Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Lấn cấn tận phút cuối

Huyền Trang 15/11/2018 16:15

Dù Chính phủ kiên quyết yêu cầu cắt giảm điều kiện kinh doanh nhưng bộ, ngành vẫn “đẻ” ra điều kiện mới, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Thậm chí, có những loại điều kiện kinh doanh khiến chuyên gia kinh tế phải thốt lên rằng: Không tưởng tượng được thi hành thế nào...

Có thể bạn quan tâm

  • Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Cần tính cách mạng trong cải cách

    11:02, 03/11/2018

  • “Còn một số tồn tại trong cắt giảm điều kiện kinh doanh”

    15:49, 03/11/2018

  • Các bộ ngành đã cắt giảm được 3.004 điều kiện kinh doanh

    02:17, 02/11/2018

Có thể nói chưa bao giờ “cuộc chiến” với cắt giảm điều kiện kinh doanh lại nhận được sự quan tâm nhiều như vậy. Đó không đơn thuần chỉ là sự quan tâm đến từ doanh nghiệp, đối tượng chịu tác động trực tiếp từ các điều kiện kinh doanh mà đó còn là sự quan tâm đến từ các bộ ngành, các chuyên gia, các cơ quan phản biện độc lập…

Thực ra, cũng là điều hết sức bình thường bởi suy cho cùng, “cuộc chiến” này sẽ không chỉ tác động tới riêng tới doanh nghiệp mà tác động tới toàn thể xã hội, tới khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trên thị trường quốc tế.

Dù Chính phủ kiên quyết yêu cầu cắt giảm điều kiện kinh doanh nhưng bộ, ngành vẫn “đẻ” ra điều kiện mới, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Dù Chính phủ kiên quyết yêu cầu cắt giảm điều kiện kinh doanh nhưng bộ, ngành vẫn “đẻ” ra điều kiện mới, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Nhận thức rõ điều này nên Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành rà soát và đề xuất cắt giảm 50% số điều kiện kinh doanh; hoàn thành và trình Chính phủ ký ban hành trước ngày 31/10/2018. Nhưng tiếc thay, đến này, kết quả cắt giảm điều kiện kinh doanh của các bộ ngành ở thời điểm hiện tại vẫn khiến giới chuyên gia, người làm chính sách, và cộng đồng doanh nghiệp… băn khoăn. Bởi theo thông tin ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cung cấp, đến nay có 542 điều kiện kinh doanh được sửa đổi, bãi bỏ 771, thay thế 111. Tuy nhiên, có 29 điều kiện kinh doanh phát sinh mới. Tính tổng số các điều kiện kinh doanh hiện hành, mục tiêu cắt bỏ, đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh như yêu cầu của Chính phủ là không đạt.

Nói như ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Viêt Nam chương trình cắt giảm và đơn giản hoá đạt mục tiêu 50%, nhưng nặng về đơn giản hoá hơn là bãi bỏ. Việc thay đổi phương thức quản lý còn ít, còn e dè, lừng chừng.

Nói thêm về vấn đề này, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh – CIEM đưa ra một số đánh giá về việc cắt giảm điều kiện của 4 bộ: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch. Trong các Bộ này chỉ có khoảng... 30% số quy định kinh doanh đã được cắt bỏ, sửa đổi thực chất, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Thực ra, công bằng mà nói môi trường kinh doanh Việt Nam dù đã có rất nhiều cải cách, nhưng khái quát lại thì chi phí vẫn cao và rào cản kinh doanh vẫn… lắm. Trên thực tế, chi phí tuân thủ pháp luật và các điều kiện kinh doanh đều do hoạt động lập pháp, lập quy đẻ ra.

“Tư duy nhà nước can thiệp vẫn phổ biến, theo kiểu nhà nước khôn hơn thị trường cho thấy sự rụt rè, chưa mạnh dạn thay đổi cách thức quản lý. Trong khi đó, vai trò của các hiệp hội, tổ chức khác bên ngoài còn yếu”, ông Tuấn nói.

Điều 33 Hiến pháp đã minh định rằng: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Khoản 1 Điều 7 Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng quy định một trong các quyền của doanh nghiệp là “tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm”.

Nhưng, vấn đề là luật không cấm, nhưng luật lại áp đặt điều kiện. Cho dù, nhiều điều kiện được đưa ra là vì lợi ích chung của xã hội, thì với một kiểu thực thi pháp luật nào đó chúng nhanh chóng trở thành những rào cản đầy gian nguy cho các doanh nghiệp.

Bởi nói như chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, "cuộc chiến" với điều kiện kinh doanh là cuộc chiến đấu rất cần thiết, khẩn cấp. Nếu không cải thiện, khi các hiệp định thương mại được ký kết, sản phẩm, dịch vụ của nước ngoài tràn vào, doanh nghiệp Việt vừa khởi nghiệp, gặp những khó khăn liên quan đến điều kiện kinh doanh sẽ nhanh chóng phải rời bỏ thị trường, hậu quả sẽ rất rõ ràng. Việc quản lý bằng doanh kiện kinh doanh như hiện nay là rất lạc hậu, không phù hợp tinh thần cách mạng công nghiệp 4.0.

Đặc biệt, ông Doanh còn nêu ra một thực trạng mà có doanh nghiệp chia sẻ với ông rằng “Nếu phong bì nhẹ thì 3 tháng nữa thủ tục mới xong, nếu phong bì đủ nặng thì chiều đến lấy. Các doanh nghiệp nói chi phí tăng lên ít nhất 200%, thậm chí có khi tới 500%. Trước kia chúng em thuộc loại nhà nghèo, đưa 200.000 đến 500.000 sẽ được chấp thuận, nhưng giờ mức ấy không ăn thua”…

Vậy, làm thế nào để những câu chuyện trên không còn tiếp diễn, làm thế nào để quá trình dỡ bỏ giấy phép con trở là cải cách thật sự chứ không phải là cải thiện?

Trả lời câu hỏi này nhiều chuyên gia đề xuất cần có quy trình ban hành điều kiện kinh doanh, kiểm soát văn bản mới. Đồng thời, nâng cao vai trò của các hiệp hội, tổ chức khác bên ngoài.

Nói như Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn, bên cạnh đơn vị ban hành điều kiện kinh doanh, cần có đơn vị chủ trì việc rà soát  độc lập. Việc đặt ra điều kiện kinh doanh mới phải có thẩm định tác động về kinh tế. Ngoài ra, phải minh bạch khi áp dụng điều kiện kinh doanh và cần có bộ phận chuẩn hoá về điều kiện kinh doanh trong cơ quan Chính phủ.

Tương tự, Viện trưởng Viện CIEM nhấn mạnh: “Phải có cơ quan thuộc Chính phủ đóng vai trò độc lập, có tiếng nói quyết định ban hành hay không ban hành văn bản. Cơ quan này không thuộc quản lý Nhà nước, không có doanh nghiệp sau lưng, không thực hiện cấp phép gì cả mà chỉ rà soát, đánh giá chất lượng các văn bản và phải là những nhà chuyên môn thực sự độc lập. Ngoài tính độc lập phải có các nguồn lực bên ngoài là các công ty tư vấn, cộng đồng doanh nghiệp tham vấn thẩm định”.

Đây, có lẽ cũng chính là cách để quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh trở là cải cách chứ không cải thiện, để doanh nghiệp thật sự thụ hưởng kết quả mà quá trình cải cách này mang lại.

Huyền Trang