VEC “cấm cửa” 2 ôtô vào cao tốc: Một quyết định vi Hiến
Các luật sư cho rằng, việc VEC từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 ô tô trên các tuyến đường cao tốc do đơn vị này quản lý là không thuyết phục.
Có thể bạn quan tâm
Thận trọng khi bán quyền khai thác do VEC đề xuất
01:22, 06/07/2018
Sẽ thu giá tự động không dừng tại các đường cao tốc do VEC quản lý
11:00, 10/05/2018
Liên quan đến thông báo của Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết sẽ từ chối vĩnh viễn hai xe mang biển số 51A-55… và 51G-77… trên tất cả tuyến đường do VEC quản lý, khai thác với lý do hai phương tiện này đã có hành vi cố tình gây rối tại trạm thu phí trên đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây vào chiều 10/2, Luật sư Kiều Anh Vũ, Giám đốc điều hành Công ty KAV Lawyers khẳng định: Việc “từ chối phục vụ vĩnh viễn” tại tuyến đường cao tốc cũng giống như “lệnh cấm lưu thông” vào đường cao tốc đối với các phương tiện đó rồi. Trong khi, VEC không có thẩm quyền như vậy.
“Trước hết, nếu có hành vi gây rối an ninh trật tự, vi phạm quy định của pháp luật tại tuyến đường cao tốc thì các hành vi vi phạm phải được xử lý nghiêm minh, kịp thời nhưng phải đúng với quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền, không thể xử lý tùy tiện”, ông Vũ nói.
Luật sư Vũ cho biết việc quản lý, khai thác đường cao tốc hiện nay được quy định cụ thể tại Nghị định 32/2014/NĐ-CP ngày 22/4/2014 của Chính phủ về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc và Thông tư số 90/2014/TT-BGTVT (sửa đổi theo Thông tư số 45/2018/TT-BGTVT).
Theo đó, cơ quan quản lý đường cao tốc là Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đơn vị được giao tổ chức khai thác, bảo trì công trình đường cao tốc là chủ thể trực tiếp thực hiện việc khai thác, bảo trì công trình đường cao tốc, được xác định trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi thông qua hợp đồng với cơ quan quản lý đường cao tốc hoặc với nhà đầu tư đối với các dự án thực hiện theo hình thức đối tác công – tư.
Doanh nghiệp đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác, bảo trì công trình đường cao tốc là doanh nghiệp dự án đối tác công tư và doanh nghiệp được nhà nước giao đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác công trình đường cao tốc.
Qua đó có thể thấy VEC không phải là cơ quan quản lý đường cao tốc mà chỉ là đơn vị khai thác, bảo trì; là doanh nghiệp đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác, bảo trì công trình đường cao tốc, có quyền lợi và nghĩa vụ trên cơ sở hợp đồng, không có chức năng và thẩm quyền quản lý nhà nước đối với việc khai thác, quản lý đường cao tốc; không có thẩm quyền xử phạt vi phạm.
Vì vậy việc VEC E thay mặt VEC thông báo từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với 2 phương tiện trên tất cả các tuyến cao tốc do VEC quản lý, khai thác là không có cơ sở thuyết phục, không có cơ sở cho thấy họ có thẩm quyền và chức năng để thực hiện việc này.
Theo ông Vũ, nếu VEC hay VEC E cho rằng các phương tiện đã có hành vi gây rối, vi phạm pháp luật, vi phạm luật giao thông đường bộ thì có thể thông báo, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để xử lý vi phạm theo quy định.
Chẳng hạn xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Nghị định này quy định cụ thể các mức phạt xảy ra tại đường cao tốc bằng các hình thức phạt tiền và các hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn…
Về vấn đề này, ở góc nhìn của mình, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO khẳng định đây là việc làm vô lý, trái với Hiến pháp của Việt Nam.
Theo quan điểm của ông Đức, việc cấm phương tiện di chuyển trên đường phải được quy định trong luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, hiện nay không có điều luật nào cấm vĩnh viễn xe ô tô di chuyển trên đường. Thậm chí pháp luật còn quy định, nếu tắc đường thì phải xả trạm, không được tiếp tục thu phí. Trong trường hợp này, BOT là dạng hợp đồng hành chính công, có yếu tố Nhà nước, nên doanh nghiệp hoàn toàn không có quyền từ chối phục vụ. Hơn nữa, khác với việc cấm bay theo luật Hàng không dân dụng Việt Nam, nếu luật Giao thông đường bộ cấm cũng không hợp lý, thậm chí là trái với Hiến pháp vì đường bộ là loại hình di chuyển tối thiểu của người dân, sử dụng đường bộ là quyền chính đáng. Đặc biệt, Thông tư và Nghị định càng không được phép cấm đoán việc sử dụng đường bộ.
Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật Đường cao tốc Việt Nam (VEC E) ngày 10/2 ban hành Quyết định số 13/QĐ-VEC-HĐTV về việc ban hành Quy định từ chối phục vụ và phục vụ trở lại đối với các phương tiện vi phạm quy tắc giao thông khi tham gia trên các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý khai thác khẳng định: doanh nghiệp này thay mặt Tổng công ty đầu tư phát triển Đường cao tốc Việt Nam - VEC, chủ đầu tư Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với 2 phương tiện BKS 51A-55850 và 51G-77256 trên tất cả các tuyến cao tốc do VEC quản lý, khai thác. Cụ thể hơn, thông báo cho hay, vào lúc 18 giờ 20 phút, phương tiện mang biển kiểm soát 51A-55850 di chuyển vào làn thu phí số 7, hướng từ Long Thành về TP HCM. Đến cabin thu phí, mặc dù đã nhận được tín hiệu từ nhân viên thu phí, người điều khiển phương tiện đã không trả thẻ thu phí và trả tiền phí mà cố tình dừng tại làn thu phí, nhiều người già, phụ nữ và trẻ em đã xuống xe, cố tình gây rối tại làn thu phí, lôi kéo các phương tiện ở các làn khác, gây ách tách giao thông. VEC E khẳng định, việc ùn ứ từ Km18 đến cầu Long Thành tại Km12 hướng Long Thành về TP.HCM trong ngày 10.2.2019 hoàn toàn từ các sự cố khách quan trên đây, không phải do việc chậm trễ trong hoạt động thu phí gây ùn tắc tại trạm thu phí, nên các yêu cầu liên quan đến việc xả trạm là không hợp lý và không đúng quy định hiện hành. |