Quy tắc xuất xứ trong CPTPP có gì khác biệt so với FTA thế hệ mới

Minh Vân 07/03/2019 06:30

Để tận dụng tối đa lợi ích CPTPP, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu để nắm rõ và tuân thủ chặt chẽ những quy định liên quan tới xuất xứ hàng hoá của ngành hàng mình.

Có thể bạn quan tâm

  • Thái Lan sẽ công bố chính thức kế hoạch gia nhập CPTPP vào tháng 3

    06:16, 04/03/2019

  • Doanh nghiệp xuất khẩu sang CPTPP cần lưu ý tiêu chuẩn xuất xứ hàng hóa từ 8/3/2019

    00:15, 01/03/2019

  • Quy tắc xuất xứ trong CPTPP khác FTA trước đây thế nào?

    06:16, 28/02/2019

Quy tắc xuất xứ hàng hóa-chìa khóa để doanh nghiệp tận dụng ưu đãi thuế quan

Ngày 8/3, quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP chính thức được áp dụng tại Việt Nam.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, so với các FTA Việt Nam thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết và tham gia, quy tắc xuất xứ hàng hóa CPTPP có một số điểm mới gồm: Quy tắc xuất xứ bộ hàng hóa; quy tắc xuất xứ hàng tân trang, hàng tái chế tạo; công thức tính RVC (hàm lượng giá trị khu vực của hàng hóa): Ngoài công thức tính RVC gián tiếp và RVC trực tiếp, có thêm công thức tính RVC theo trị giá tập trung và công thức tính RVC theo chi phí tịnh (chỉ áp dụng với ô tô và phụ tùng ô tô).

Bên cạnh đó, danh mục quy tắc xuất xứ đối với sản phẩm cụ thể (PSR) được quy định chi tiết theo công đoạn sản xuất cụ thể. CPTPP cũng đưa ra quy định “De Minimis”- đây là điều khoản quy định tỷ lệ “linh hoạt” cho phép nguyên liệu không có xuất xứ không đáp ứng quy tắc “chuyển đổi mã số hàng hóa” ở mức tối đa 10% so với trị giá của hàng hóa. Riêng mặt hàng dệt may có quy định “De Minimis” khác.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, với CPTTP ngành chịu sự tác động nhiều nhất đó là dệt, may, da giầy, thủy sản… Để có thể được tận hưởng các ưu đãi thuế quan trong CPTPP, các doanh nghiệp Việt phải đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ.

Để có thể được tận hưởng các ưu đãi thuế quan trong CPTPP, các doanh nghiệp Việt phải đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ.

Mặt khác, mẫu C/O mẫu CPTPP cấp cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bao gồm các thông tin tối thiểu theo quy định tại Hiệp định CPTPP.

Về cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hàng xuất khẩu từ Việt Nam áp dụng cơ chế C/O do cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp. Thời gian chuyển tiếp thực hiện cơ chế nhà xuất khẩu đủ điều kiện tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa từ 5 đến 10 năm theo hướng dẫn của Bộ Công Thương. Cơ chế nhà nhập khẩu Việt Nam tự chứng nhận xuất xứ thực hiện sau 5 năm kể từ ngày CPTPP có hiệu lực.

Về vấn đề này, bà Bùi Kim Thùy - Phó Trưởng phòng xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, cách duy nhất để được hưởng mức ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) là hàng hóa bắt buộc phải đáp ứng quy tắc xuất xứ được thiết kế riêng cho FTA đó. Quy tắc xuất xứ đã, đang và sẽ luôn là vấn đề then chốt, cốt lõi của bất kỳ một Hiệp định/ Thỏa thuận Thương mại tự trong đó có TPP. Chỉ khi áp dụng đúng, chính xác quy tắc xuất xứ ưu đãi thì nhà sản xuất, xuất khẩu mới có được C/O (hoặc Tự chứng nhận xuất xứ) ưu đãi để được hưởng thuế quan ưu đãi khi xuất khẩu tới các nước thành viên trong CPTPP.

Nhưng còn nhiều thách thức

Hiệp định CPTPP dành một chương cho ngành dệt may và quy định khá khắt khe. Trong khi các Hiệp định khác chỉ cần chứng minh 1 - 2 công đoạn có xuất xứ, thì Hiệp định CPTPP yêu cầu 3 công đoạn của ngành dệt may là sợi, vải và cắt may đều phải có xuất xứ từ 10 nước trong nội khối. Tuy nhiên, vẫn có những quy định linh hoạt khác cho sản phẩm dệt may không đáp ứng được tiêu chí xuất xứ.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, CPTPP sẽ mang đến cho các doanh nghiệp Việt Nam cơ hội mở rộng thị trường sang Mexico, Peru và Canada nhưng doanh nghiệp dệt may vẫn còn gặp nhiều thách thức.

“Quy định xuất xứ từ sợi của CPTPP đã đánh đúng vào điểm nghẽn của ngành. Với lợi thế ưu đãi thuế quên của CPTPP, các đối thủ cạnh tranh sẽ hỗ trợ công nghiệp dệt may của họ. Một số nước xuất khẩu dệt may mới nổi như Campuchia, Myanmar, Lào cũng được hưởng thuế 0% từ EU. Vì vậy, nhiều nước sẽ sử dụng cơ chế phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất nội địa”, ông Cẩm nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Sơn, Phó chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, cũng dẫn chứng Việt Nam phải nhập tới 12,8 tỉ USD vải, trong khi mấu chốt của vải là vấn đề in, nhuộm... Nhưng nhiều tỉnh nói không với dệt nhuộm do lo ngại môi trường. 

Vì vậy, để tận dụng lợi thế của CPTPP, ông Cẩm cho rằng đầu tiên, các doanh nghiệp phải hiểu về CPTPP, nắm kỹ thông tin về ngành dệt may, từ đó, biết chúng ta là ai, có thế mạnh gì và thị trường trong CPTPP có đặc điểm gì để đánh đúng thị trường.

Muốn giải quyết được điểm nghẽn, các doanh nghiệp mạnh phải liên kết với nhau, cần xây dựng chuỗi liên kết doanh nghiệp, nhất là trong nước và đầu tư nước ngoài. Liên quan đến vấn đề lao động, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh vấn đề đào tạo. Hiệp hội Dệt may cũng liên kết với nhiều nước mở lớp đào tạo.

Minh Vân