Dỡ bỏ “giấy phép con” và quyền tự do kinh doanh
Ai cũng biết từ quản lý bằng “giấy phép” đến quản lý bằng việc xác định “điều kiện kinh doanh” và hậu kiểm đã là một bước tiến dài tới một không gian kinh tế tự do hơn.
Tuy nhiên, các “điều kiện kinh doanh” đang hiện hữu và được áp đặt lại dường như quá phức tạp và trở thành rào cản đối với những ai muốn khởi nghiệp và gia nhập thị trường.
Hơn nữa, một số điều kiện có thể là hợp lý vào lúc ban hành, nhưng khi áp dụng thì trở thành thách thức đối với người tuân thủ, một khi chúng được coi là cơ hội và phương tiện gây khó của người có quyền lực.
“Rào cản gia nhập thị trường”
Điều 33 Hiến pháp đã minh định rằng: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Khoản 1 Điều 7 Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng quy định một trong các quyền của doanh nghiệp là “tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm”.
Có thể bạn quan tâm
“Còn một số tồn tại trong cắt giảm điều kiện kinh doanh”
15:49, 03/11/2018
Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Cần tính cách mạng trong cải cách
11:02, 03/11/2018
Các bộ ngành đã cắt giảm được 3.004 điều kiện kinh doanh
02:17, 02/11/2018
Điều kiện kinh doanh - cuộc chiến còn tiếp diễn
11:30, 26/10/2018
Bộ Công Thương sẽ cắt giảm thêm 202 điều kiện kinh doanh
06:30, 22/10/2018
Vẫn khó cắt giảm điều kiện kinh doanh
11:01, 21/10/2018
Bộ Công Thương đề xuất cắt giảm tiếp 202 điều kiện kinh doanh
11:50, 19/10/2018
Nhưng, vấn đề là luật không cấm, nhưng luật lại áp đặt điều kiện. Cho dù, nhiều điều kiện được đưa ra là vì lợi ích chung của xã hội, thì với một kiểu thực thi pháp luật nào đó chúng nhanh chóng trở thành những rào cản đầy gian nguy cho các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hiện tại, sự tồn tại của giấy phép và giấy phép con vẫn là một thực tế khách quan. Số lượng giấy phép bị bãi bỏ dễ được kiểm đến, nhưng những giấy phép mới được sinh ra nhiều khi lại lặng lẽ và khó nhận biết ngay từ đầu. Chính vì vậy, cố gắng sàng lọc các điều kiện kinh doanh và loại bỏ các giấy phép phải là một cố gắng liên tục. Sự nhất quán và kiên trì là không thể thiếu ở đây.
Một sự thật hiển nhiên là các điều kiện kinh doanh làm phát sinh chi phí. Trong lúc, Chính phủ đang thúc đẩy nhiều cải cách để cắt giảm các chi phí cho doanh nghiệp và cho xã hội, thì chi phí tuân thủ pháp luật lại có vẻ chưa được tính đến hoặc chí ít chưa được quan tâm đầy đủ. Đây có vẻ đang là một gánh nặng chưa bao giờ suy giảm cho các doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Hiến pháp và pháp luật rất mênh mông, nếu không rõ quy định thuộc trách nhiệm của ai thì sẽ rất khó khăn. Khó khăn trong việc xác định thẩm quyền, trong việc xác định trách nhiệm.
Cơ chế và năng lực giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng, hiệu quả cũng là một phần rất quan trọng của môi trường kinh doanh. Thời gian qua, chúng ta đã có nhiều cố gắng để các tranh chấp thương mại, kinh tế được giải quyết nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, công bằng mà nói, đây vẫn còn là lĩnh vực mà các chuyển biến diễn ra khá chậm. Rủi ro “tiền mất, tật mang” khi “đáo tụng đình” vẫn là một thực tế khách quan. Thời gian giải quyết tranh chấp kéo dài, thủ tục giải quyết tranh chấp phức tạp và không có điểm dừng có thể làm nản lòng bất cứ doanh nghiệp nào.
Sự hiệu năng của các cơ quan hành chính, công vụ có lẽ cũng là một phần của môi trường kinh doanh. Lý do là vì pháp luật được thực thi bởi các cơ quan này. Do ở ta, các cơ quan hành chính, công vụ chưa được coi là các cơ quan quyền lực công có quyền lực động lập trong việc áp đặt sự tuân thủ pháp luật, nên mọi chuyện đều phải trình bẩm lên rất nhiều cấp, nhiều lãnh đạo. Hậu quả là các quyết định áp đặt việc tuân thủ pháp luật thường chậm trễ và thậm chí nhiều khi méo mó.
Ảnh hưởng lớn nhất đến môi trường kinh doanh tại Việt Nam có lẽ là chủ nghĩa tư bản thân hữu. Đây có lẽ là một trong những vấn đề lớn nhất mà chúng ta đang phải đối mặt. Việc muốn kinh doanh thành công phải có quan hệ với chính quyền không chỉ làm tổn hại đến môi trường kinh doanh, mà còn làm cho tham nhũng bùng phát. Vậy nên, chống chủ nghĩa tư bản thân hữu phải là một nội dung quan trọng trong cố gắng của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh.
Gỡ bỏ điều kiện kinh doanh như thế nào?
Thực ra, công bằng mà nói môi trường kinh doanh Việt Nam dù đã có rất nhiều cải cách, nhưng khái quát lại thì chi phí vẫn cao và rào cản kinh doanh vẫn… lắm. Trên thực tế, chi phí tuân thủ pháp luật và các điều kiện kinh doanh đều do hoạt động lập pháp, lập quy đẻ ra. Vì vậy, cải tiến quy trình lập pháp, xác lập kỷ luật cho việc đề ra các quy phạm, các điều kiện kinh doanh là rất cần thiết.
Đồng thời, phải tiếp tục tháo dỡ các rào cản từ các quy phạm pháp lý hiện hành. Chính phủ, các Bộ, ban ngành cần quyết liệt hơn cho “khai tử” hệ thống giấy phép con, giảm mệnh lệnh hành chính ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Những thủ tục xác nhận ngành nghề kinh doanh, buộc doanh nghiệp phải thông báo thay đổi ngành nghề kinh doanh, hay buộc doanh nghiệp ghi ngành nghề kinh doanh trong điều lệ doanh nghiệp nên xem xét bỏ để đảm bảo quyền tự do kinh doanh đúng tinh thần của Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Cùng với đó, tăng cường hoạt động tuyên truyền pháp luật cho các chủ thể kinh doanh về quyền tự do kinh doanh để họ có thể nắm bắt đầy đủ các quyền năng của mình. Sự hiểu biết của các chủ thể kinh doanh sẽ giúp họ chủ động tuân thủ pháp luật khi kinh doanh và phòng tránh các rủi ro pháp lý. Điều đó sẽ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển góp phần vào xây dựng kinh tế đất nước.