VCCI: Đề nghị thu hẹp thời gian đình chỉ hoạt động kinh doanh của tổ chức, cá nhân kinh doanh hóa chất

Huyền Trang 07/12/2018 06:30

VCCI vừa có văn bản trả lời Công văn số 7602/BCT-HC của Bộ Công Thương về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp.

Tại Dự thảo lần này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị Ban soạn thảo thu hẹp khoảng cách thời gian đình chỉ hoạt động kinh doanh của tổ chức, cá nhân kinh doanh hóa chất vi phạm tại khoản 1. Vì khoảng cách “01 tháng đến 06 tháng” là khá rộng, nhất là so sánh với các hình thức xử phạt bổ sung về đình chỉ hoạt động hoặc tước giấy phép khác quy định tại Dự thảo (có khoảng cách từ 01 tháng đến 03 tháng). Đây là hình thức xử phạt ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của các doanh nghiệp, vì vậy cần được thiết kế để đảm bảo tính minh bạch, công bằng khi áp dụng đối với các chủ thể vi phạm.

Có thể bạn quan tâm

  • VCCI: Xem xét lại việc sửa đổi, bổ sung quy định “Thi cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan”

    06:30, 06/12/2018

  • VCCI: Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi vẫn tập trung nhiều vào tiền kiểm

    06:30, 30/11/2018

Cũng tại Dự thảo, khoản 1 Điều 7 quy định phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi “không phân khu, sắp xếp theo tính chất của từng loại hóa chất”. Khoản 2  Điều 7 quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi “bảo quản chung các hóa chất có khả năng phản ứng với nhau hoặc có yêu cầu về an toàn hóa chất, phòng, chống cháy nổ khác nhau trong cùng một khu vực”.

Hành vi quy định tại khoản 2 có tính chất tương tự đối với hành vi quy định tại khoản 1, vì “bảo quản chung các hóa chất có khả năng phản ứng với nhau” cũng được xem là “không phân khu, sắp xếp theo tính chất của từng loại hóa chất”. Đề nghị Ban soạn thảo loại trừ hành vi tại khoản 1 trong quy định về hành vi tại khoản 2.

Tiếp đó, VCCI đề nghị Ban soạn thảo bổ sung hình thức xử phạt bổ sung “Đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp mà không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện theo quy định từ 01 tháng đến 03 tháng” vì hành vi này tương ứng với hành vi quy định tại khoản 4 Điều 17, nhưng Điều 17 có quy định về hình thức xử phạt bổ sung trong khi Điều 16 lại không.

VCCI đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại khoản 1 Điều 52 Dự thảo

VCCI đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại khoản 1 Điều 52 Dự thảo.

Tại Điều 37 của dự thảo quy định về vi phạm quy định về điều kiện sản xuất hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng y tế, theo VCCI cùng là hành vi “không có bảng hiệu, đèn báo tại lối thoát hiểm của nhà xưởng, kho chứa hóa chất” nhưng đối với  hành vi vi phạm quy định về điều kiện sản xuất hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế khung xử phạt từ “1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng” (khoản 1 Điều 37), cao hơn rất nhiều sơ với khung xử phạt đối với hành vi vi phạm về yêu cầu đối với nhà xưởng, kho chứa trong sản xuất, kinh doanh hóa chất tại khoản 1 Điều 5 “300.000 đồng đến 500.000 đồng” trong khi đều có tính chất vi phạm về nhà xưởng, kho chứa hóa chất.

Do đó, VCCI đề nghị Ban soạn thảo giải trình về sự khác biệt này, trong trường hợp chưa giải trình thuyết phục đề nghị điều chỉnh hai hành vi này về cùng khung xử phạt.

Khoản 1 Điều 52 Dự thảo xử phạt đối với hành vi “không khai báo việc mất Giấy phép, Giấy chứng nhận hoạt động vật liệu nổ công nghiệp” là chưa hợp lý, bởi vì hành vi này không gây ra ảnh hưởng đáng kể nào tới các vấn đề do Nhà nước quản lý trong lĩnh vực này. Nếu chủ thể khác lấy được Giấy phép, Giấy chứng nhận hoạt động vật liệu nổ công nghiệp thì cũng không thể xử dụng vì không phải là chủ thể được cấp phép, nếu sử dụng sẽ bị xử phạt theo chính quy định tại Nghị định này. Hơn nữa, doanh nghiệp khi làm mất giấy phép có thể thực hiện thủ tục đề nghị cấp lại giấy phép này.

Từ những phân tích trên, VCCI đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại khoản 1 Điều 52 Dự thảo.

Huyền Trang