Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp
Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến trình Chính phủ dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong thời gian qua, Quốc hội đã ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật quan trọng nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, trong đó có Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Các đạo luật này đã góp phần xóa bỏ rào cản về đầu tư, kinh doanh không phù hợp với kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư.
Có thể bạn quan tâm
Tháng 7/2019 sẽ trình Thủ tướng Dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức PPP
11:09, 29/01/2019
Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư (Luật về PPP): “Cú hích” cho cơ sở hạ tầng
12:21, 07/12/2018
Luật Đầu tư công: Tăng cường vai trò tự chủ của các địa phương
17:57, 12/11/2018
Hai nguyên nhân…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: “Thực tiễn hơn hai năm thi hành Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa một số quy định của các luật”.
Theo đó, Bộ này nêu ra hai lý do để sửa đổi các Luật này.
Lý do thứ nhất, theo quy định tại Điều 8 Luật Đầu tư, Quốc hội giao Chính phủ, căn cứ điều kiện phát triển kinh tế, xã hội và yêu cầu quản lý nhà nước trong từng thời kỳ, tiến hành rà soát ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các Điều 6, 7 của Luật này theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Lý do thứ hai, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp có quy mô và mức độ cải cách lớn trong nhiều ngành, lĩnh vực và được triển khai trong bối cảnh một số luật khác được ban hành theo cách tiếp cận khác nhau nên quá trình thực hiện đã không tránh khỏi một số vướng mắc phát sinh từ sự thiếu đồng bộ về phạm vi điều chỉnh giữa các Luật liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh…
“Do vậy, việc tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục nhằm xóa bỏ rào cản trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho việc gia nhập thị trường của người dân và doanh nghiệp”, tờ trình sửa đổi nêu.
Và hàng loạt điều khoản được sửa đổi
Với Luật Đầu tư, Dự thảo sửa đổi các Điều 24, 25 và 26 theo hướng: Bổ sung quy định để yêu cầu chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với nhà ĐTNN, tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN khi góp vốn mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp có hoạt động đầu tư kinh doanh trong một số lĩnh vực quan trọng hoặc tại địa bàn có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh;
Bãi bỏ thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong trường hợp việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp không làm tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp; Làm rõ quy trình, thủ tục, điều kiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của các tổ chức, cá nhân cũng như doanh nghiệp có vốn nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Đồng thời sửa đổi, bổ sung Điều 31 theo hướng: Loại bỏ một số dự án đầu tư thuộc diện phải trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại Điều 31 Luật Đầu tư, bao gồm dự án có quy mô vốn đầu tư từ 5.000 tỷ trở lên, các dự án mà điều kiện đầu tư, kinh doanh đã được quy định cụ thể tại điều ước quốc tế và pháp luật có liên quan như dự án của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh vận tải biển, kinh doanh dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng, báo chí, thành lập tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ 100% vốn nước ngoài;
Bổ sung quy định về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ đối với dự án đầu tư thực hiện tại địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên...
Với Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) dự kiến sửa đổi tại 23 khoản liên quan đến 23 Điều, quy định trong 5 chương của Luật Doanh nghiệp.
Trong đó: bãi bỏ hoàn toàn 1 điều: các điều 12; bãi bỏ hoàn toàn 6 khoản: (khoản 2 và 5 Điều 44; khoản 2 Điều 65; điểm c khoản 3 điều 139; điểm a, b và c khoản 1 Điều 192 và khoản 2 Điều 193); bãi bỏ một phần hoặc sửa đổi nội dung tại 17 khoản khác.
Một số sửa đổi đáng chú ý như: sửa đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước; bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu cho cho cơ quan đăng ký kinh doanh; bỏ yêu cầu cơ quan đăng ký kinh doanh phải định kỳ gửi thông tin đăng ký doanh nghiệp và thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác cùng cấp, UBND cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính; bỏ yêu cầu Giám đốc/Tổng giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn phải có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong trong quản trị kinh doanh.
Với Luật Doanh nghiệp, Dự thảo sửa đổi Điều 3 để áp dụng thống nhất trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp. Trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của Luật đó.
Bãi bỏ Điều 12, khoản 1 Điều 34, khoản 2 và khoản 5 Điều 44, khoản 4 Điều 46, khoản 2 Điều 65, điểm c khoản 3 Điều 139 để bãi bỏ: Yêu cầu doanh nghiệp phải đăng ký mẫu dấu trước khi sử dụng; chế độ báo cáo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp; chế độ gửi thông tin cho cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính khi thành lập chi nhánh, đặt địa điểm kinh doanh mới; yêu cầu giám đốc, tổng giám đốc phải có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh...