Thu phí phương tiện vào nội đô để... bảo vệ môi trường?
Bộ Tài chính vừa gửi văn bản xin ý kiến các bộ ngành góp ý xây dựng Nghị định thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.
Mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo, Bộ Tài chính nghiên cứu kiến nghị của UBND TP Hà Nội, chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT, Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định về phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.
Trước đó, ngày 28/8/2018, Hà Nội đề xuất thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn TP có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào.
Theo đó, UBND TP Hà Nội đề xuất Thủ tướng xem xét, sửa đổi, bổ sung một số quy định để làm cơ sở cho TP thực hiện đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn, giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030". Ngoài nội dung thu phí xe vào nội đô, TP Hà Nội còn đề xuất thêm mức phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành phương tiện thông qua đăng kiểm.
Mới đây, Sở GTVT TP.HCM cũng đã có văn bản đề xuất UBND TP HCM xây dựng đề án kiểm soát khí thải đối với mô-tô, xe gắn máy, đồng thời triển khai thu phí ô nhiễm môi trường các phương tiện tham gia giao thông.
Tuy nhiên, hiện nay, chủ phương tiện giao thông đã phải đóng 3.000 đồng tiền thuế bảo vệ môi trường/mỗi lít xăng, từ 1/1/2019 tăng lên 4.000 đồng. Như vậy, việc phụ thu khí thải ô nhiễm môi trường với phương tiện là phí chồng phí.
Ngoài ra, trước khi phụ thu khí thải ô nhiễm môi trường, cần làm rõ khí thải phương tiện tác động như thế nào đến môi trường của Hà Nội. TP cần so sánh tác động khí thải phương tiện giao thông lên môi trường với tác động từ vấn đề đô thị hóa, phát triển công nghiệp, xây dựng lên môi trường… Đồng thời, khi ô nhiễm môi trường tăng, tại sao nhiều khu vực cây xanh Hà Nội lại bị thay thế?
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội: Việc thu phí phương tiện vào nội đô là cần thiết. Mục tiêu đề án thu phí phương tiện vào nội đô nhằm giảm ùn tắc giao thông và giảm ô nhiễm môi trường cho các khu vực có nguy cơ" cũng rất đúng chủ trương. Đây được xem như một cách để giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, vấn đề là thu thế nào, có thu được không, bảo đảm công bằng giữa các phương tiện giao thông hay không, khoản tiền thu đó sẽ được sử dụng làm gì? Ông Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế : Hiện nay, có rất nhiều loại phí đối với môi trường; trong đó, xăng dầu đang chịu các loại thuế xuất nhập khẩu, thuế GTGT, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập doanh nghiệp. Vì vậy, cần phải cân nhắc kỹ việc cùng lúc vừa áp thuế bảo vệ môi trường vừa áp phí khí thải mỗi phương tiện giao thông. Bởi nếu thu thuế bảo vệ môi trường từ xăng dầu, sau đó thu tiếp phí môi trường trên phương tiện thì có nghĩa là thu phí hai lần. |