Grab đề xuất gắn đèn led phân biệt “taxi công nghệ” và “taxi truyền thống”

Minh Vân 21/02/2019 18:05

Grab vừa báo cáo lên Thủ tướng liên quan đến dự thảo sửa đổi Nghị định 86 (lần thứ 7) của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), đề xuất phân loại taxi công nghệ và taxi truyền thống.

Có thể bạn quan tâm

  • Dự thảo lần 6 Nghị định 86: Taxi công nghệ vẫn phải “gắn mào”

    06:25, 16/10/2018

  • Dự thảo sửa đổi Nghị định 86: Trói buộc các doanh nghiệp vận tải

    06:52, 15/09/2018

  • 3 “nút thắt” cần được gỡ từ Nghị định 86

    09:47, 06/04/2018

Tại dự thảo lần thứ 7 Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô (thay thế Nghị định 86/2014) trình Chính phủ, Bộ GTVT đề xuất sẽ quản lý xe chở khách dưới 9 chỗ có ứng dụng phần mềm như Grab, Fast Go, Be… giống với taxi truyền thống (về phạm vi hoạt động chủ yếu trong đô thị, đối tượng khách hàng, phương thức gọi xe…).

Về đề xuất này, Grab kiến nghị các phương tiện được kết nối qua dịch vụ GrabCar là các xe hợp đồng dưới 9 chỗ, cả phương tiện và lái xe phải tuân thủ tất cả các quy định pháp luật hiện hành. Đồng thời, nên phân loại phương tiện ô tô sử dụng dịch vụ kết nối vận tải là taxi, nhưng có sự phân biệt giữa taxi kết nối qua ứng dụng trực tuyến (taxi công nghệ) và taxi sử dụng đồng hồ tính tiền meter (taxi truyền thống).

Grab đề xuất gắn đèn LED trong xe để nhận biết thay vì hộp đèn.

Grab đề xuất gắn đèn LED trong xe để nhận biết thay vì hộp đèn.

Grab nhấn mạnh cần phải có sự phân biệt trong quy định giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống.

Cụ thể, xe taxi truyền thống có thể đón khách vẫy trên đường, nên cần phải có những tính năng dễ nhận biết như hộp đèn và màu sơn xe logo đặc trưng. Còn taxi công nghệ không cần đồng hồ tính tiền (taxi meter) và niêm yết bảng giá cước, không cần sơn logo và hộp đèn taxi gắn cố định trên nóc.

Thay vào đó, có thể yêu cầu taxi công nghệ lắp đặt bảng đèn LED gắn trong xe, ngay phía sau kính chắn gió. Các bảng đèn LED này phải được bật khi xe đang kinh doanh và có thể tắt đi khi xe không phục vụ; không được đón khách vãng lai trên đường mà không thông qua dịch vụ kết nối vận tải.

Tại dự thảo lần thứ 7 Nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô  được Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ, cơ quan này đề xuất sẽ quản lý xe chở khách dưới 9 chỗ có ứng dụng phần mềm như Grab, Fast Go, Be... giống với taxi truyền thống.

Phía Bộ Giao thông Vận tải cho biết, hiện vẫn có hai luồng quan điểm khác nhau về việc quản lý ôtô dưới 9 bằng hợp đồng điện tử là xe hợp đồng hay taxi.

Bộ Giao thông Vận tải vẫn chọn phương án quản lý taxi công nghệ như taxi truyền thống bởi quá trình thí điểm cho thấy, phương thức hoạt động của xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ tương đối giống với taxi (về phạm vi hoạt động chủ yếu trong đô thị, đối tượng khách hàng, phương thức gọi xe...).

Thừa nhận việc quy định là taxi có hạn chế nhất định, tuy nhiên theo Bộ Giao thông Vận tải việc này sẽ đáp ứng được việc không triệt tiêu ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động vận tải theo chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện cho quản lý và không ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân.

Với những phân tích ưu nhược điểm này, phía Bộ Giao thông Vận tải đánh giá, việc lựa chọn phương án trên nhằm hướng đến công bằng, bình đẳng hơn trong điều kiện kinh doanh vận tải và giải quyết vấn đề các Hiệp hội taxi kiến nghị suốt thời gian qua.

Ngoài ra, trong Dự thảo này, Bộ Giao thông Vận tải cũng “cởi trói” nhiều điều kiện cho doanh nghiệp taxi nhằm đơn giản thủ tục cho các hãng.

Theo đó, doanh nghiệp taxi không cần đăng ký màu sơn với cơ quan chức năng; không quy định về đồng phục lái xe; không quy định về quy mô đơn vị kinh doanh vận tải (trước quy định tối thiểu 50 xe), niên hạn sử dụng của taxi có sức chứa dưới 9 chỗ (kể cả người lái) từ 8 năm (theo dự thảo cũ) lên thành 12 năm; bỏ quy hoạch số lượng xe theo địa phương mà để thị trường tự quyết định, không bắt buộc các doanh nghiệp phải có trung tâm điều hành...

Minh Vân