử dụng hệ thống đăng ký thuế hàng hoá và dịch vụ trực tuyến. Nước này cũng giúp việc chuyển giao tài sản trở nên đơn giản hơn bằng cách thực hiện nền tảng một cửa trực tuyến để tìm kiếm tài sản.
“Những nước đứng đầu trong khu vực ASEAN cũng có sự thay đổi”, ông Tuấn nói và nhấn mạnh quan điểm “Việt Nam cần năng động hơn nữa trong quá trình cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh”.
Đáng nói, khi phân tích sâu hơn vào các chỉ tiêu, ông Tuấn cho biết một số lĩnh vực của Việt Nam đã được World Bank đánh giá cao. Trong đó phải kể đến chỉ số khởi sự doanh nghiệp và tiếp cận điện năng, lần lượt tăng hạng là 19 và 37 bậc.
“Đây là điểm sáng vì trong nhiều năm liền, khởi sự kinh doanh không được đánh giá cao hay có cải thiện đáng kể”, ông nhận xét. Dù vậy, thứ hạng này vẫn cần rất nhiều cải thiện.
Việt Nam hiện có số lượng doanh nghiệp bình quân đầu người thuộc dạng thấp so với thế giới. Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhưng các thông tin gần đây cho thấy mục tiêu này rất khó đạt được nếu không có nhiều quyết tâm, nỗ lực hơn nữa.
“Cái tốt của chỉ số khởi sự kinh doanh ở đây là thủ tục đăng ký kinh doanh. Nhưng để gia nhập thị trường, doanh nghiệp cần nhiều thứ hơn”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh và cho biết nhiều Bộ ngành vẫn còn tâm lý đối phó, chỉ đảm bảo chứ chưa thực sự nỗ lực cải cách như Chính phủ mong muốn.