Hàng chục tấn vàng và đống nợ khủng

Nguyễn Hoàng 28/12/2018 12:30

Trong hơn 10 năm, 2 công ty khai thác vàng Bồng Miêu và Phước Sơn đào hàng chục tấn vàng và kim loại khác.

Đến khi, lượng vàng cạn kiệt, hai nhà máy ngừng hoạt động để lại đống sắt thép và khoản nợ khủng hơn 1.200 tỷ đồng. 

Hơn 10 năm trước, Quảng Nam đã dang tay đón chào 2 đại gia nước ngoài đầu tư hàng chục triệu USD xây dựng nhà máy khai thác vàng tại hai mỏ vàng lớn nhất nước là Bồng Miêu và Phước Sơn. Tại thời điểm đó, bao lời tụng ca của chính quyền Quảng Nam khẳng định đây là doanh nghiệp đi tiên phong trong nộp thuế, sử dụng lao động tại địa phương và cũng nhờ họ mà nạn vàng tặc không tái phát.

p/Trụ sở mỏ vàng Bồng Miêu thời ăn nên làm ra

Trụ sở mỏ vàng Bồng Miêu thời ăn nên làm ra

Khai thác hàng chục tấn vàng

Thống kê chưa đầy đủ, tính đến thời điểm này, hai công ty được cấp phép khai thác 2 mỏ vàng lớn nhất nước là Bồng Miêu (Phú Ninh) và Đắk Sa (Phước Sơn) đã khai thác được hơn 7 tấn vàng thành phẩm cùng hàng chục tấn kim loại quý khác, thu về hàng trăm triệu USD.

“Hơn 7 tấn vàng là dựa trên báo cáo về trữ lượng khai thác hàng năm của hai công ty, còn thực tế họ khai thác được bao nhiêu tấn vẫn là bí mật không công bố suốt nhiều năm qua. Vì là doanh nghiệp nước ngoài nên chúng tôi khó kiểm tra được”- một cán bộ ngành thuế Quảng Nam nói.

br class=

Một góc nhà máy thời đang hoạt động. Bây giờ chỉ là đống sắt vụn

Cũng theo cán bộ ngành thuế Quảng Nam, ngành thuế chỉ theo dõi sản lượng vàng khai thác hàng năm được căn cứ trên hóa đơn xuất bán. Đây là cơ sở để cơ quan chức năng làm căn cứ tính thuế và đó là bí mật của doanh nghiệp, nên không được kiểm tra.

Có một điều ít được cơ quan chức năng và người dân biết đến đó là Tập đoàn Besra (Úc) mới chính là công ty mẹ của Bồng Miêu và Phước Sơn. Với 2 giấy phép tiêu thụ vàng khai thác, Tập đoàn Besra (Úc) bắt đầu những trò phù phép, chuyển giá mà chỉ có lãnh đạo của tập đoàn này mới biết được.

Bởi sản lượng vàng khai thác từ mỏ Bồng Miêu được phép tiêu thụ trong nước, còn vàng khai thác từ mỏ Đắk Sa được xuất bán ra nước ngoài. Khi giá vàng trong nước hạ, thì sản lượng khai thác từ Bồng Miêu chuyển về Đắk Sa và ngược lại để tiêu thụ. Đây là kẽ hở trong quản lý, giám sát lượng vàng mà 2 công ty này khai thác được trong hơn 10 năm qua.

Trong quá trình kiểm tra tình hình tiêu thụ vàng thành phẩm tại mỏ vàng Bồng Miêu, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam đã phát hiện hóa đơn được cho là xuất “khống” của doanh nghiệp kinh doanh vàng N.T. ở TP. Tam Kỳ cho Cty khai thác vàng Bồng Miêu lên đến hơn 100 tỷ đồng.
Vụ việc vẫn chưa được làm sáng tỏ và rơi vào im lặng nhiều năm nay đến khó hiểu.

