Xử lý tranh chấp bằng Trọng tài Thương mại: Không phải là áp dụng “công lý tư”
Đặc thù và ưu điểm của việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại và hòa giải viên là đảm bảo cơ chế riêng tư, thậm chí gần như bí mật và gần như chỉ có các bên liên quan.
Chính vì vậy, trong quá trình tiếp cận thông tin về xử lý tranh chấp bằng trọng tài thương mại và hòa giải viên, một doanh nghiệp đã đặt câu hỏi: Nếu là cơ chế thỏa thuận riêng của các bên liên quan không cần sự can thiệp của các cơ quan tố tụng, đó có gọi là áp dụng công lý tư không? Và nếu phát triển điều đó, có thể xem là sự mở rộng và phổ biến sâu của công lý tư – công lý không nằm trong khung quản lý với các khung khổ pháp luật của cơ quan Nhà nước?
Đảm bảo riêng tư không phải là công lý tư!
Trong một hội thảo, ông Nguyễn Đình Tiến, Phó Chánh tòa Tòa Kinh tế, Tòa án nhân dân TP Hà Nội, khẳng định, thực tế trọng tài thương mại và hòa giải thương mại tại Việt Nam đã xây dựng được hành lang pháp lý và đang được thực hiện khá đầy đủ. Cụ thể, Luật Trọng tài thương mại số 54/2010/QH12 đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2011; Nghị định 22/2017/NĐ-CP ngày 24-2-2017 của Chính phủ về hòa giải thương mại, Thông tư 02/2018/TT-BTP ngày 26-2-2018 của Bộ Tư pháp ban hành và hướng dẫn sử dụng một số biểu mẫu về tổ chức, hoạt động hòa giải thương mại, quy tắc thương mại của Trung tâm Trọng tài Quốc tế -VIAC (đối với hòa giải thương mại).
Có thể bạn quan tâm
“Địa phương hóa” Luật Trọng tài Thương mại và Hoà giải
11:37, 29/11/2018
Lợi thế của trọng tài và hòa giải thương mại
11:19, 28/08/2018
Xu hướng mới trong giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài
15:01, 03/10/2018
Trong đó, Luật Trọng tài thương mại 2010 có quy định vai trò hỗ trợ của tòa án đối với tố tụng trọng tài, chẳng hạn như chỉ định trọng tài viên vụ việc, xem xét và giải quyết khiếu nại quyết định của hội đồng trọng tài về thẩm quyền, thu thập chứng cứ, triệu tập người làm chứng, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; hủy phán quyết trọng tài…
Như vậy, một khi đã được Luật hóa, hoạt động này dĩ nhiên không còn là công lý riêng tư!
Nhu cầu xử lý tranh chấp thương mại của doanh nghiệp
Đã và đang có rất nhiều vụ việc tranh chấp thương mại trong hoạt động sản xuất kinh doanh mỗi ngày xảy ra với các doanh nghiệp Việt Nam. Một hợp đồng hợp tác bị hủy không thanh toán chỉ vì lý do nội bộ của bên A hoặc B nhưng gây tổn thương kinh tế cho bên còn lại, cũng có nguy cơ bị khởi kiện tại tòa.
Những hoạt động thương mại quốc tế với các trường hợp như chỉ định ngân hàng “Ma” mở thủ tục bảo lãnh tín dụng, mở L/C để nhận hàng khiến khách hàng Việt “không biết đằng nào mà tìm” khi cả đối tác, cả hàng hóa của mình lẫn ngân hàng trung gian đều “sau một đêm bốc hơi không dấu vết”… thực tế đều đã và đang diễn ra.
Theo đó, thông thường để đòi lại công lý, công bằng và đảm bảo lợi ích kinh tế, các bên sẽ khởi kiện lên tòa, chờ thụ lý hồ sơ, điều tra và xét xử. Thời gian sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào cơ quan tố tụng. Thông tin gần như đều được minh bạch, công khai. Cơ hội để các bên bắt tay hòa giải là gần như bằng không.
Đó chính là lý do vì sao mà các doanh nghiệp mong cầu một phương thức khác, có thể giúp họ đạt mục tiêu nhưng không quá mất thời gian, không phải “theo hầu kiện”.
Một Luật sư trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài Quốc tế VN cho biết, theo thống kê của tổ chức này tính đến 2018, đã có 152 nước và vùng lãnh thổ công nhận các phán quyết của trọng tài thương mại khi xử lý các tranh chấp. Có nghĩa là độ “phủ” của thói quen sử dụng trọng tài thương mại lẫn sự công nhận của hoạt động này đã trở nên phổ biến, được Luật pháp quốc tế công nhận. Và thực tế các doanh nghiệp nước ngoài cũng đã sử dụng trọng tài thương mại như một phương thức xử lý tranh chấp hữu hiệu, có tính “an toàn” thông tin hơn hẳn so với việc “kéo nhau lên tòa”.
VIAC cũng thống kê, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Singapore… là những quốc gia có số lượt doanh nghiệp tham gia giải quyết tranh chấp nhiều nhất tại VIAC từ năm 2017 đến nay. Hay nói cách khác, các doanh nghiệp đã và đang có nhu cầu thực tế để sử dụng phương thức này khi cần ứng xử với rủi ro tranh chấp không mong muốn xảy ra – điều luôn được cảnh báo càng hội nhập sâu càng tiềm ẩn lớn.
Hiện nay, các hoạt động hỗ trợ xử lý tranh chấp trong thực tiễn và trên quy mô quốc tế đều dựa trên những quy tắc phức tạp về trọng tài, được điều phối bởi các tổ chức từ Phòng Thương mại quốc tế (ICC), Hiệp hội Trọng tài Hoa Kỳ (AAA), Tòa Trọng tài quốc tế London (LCIA), đến các trung tâm trọng tài đặt tại châu Âu, châu Á, Trung Đông…
Các quy tắc này được hỗ trợ bởi pháp luật trọng tài quốc gia, dựa trên Luật Mẫu. Mục tiêu nhằm tối đa hóa hiệu quả của quá trình trọng tài; đồng thời, giảm thiểu sự can thiệp mang tính tư pháp, trừ khi việc can thiệp này là cần thiết. Kết quả là một hệ thống bao gồm các luật và thủ tục được hỗ trợ bởi các điều ước như Công ước New York 1958 quy định về nghĩa vụ của các tòa án quốc gia trên thế giới trong việc công nhận và thi hành các thỏa thuận trọng tài và phán quyết trọng tài.
Theo đó, các Luật và quy định của Việt Nam cũng đã, đang được hoàn thiện dần, giúp cho hoạt động trọng tài thương mại và hòa giải thương mại của Việt Nam ngày càng tiệm cận, tuân thủ các quy tắc quốc tế, theo đúng “luật chơi” hội nhập toàn cầu.