“Vẫn còn tư duy bao cấp trong chính sách kinh tế đất đai”
Đó là khẳng định của GS Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên - Môi trường khi nhìn nhận các chính sách liên quan đến đất đai ở thời điểm hiện tại.
Có thể bạn quan tâm
Thủ tục hành chính về đất đai tiếp tục làm khó doanh nghiệp
06:16, 17/01/2019
Nguồn cơn của tham nhũng đất đai!
05:03, 12/01/2019
Đà Nẵng nêu tên hàng loạt dự án vi phạm Luật Đất đai
05:00, 11/01/2019
“Các đại gia Việt giàu siêu tốc nhờ đất đai là chính”
Ông Võ cho biết nguồn lực chủ yếu cho phát triển trong giai đoạn tích luỹ tài chính ban đầu của các quốc gia đều là đất đai dưới dạng đất công và thuế đất. Các nước có nền kinh tế chuyển đổi có cơ hội lớn trong tận dụng giá trị cao nhất của đất đai khi chuyển đổi đất công theo giá thị trường, tuy nhiên ở hầu hết các nước đều xảy ra tình trạng thất thoát lớn.
Với Việt Nam, phần lớn các “đại gia” đều bắt đầu làm giàu từ đất đai. Dù đã được cải thiện qua những lần sửa đổi, song vấn đề tài chính đất đai vẫn còn bất cập do “người làm luật vẫn sử dụng tư duy bao cấp trong bối cảnh kinh tế thị trường”.
“Định giá đất ở Việt Nam khá yếu kém so với các nước Đông Nam Á. Về thuế đất, Việt Nam thu rất thấp, 0,03% theo bảng giá nhà nước trong khi các nước thu 1% theo giá thị trường. Do đã quen với việc thu thuế thấp nên khi đề xuất các thuế suất cao hơn đã vấp phải sự phản đối”, ông Võ nói.
Ở một góc nhìn khác, khi nhìn nhận về chính sách đất đai của Việt Nam ở thời điểm hiện tại, ông Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng, có rất nhiều bất cập trong thu hồi, đền bù, quản lý đất đai.
“Chẳng hạn, với các dự án, người dân thường không hài lòng với việc đền bù của nhà đầu tư vì cho rằng nhà đầu tư hưởng lợi nhiều, trong khi nhà đầu tư cho rằng họ phải bỏ nhiều chi phí để có cơ sở hạ tầng… Hay những bất cập trong quản lý chuyển đổi đất, bán tài sản công hoặc cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước cũng là vấn đề nóng được dư luận quan tâm”, ông Cường nói.
Cần sử dụng công cụ pháp luật để điều tiết
Những bất cập, mâu thuẫn đó, theo ông Cường, không thể đơn thuần dùng công cụ thị trường để giải quyết, điều tiết mà cần sử dụng công cụ pháp luật. Hầu hết các mâu thuẫn phát sinh khi có chênh lệch địa tô. Đó cũng là điểm mấu chốt gây nên sự bất đồng trong quá trình thu hồi đất.
Pháp luật cần có cơ chế điều tiết giá trị gia tăng của đất. Luật Đất đai đã tiến dần đến những quy định tiến bộ như xác định giá đền bù “sát với giá thị trường”, rồi “đền thù theo giá thị trường”. Tuy nhiên, giá thị trường lại cũng chính là khái niệm gây tranh cãi. Người dân thì cho rằng giá thị trường là giá đất giao dịch thực tế tại khu vực phải thu hồi. Tuy nhiên, như vậy thì độ “chạy” của mức giá quá lớn. Nhà nước thì “đau đầu” vì 4-5 phương pháp xác định giá đất đưa ra vẫn không khả thi.
Ở góc nhìn của mình, ông Võ đề xuất nên quản lý dựa trên giá đất do người dân tự đăng ký, kết hợp với những quy định, điều kiện để người dân đăng ký sao cho phù hợp. Điều này vừa để người dân tham gia vào quản lý đất thông qua đăng ký giá và vừa để họ công khai tư duy về giá trị mảnh đất mình đang sử dụng. Đây cũng là kinh nghiệm quản lý của Đài Loan mà chúng ta có thể tham khảo.
Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc xác định giá đất, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Cục trưởng Cục Kinh tế và phát triển quỹ đất, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, xác định giá đất theo thị trường sẽ giải quyết hầu hết các vướng mắc về đất đai hiện nay.
Vì vậy cần thay đổi phương pháp định giá đất và công bố công khai. Bên cạnh đó, người dân, nhà đầu tư chỉ được hưởng lợi theo đúng mục đích họ được sử dụng. Đây cũng là kinh nghiệm quản lý ở các nước, khi chênh lệch do đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất thuộc về Nhà nước.