Khi bằng cấp trở thành điều kiện kinh doanh đối với ngành du lịch: Rào cản hay sáng tạo?
Kể từ ngày 1/1/2019, nếu doanh nghiệp muốn tiếp tục hoạt động kinh doanh, tất cả lãnh đạo phụ trách kinh doanh lữ hành, du lịch phải có bằng cấp chuyên môn về du lịch.
Những điều kiện kinh doanh vô lý?
Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL, ngày 15 tháng 12 năm 2017 của Bộ VHTTDL, quy định: Theo Luật Du lịch 2017, kể từ ngày 1/1/2019 nếu doanh nghiệp muốn tiếp tục hoạt động kinh doanh, tất cả lãnh đạo phụ trách kinh doanh lữ hành của các doanh nghiệp du lịch phải có bằng cấp chuyên môn về du lịch. Điều kiện "bắt buộc" này đang là rào cản gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Trao đổi với DĐDN về những bất cập nêu trên, Luật sư Bùi Gia Nên – Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước nhận định: Bằng cấp chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Thực tế, có những giám đốc các công ty, tập đoàn lớn không có bằng cấp cao nhưng họ vẫn có thể làm tốt, thậm chí là rất tốt trong góc độ quản lý về lĩnh vực kinh doanh trong ngành du lịch lữ hành. Về góc độ chuyên môn có thể họ không có bằng cấp cao nhưng về kinh nghiệm, nghiệp vụ lại rất cao, họ thành công nhờ kinh nghiệm chứ không hoàn toàn nhờ vào bằng cấp. Nói rộng hơn, có những trường hợp một anh nông dân thuần túy chẳng học hành gì nhưng họ lại phát minh ra những máy móc rất ưu việt để phục vụ cho nông nghiệp trong nước, thậm chí là sản phẩm của họ được phổ biến và khuyên dùng rộng rãi trong cả nước, tham gia các chương trình hội chợ, triển lãm, thậm chí xuất hiện cả ở nước ngoài, trong khi những anh học cao, bằng này bằng kia lại chỉ ngồi trên đống giấy tờ cả hàng chục năm nhưng chẳng có được một sản phẩm nào ra hồn.
Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL, ngày 15 tháng 12 năm 2017 của Bộ VHTTDL, quy định: Kể từ ngày 1/1/2019 nếu doanh nghiệp muốn tiếp tục hoạt động kinh doanh, tất cả lãnh đạo phụ trách kinh doanh lữ hành của các doanh nghiệp du lịch phải có bằng cấp chuyên môn về du lịch.
Có thể bạn quan tâm
Giải bài toán chất lượng dịch vụ vận tải ngành du lịch
05:19, 23/01/2019
Cần có chính sách ưu đãi riêng về thuế đất cho dự án du lịch có hệ số sử dụng đất thấp?
16:00, 22/01/2019
Quảng Ninh được gì từ Diễn đàn Du lịch ASEAN 2019?
11:38, 22/01/2019
Cũng theo Luật sư Nên, có những trường hợp Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc của các công ty du lịch có bằng tốt nghiệp đại học thuộc nhiều ngành khác nhau, thậm chí cao hơn như: thạc sĩ, tiến sĩ… nhưng thực tế họ lại khá trưởng thành trong nghề du lịch, lữ hành, mặc dù ngành nghề này chẳng liên quan gì tới những gì mà họ học trước đó. Cái duyên đã đến với họ và đã tự học và bổ sung kiến thức bằng nhiều hình thức khác nhau để điều hành doanh nghiệp du lịch của mình. Do đó, theo Thông tư 06/2017, quy định bắt buộc lãnh đạo các doanh nghiệp trong lĩnh vực này phải bổ sung bằng cấp, tức là họ phải đi học để thỏa mãn quy định này là những vấn đề hết sức bất cập.
Theo Luật sư Nên, trên thực tế có rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành du lịch, lữ hành những người không có bằng đại học, nhưng đổi lại họ lại có tài năng kinh doanh, và những người này điều hành doanh nghiệp khá thành công. Trên thế giới này không thiếu những tỉ phú hàng đầu nhưng lại không tốt nghiệp đại học và câu chuyện về Bill gates là một ví dụ điển hình. Với Bill Gates không chỉ giàu nhất thế giới, mà ông chủ tập đoàn Microsoft Bill Gates được các bạn trẻ thêu dệt thành huyền thoại về một chàng sinh viên nhờ... bỏ học mới có được thành công. Cho nên câu chuyện trên muốn nói rằng, việc bắt buộc Chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc, giám đốc… phải có bằng cấp cao đẳng chuyên ngành lữ hành là tư duy quá cũ và chẳng mấy sáng tạo.
Đi ngược tinh thần Chính phủ kiến tạo
Do đó, thực tế đã chứng minh và cho thấy, chưa chắc những người có bằng cấp cao đã làm việc giỏi và càng không chắc là kinh doanh giỏi. Đối với quy định học để lấy chứng chỉ du lịch, các vị giám đốc các công ty du lịch thừa biết cũng chẳng học được gì ngoài việc bổ sung bằng cấp cho đúng luật. Ngoài việc mất thời gian và tốn kém tiền của một cách vô ích. Và chưa kể việc vô tình tạo nên áp lực cho các trường Đại học, Cao đẳng trong việc xây dựng mô hình đào tạo, giảng dạy, thậm chí nảy sinh các tiêu cức là vấn đề khó tránh khỏi.
Tóm lại, ngành du lịch nói riêng và các ngành nghề khác nói chung không thể đơn thuần tự tin là có bằng Đại học hoặc Cao đẳng là có thể thành công. Đơn giản là, khi ông chủ của một doanh nghiệp bỏ tiền ra để đầu tư trong một lĩnh vực mà họ tâm huyết thì chắc chắn họ sẽ biết họ phải làm gì để tối đa hóa lợi nhuận. Việc phải thuê các chuyên gia, nhân viên có chuyên môn về ngành nghề mà họ kinh doanh để bảo đảm thành công, chẳng chờ ai lo giúp mà chính những ông/bà Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc phải đích thân làm để tồn tại và duy trì hoạt động – Luật sư Nên chia sẻ.
Với những quy định nêu trên, chúng ta dễ dàng nhận thấy những rào cản đang đi ngược lại xu hướng phát triển, thời cuộc cách mạng công nghệ số mà cả thế giới đang hướng tới. Hay quan trọng hơn, quy định này đang đi ngược lại là với tinh thần của Chính phủ kiến tạo về cắt giảm điều kiện kinh doanh, giải phóng nguồn lực, tạo điều kiện tự do kinh doanh tối đa cho doanh nghiệp.