Không đồng đều về tiêu chí cắt giảm trong cùng một Nghị định

Huyền Trang 20/11/2018 11:35

Trưởng ban Pháp chế, VCCI khẳng định, mức độ thực chất của việc cắt giảm điều kiện kinh doanh không đồng đều giữa các bộ, thậm chí không đồng đều giữa các lĩnh vực khác nhau của cùng một bộ.

Sáng nay (20/11) Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo Báo cáo Thực hiện Nghị quyết 19 và 35 về cải cách môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp – Góc nhìn từ doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

  • Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: "Cắt giảm các điều kiện kinh doanh cần phải thực chất cho doanh nghiệp"

    18:12, 17/11/2018

  • Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Lấn cấn tận phút cuối

    16:15, 15/11/2018

  • “Rừng” điều kiện kinh doanh liên tục được phát quang

    05:21, 11/11/2018

Doanh nghiệp gặp khó vì "giấy phép con"

Ông Tuấn khẳng định: Nhìn chung, các doanh nghiệp qua khảo sát của VCCI đều nhận thấy môi trường đầu tư kinh doanh trong vài năm trở lại đây có sự cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, mức độ cải thiện là chưa đồng đều giữa các lĩnh vực, các địa phương.

Trên thực tế, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Chính phủ giao cho các Bộ trong Nghị quyết 19. Việc thực hiện nhiệm vụ này ở các Bộ có nhiều bước tiến đáng ghi nhận.

Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 15/8/2018, thời hạn mà Thủ tướng giao cho các Bộ, đã có 16 Bộ có báo cáo về việc rà soát điều kiện đầu tư kinh doanh. Ngoài 2 Bộ Công an và Quốc phòng không đề nghị cắt giảm, các Bộ khác đều đưa ra phương án cắt giảm theo hình thức một Nghị định sửa nhiều Nghị định. Tính cho đến hết tháng 10/2018, đã có 15 Nghị định về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh được ban hành thuộc các lĩnh vực Công Thương, Xây dựng, Lao động, Thương binh và Xã hội, Văn hoá Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục, Giao thông vận tải, Nông nghiệp...

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban pháp chế (thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI)

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban pháp chế (thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI)

Mặc dù, hầu hết các Bộ đều thực hiện nhiệm vụ này và đều có những con số về tỷ lệ cắt giảm, nhưng theo đánh giá của VCCI mức độ thực chất của việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh không đồng đều giữa các bộ, thậm chí không đồng đều giữa các lĩnh vực khác nhau của cùng một bộ.

Thông thường, lãnh đạo các Bộ sẽ giao cho Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các Cục, Vụ trong bộ để tiến hành rà soát, đề xuất phương án cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh. Như vậy, vai trò của Vụ Pháp chế ở các bộ là rất quan trọng. Đối với những Bộ mà Vụ Pháp chế có phương pháp làm việc khoa học, rốt ráo thì chất lượng các Nghị định được bảo đảm tốt hơn.

“Nếu Vụ Pháp chế không làm tốt việc này thì chất lượng văn bản phụ thuộc rất nhiều vào Cục, Vụ chuyên môn, dẫn đến việc cắt giảm hình thức, không thực chất, hoặc không đồng đều về tiêu chí cắt giảm trong cùng một Nghị định”, ông Tuấn nói.

Đáng nói, theo khảo sát của VCCI từ góc độ của các doanh nghiệp, việc phải xin các giấy phép con vẫn diễn ra phổ biến và gặp nhiều khó khăn. Theo kết quả điều tra PCI 2017, vẫn có đến 58% trên tổng số doanh nghiệp phản hồi phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện. Trong đó, có 42% doanh nghiệp cho biết có gặp khó khăn khi xin những giấy phép loại này.

Cần cơ quan độc lập đánh giá chất lượng quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh

Từ góc nhìn của mình, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khẳng định, kết quả thực chất của quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh… không đạt như mong đợi.

“Kinh nghiệm cho thấy quá trình cắt bỏ giấy phép mất rất nhiều thời gian, rất khó khăn và gian khổ nhưng quá trình phục hồi lại rất nhanh, và mức độ cài cắm sau mỗi lần phục hồi lại tinh vi hơn”, ông Cung nói.

Hội thảo Báo cáo Thực hiện Nghị quyết 19 và 35 về cải cách môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp – Góc nhìn từ doanh nghiệp được tổ chức sáng nay (20/11) tại Hà Nội.

Hội thảo Báo cáo Thực hiện Nghị quyết 19 và 35 về cải cách môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp – Góc nhìn từ doanh nghiệp được tổ chức sáng nay (20/11) tại Hà Nội.

Để quá trình cắt giảm điều kiênh kinh doanh đi vào thực chất, ông Tuấn khẳng định cần có một cơ quan độc lập đánh giá chất lượng của quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh.

"Bên cạnh đơn vị ban hành điều kiện kinh doanh, cần có đơn vị chủ trì việc rà soát  độc lập. Việc đặt ra điều kiện kinh doanh mới phải có thẩm định tác động về kinh tế. Ngoài ra, phải minh bạch khi áp dụng điều kiện kinh doanh và cần có bộ phận chuẩn hoá về điều kiện kinh doanh trong cơ quan Chính phủ", ông Tuấn nói.

Tương tự, Viện trưởng Viện CIEM nhấn mạnh: “Phải có cơ quan thuộc Chính phủ đóng vai trò độc lập, có tiếng nói quyết định ban hành hay không ban hành văn bản. Cơ quan này không thuộc quản lý Nhà nước, không có doanh nghiệp sau lưng, không thực hiện cấp phép gì cả mà chỉ rà soát, đánh giá chất lượng các văn bản và phải là những nhà chuyên môn thực sự độc lập. Ngoài tính độc lập phải có các nguồn lực bên ngoài là các công ty tư vấn, cộng đồng doanh nghiệp tham vấn thẩm định”. 

Huyền Trang