“Gỡ vướng” dùng tài sản công thanh toán hợp đồng BT

Huyền Trang 26/01/2019 16:54

Ngay những ngày đầu năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết nhằm gỡ vướng cho các nhà đầu tư và địa phương trong việc thực hiện hợp đồng BT.

Trả lời Diễn đàn Doanh nghiệp, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW khẳng định: Nghị quyết 160/NQ-CP về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao sẽ gỡ nút thắt cho các vấn đề liên quan đến các dự án BT ở thời điểm hiện tại.

Có thể bạn quan tâm

  • "Dừng thanh toán các dự án BT do nhạy cảm, rất dễ xảy ra tham nhũng tiêu cực"

    16:23, 28/12/2018

  • Dự án BT đang “vướng” ở khâu nào?

    11:32, 02/11/2018

  • Đầu tư BT đã thay đổi diện mạo TP HCM

    11:22, 31/10/2018

- Dưới góc độ luật pháp, ông đánh giá như thế nào về Nghị quyết 160/NQ-CP?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, hoạt động đầu tư theo hợp đồng BT nói riêng, cũng như đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) nói chung, chịu sự điều chỉnh chủ yếu của Luật đầu tư 2014, Luật Quản lý tài sản công 2017, Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, cũng như các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành khác. Theo đó, Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (hợp đồng BT) theo quy định được hiểu là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án (nếu có) để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được thanh toán bằng quỹ đất, trụ sở làm việc, tài sản kết cấu hạ tầng hoặc quyền kinh doanh, khai thác công trình, dịch vụ để thực hiện Dự án khác.

Xuất phát từ đặc điểm đặc thù của hợp đồng BT về mặt chủ thể, đó là có sự tham gia của thực thể công (cơ quan nhà nước) vào quan hệ hợp đồng với thực thể tư (nhà đầu tư, doanh nghiệp), chính vì vậy, việc thực hiện hợp đồng này cũng sẽ phát sinh một số vấn đề pháp lý cần phải có cơ chế đặc thù để điều chỉnh. Một trong số những vấn đề pháp lý này là vấn đề thanh toán trong hợp đồng BT, cụ thể là vấn đề sử dụng tài sản công để thanh toán theo hợp đồng BT. Nghị quyết 160/NQ-CP được Chính phủ ban hành ngày 28/12/2018, nhằm mục đích tạo ra cơ sở pháp lý để điều chỉnh vấn đề này.

Dự án BT Đường trục phía Nam Hà Nội đang rơi vào tình trạng chậm tiến độ, ngổng ngang khiến người dân đi lại khó khăn và bức xúc.

Trong khi chờ Luật về PPP ra đời, sự ra đời của Nghị quyết 160 được kỳ vọng sẽ tạo ra được một khung pháp lý phù hợp để điều chỉnh cho việc thực hiện hợp đồng BT (Ảnh: Dự án BT Đường trục phía Nam Hà Nội đang rơi vào tình trạng chậm tiến độ, ngổng ngang khiến người dân đi lại khó khăn và bức xúc).

- Vậy theo ông Nghị quyết 160/NQ-CP có những điểm mới nào so với các quy định pháp lý về BT hiện hành?

Nghị quyết 160 đặt ra một cơ chế pháp lý để điều chỉnh vấn đề sử dụng tài sản công để thanh toán theo hợp đồng BT ký kết giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp. Theo đó Nghị quyết 160 có những nội dung đáng chú ý sau:

Đối với Hợp đồng BT được ký kết trước ngày 01/01/2018 theo đúng quy định của pháp luật mà chưa hoàn thành việc thanh toán thì tiếp tục thực hiện thanh toán theo nội dung của hợp đồng.

Đối với Hợp đồng BT được ký kết từ ngày 01/01/2018, có điều khoản dùng tài sản công để thanh toán: Nếu nội dung phù hợp quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công 2017, pháp luật về đất đai, pháp luật về ngân sách nhà nước và các luật có liên quan thì thực hiện thanh toán theo hợp đồng; Nếu có nội dung chưa phù hợp phải đàm phán điều chỉnh lại cho phù hợp theo đúng quy định.

Đối với dự án đã hoàn thành việc lựa chọn Nhà đầu tư trước ngày 28/12/2018 nhưng chưa ký Hợp đồng BT, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiến hành đàm phán, ký kết Hợp đồng BT theo đúng quy định.

Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền và nhà đầu tư các dự án BT chịu trách nhiệm rà soát lại các Hợp đồng BT đã ký kết và đang thực hiện, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các sai phạm (nếu có); đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật; không làm thất thoát tài sản công, không để xảy ra tham nhũng, lợi ích nhóm. Trường hợp phát hiện có vi phạm nhưng chưa gây thất thoát tài sản nhà nước thì phải điều chỉnh lại Hợp đồng BT; nếu phát hiện vi phạm (vi phạm pháp luật về ngân sách nhà nước, xây dựng, quản lý đất đai, đấu thầu, đầu tư công, quản lý tài sản công và pháp luật liên quan khác...) thì phải điều chỉnh hoặc hủy Hợp đồng BT, kịp thời thu hồi tài sản nhà nước bị thất thoát, đồng thời xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.

 - Như phân tích của ông, rõ ràng những khoảng trống pháp lý trong hợp đồng BT đã được Chính phủ "trám" lại trong nghị quyết?

Theo tôi là như vậy. Trong khi chờ Luật về PPP ra đời, tôi kỳ vọng Nghị quyết 160 sẽ tạo ra được một khung pháp lý phù hợp để điều chỉnh cho việc thực hiện hợp đồng BT của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư. Đặc biệt, có thể phần nào hạn chế, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật gây thất thoát tài sản nhà nước. Qua đó, góp phần đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư cũng như đảm bảo môi trường đầu tư an toàn tại Việt Nam.

Việc ra đời nghị quyết của Chính phủ là nhằm mục tiêu xử lý khoảng trống pháp lý trong việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT, nhằm không làm ảnh hưởng các dự án đang triển khai thực hiện, đặc biệt là các dự án đã ký kết hợp đồng BT, đồng thời để tháo gỡ khó khăn cho các bộ, ngành, địa phương, các nhà đầu tư trong thời gian Chính phủ chưa ban hành nghị định quy định chi tiết. Hình thức là nghị quyết của Chính phủ để phù hợp với thẩm quyền quy định chi tiết việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT.

Nghị quyết sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông vận tải theo hình thức họp đồng BT, BT nói riêng; đồng thời xử lý kịp thời những tồn tại, yếu kém và kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra khuyết điểm, vi phạm.

- Xin cảm ơn ông!

Huyền Trang