Để lại khối nợ 1.200 tỷ đồng

Trong hơn 1 thập kỷ tổ chức khai thác, 2 Cty vàng vàng Bồng Miêu và Phước Sơn đã khai thác hơn 7 tấn vàng, thu về hàng trăm triệu USD. Khi nhận thấy trữ lượng dần cạn kiệt, 2 Cty vàng bắt đầu hoạt động cầm chừng và đến đầu năm 2017 ngừng hoạt động hoàn toàn với lý do khai thác thua lỗ và để lại khối nợ hơn 1.200 tỷ đồng.

br class=

Trong hầm lò mỏ vàng Bồng Miêu. Đây là khu vực có trữ lượng vàng lớn nhất nước.

Tài sản mà 2 Cty này để lại cho Quảng Nam và các chủ nợ chỉ là hai đống sắt vụn hoen rỉ không hoạt động từ nhiều năm nay mà nói như nhiều chủ nợ nếu đem bán 2 nhà máy này chỉ có bán sắt phế liệu, nhưng chưa chắc mấy bà đồng nát chịu mua.

Nhiều chủ nợ gặp nhau hôm 28/11 vừa qua tại TAND tỉnh Quảng Nam để dự Hội nghị chủ nợ Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu (Công ty Bồng Miêu) lần thứ nhất. Tại đây các chủ nợ đã thông qua nghị quyết với phương án phá sản đối với doanh nghiệp này. Tuy nhiên, nhiều chủ nợ bảo cả đem bán hai nhà máy sau khi tuyên bố phá sản và đem chia đều cho các chủ nợ chắc cũng được một bữa ăn sáng. Bởi chủ nợ lớn, chủ nợ nhỏ đông như …quân Nguyên!

Không chỉ nợ các đối tác làm ăn, mà 2 Cty này còn nợ chính quyền địa phương Quảng Nam, là chủ sở hữu của 2 mỏ vàng này lên đến nhiều trăm tỷ đồng từ nhiều năm nay chưa truy thu được.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn khẳng định: Cơ quan chức năng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết, nhưng đến nay vẫn chưa thu hồi được khoản nợ thuế của hai công ty này. Còn khoản nợ các đối tác của công ty này đang được tòa án giải quyết.

br class=

Đây là những thỏi vàng thành phẩm đưa đi xuất khẩu nặng khoảng 5 kg

Lãnh đạo Cục thuế Quảng Nam cho biết, quá trình thu thập thông tin về tài sản của Công ty Phước Sơn và Bồng Miêu theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam cho thấy, toàn bộ tài sản đã thế chấp tại các ngân hàng nên phương án cưỡng chế thu hồi nợ thuế bằng biện pháp kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên rất phức tạp, khó thực hiện.

Việc nợ thuế không phải đợi đến khi có báo cáo thua lỗ của 2 công ty này, mà ngay từ năm 2010, khi công ty vẫn thu lãi hàng triệu USD mỗi năm mà không chịu nộp nợ thuế.

Chuyện Cty Vàng Phước Sơn và Bồng Miêu ngừng hoạt động từ nhiều năm nay đã khiến hàng chục chủ nợ là đối tác làm ăn của hai công ty này lâm vào cảnh điêu đứng.

Đến mức đã có Chủ tịch UBND một địa phương nơi nhà máy khai thác vàng hoạt động từng là đối tác làm ăn với nhau đã phải xin nghỉ việc để có thời gian đòi số nợ mà công ty vàng không chịu trả từ nhiều năm nay.

Có thể bạn quan tâm

  • Vàng Bồng Miêu phá sản với số nợ gần 1.000 tỉ đồng

    Vàng Bồng Miêu phá sản với số nợ gần 1.000 tỉ đồng

    18:31, 30/11/2018

  • Công ty vàng Bồng Miêu chính thức phá sản, để lại số nợ gần 1.000 tỉ đồng

    Công ty vàng Bồng Miêu chính thức phá sản, để lại số nợ gần 1.000 tỉ đồng

    15:07, 28/11/2018

  • Không xem xét cấp lại giấy phép cho công ty vàng Bồng Miêu

    Không xem xét cấp lại giấy phép cho công ty vàng Bồng Miêu

    21:55, 09/05/2017

Nguyễn Hoàng