Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Vẫn nặng về hình thức
Nhiều chuyên gia khẳng định, quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh của các bộ ngành ở thời điểm hiện tại vẫn còn nặng về hình thức và đơn giản hóa câu từ.
Doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi xin cấp phép
Bình luận về quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh của các bộ ngành ở thời điểm hiện tại, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, tính đến thời điểm hiện tại các bộ ngành báo cáo cắt giảm 60-70% nhưng thực chất chỉ khoảng 30%. Trong đó một số lĩnh vực cắt giảm chưa đạt yêu cầu, ví dụ số lượng các mặt hàng của kiểm tra chuyên ngành đang 19% cần giảm xuống dưới 10%.
“Kết quả khảo sát doanh nghiệp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây cho biết, 57% doanh nghiệp đánh giá thủ tục kiểm tra hải quan chưa cải thiện. Quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh được làm ồ ạt thời gian đầu và chững lại từ tháng 11/2018 đến nay, sau khi các bộ ngành đã làm xong báo cáo. Vậy, thực sự doanh nghiệp có được hưởng lợi hay không trong khi nhiều ý kiến cho rằng quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh còn hình thức, nặng về đơn giản hóa câu từ, thu gọn lại hơn là cắt giảm?”, bà Thảo đặt câu hỏi.
Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế, VCCI nhận định, cắt giảm điều kiện kinh doanh dường như mới chỉ nặng về đơn giản hóa, cắt giảm rất ít. Mục tiêu của Chính phủ là giảm 50% nhưng thống kê mới chỉ được 10%.
Ông Tuấn cho biết, theo điều tra của VCCI doanh nghiệp gặp khó khăn xin cấp phép vẫn còn lớn, các địa phương còn lúng túng khi thực hiện Nghị quyết 19, tình trạng kiểm tra chuyên ngành bị trùng lặp, chồng chéo còn phổ biến, xu hướng quản lý rủi ro chưa đạt…
“Có một thực trạng đáng buồn là hiện nay doanh nghiệp càng lớn thì càng bị thanh tra nhiều. Đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng như mì ăn liền, dầu ăn… liên tục bị thanh tra bởi khi đến thanh tra các doanh nghiệp này, kể cả không phát hiện sai phạm thì cán bộ thanh kiểm tra vẫn… có quà”, Trưởng ban Pháp chế VCCI kể lại.
Có thể bạn quan tâm
VCCI đề nghị bãi bỏ một số điều kiện kinh doanh của hoạt động kinh doanh tín dụng
08:08, 18/01/2019
Cắt giảm điều kiện kinh doanh: "Mới dừng ở mức... tháo gỡ rào cản"
16:30, 15/01/2019
Cuộc chiến mới với cắt giảm điều kiện kinh doanh
11:01, 05/01/2019
Hạn chế tối đa tiếp xúc doanh nghiệp và công chức
Để khắc phục tình trạng thanh kiểm tra doanh nghiệp, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng phải làm sao phải hạn chế tối đa tiếp xúc người dân, doanh nghiệp và công chức.
“Nội dung mấu chốt Nghị quyết 02/2019/NĐ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh là đẩy mạnh thanh toán điện tử và dịch vụ công trực tuyến. Nếu có dịch vụ công trực tuyến thì phải có thanh toán điện tử trực tuyến mới đáp ứng và hệ thống hóa được thói quen của người dân, doanh nghiệp và công chức.
Tiêu chí này giúp giảm tối đa tiếp xúc người dân và công chức, bởi vì trên thực tế, những chỗ hay tiếp xúc, lại là những nơi xảy ra nạn đút lót, tham nhũng vặt. Chỗ cần tiếp xúc giữa doanh nghiệp, công chức là chỗ công chức cố tình gây phiền hà, khó khăn và vòi tiền doanh nghiệp”, ông Cung nói.
Để khắc phục tình trạng này, ông Tuấn cho rằng đã đến lúc cần xây dựng tiêu chí quản lý rủi ro.
“Những doanh nghiệp nào, ngành nghề nào có nguy cơ vi phạm cao thì phải tăng cường thanh tra, kiểm tra. Trong hải quan đã có áp dụng rủi ro trong thông quan, luồng xanh, luồng đỏ, luồng vàng. Nhưng các ngành khác còn ít. Thuế cũng bắt đầu xây dựng hệ thống quản lý rủi ro. Hệ thống này phải mở rộng ra các lĩnh vực khác”, ông Tuấn nói.