Kinh tế ngầm trước nỗi lo “câu kết”

Trường Phước 22/02/2019 11:15

Từ đầu năm 2018, trong Hội nghị tổng kết của Bộ KH&ĐT, Thủ tướng đã đề cập và cho rằng: cần tính toán khu vực kinh tế ngầm, hay còn gọi là kinh tế phi chính thức... vào GDP.

Đến tháng 5/2018, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát. Đề án này nhằm thu thập đầy đủ thông tin của các hoạt động kinh tế thực tế đang diễn ra và ảnh hưởng đến quy mô nền kinh tế nhưng chưa được đo lường và tính toán đầy đủ trong GDP.

p/Một tác hại của kinh tế ngầm là gây thất thu thuế rất lớn

Một tác hại của kinh tế ngầm là gây thất thu thuế rất lớn

Việc thống kê kinh tế ngầm là rất khó!

Đề án này đã làm rõ các thành tố của khu vực kinh tế chưa được quan sát. Trong đó có các loại như hoạt động kinh tế ngầm; hoạt động kinh tế phi pháp; hoạt động kinh tế phi chính thức chưa được quan sát; hoạt động kinh tế hộ gia đình tự sản tự tiêu; hoạt động kinh tế bị bỏ sót do chương trình thu thập dữ liệu cơ bản. Dễ thấy, trong năm thành tố được cho là thuộc khu vực kinh tế chưa được quan sát nói trên, thì kinh tế ngầm và kinh tế phi pháp có lẽ là mấu chốt. Còn các thành tố khác hoàn toàn có thể “quan sát” được nếu công tác thống kê, thuế vụ… được triển khai nghiêm minh và chỉnh chu, khoa học.

Bởi lẽ rằng: những hoạt động kinh tế ngầm thật ra lại là những hoạt động kinh tế hợp pháp nhưng bị “phi pháp hóa” nhằm tránh phải nộp thuế hay đóng bảo hiểm xã hội, tránh việc thực hiện các quy định của nhà nước về lương, giờ làm việc, bảo đảm sức khỏe cho người lao động hay chế độ báo cáo tài chính, thống kê. Những hoạt động kinh tế ngầm dạng này không phải không có cách “trị”, nhưng dường như người ta sẽ thấy vai trò của sự “câu kết” giữa những người thực thi pháp luật và các chủ thể hoạt động kinh tế. Còn những hoạt động kinh tế phi pháp, chẳng hạn như buôn bán ma túy, buôn bán người, sản xuất, buôn bán hàng cấm hay các hoạt động nằm trong 6 ngành nghề bị cấm… lại ít nhiều cũng tùy thuộc vào sự “câu kết” nói trên.

Cũng bởi vậy mà ngay ông Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Bích Lâm, dù đã trình Thủ tướng đề án rất có tham vọng trên cũng thừa nhận rằng việc thống kê kinh tế ngầm và kinh tế phi pháp là rất khó khăn.

Giải pháp ngăn chặn kinh tế ngầm?

Mới đây, Thủ tướng mong muốn IMF hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong việc rà soát, đánh giá, cập nhật thông tin, thống kê về khu vực kinh tế chưa được quan sát. Đây có thể nói là một ý tưởng “xuyên suốt” của Thủ tướng khi từ lâu ông cho rằng, khu vực kinh tế chưa quan sát được chiếm tỉ lệ khá lớn trong cơ cấu GDP. Và nếu tính toán được khu vực kinh tế chưa được quan sát này thì tốc độ tăng trưởng GDP và quy mô nền kinh tế không dừng lại ở mức hơn 7% và 250 tỷ USD như hiện nay.

Ở một góc độ khác, tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2018, nhiều đại biểu đã đề cập đến khu vực kinh tế phi chính thức hay chưa được quan sát. Mới đây, trong văn bản trả lời Đại biểu Đỗ Đức Hà (Hà Nội) do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ký, Phó thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng đề án chống thất thu thuế khu vực kinh tế ngoài Nhà nước, nhất là khu vực kinh tế phi chính thức.

Đương nhiên, việc tính toán đầy đủ khu vực kinh tế chưa được quan sát hay các biện pháp chống thất thu khu vực kinh tế phi chính thức là một tham vọng lớn. Nếu làm được điều này, thì bức tranh chân thực hơn về hiện trạng nền kinh tế sẽ được phác họa. Các chính sách điều hành của Chính phủ cũng vì thế mà phù hợp với thực tế hơn.

Có thể bạn quan tâm

  • Nhận dạng “kinh tế ngầm”

    Nhận dạng “kinh tế ngầm”

    05:34, 13/01/2018

  • Cách nào quản lý kinh tế phi chính thức?

    Cách nào quản lý kinh tế phi chính thức?

    06:48, 16/11/2018

Tuy vậy, vấn đề dường như không chỉ nằm ở việc nỗ lực tính toán khu vực kinh tế phi chính thức. Bởi nếu căn cứ vào năm thành tố của khu vực kinh tế chưa được quan sát mà TCTK trình Thủ tướng, có thể thấy đó là hệ quả của một thể chế kinh tế chưa minh bạch và nghiêm minh trong thực thi pháp luật. Thực tế cho thấy chỉ khi có những cuộc thanh tra, kiểm toán… thì các vấn đề của kinh tế ngầm, kinh tế phi chính thức… tại các chủ thể kinh tế chính thức mới được lộ ra.

Bởi vậy, xét cho đến cùng, chỉ khi nào cơ chế, chính sách pháp luật được hoàn thiện và triển khai, tuân thủ nghiêm minh thì các hoạt động phi pháp, hoạt động ngầm trong kinh tế mới được ngăn chặn.

Trường Phước