Mở cửa thị trường mua sắm Chính phủ theo CPTPP: Sân chơi mới đầy tiềm năng và thách thức
Với CPTPP, lần đầu tiên Việt Nam mở cửa thị trường mua sắm Chính phủ, hoạt động lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu theo cam kết của Việt Nam trong CPTPP sẽ thực hiện theo quy định của Hiệp định.
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức có hiệu lực với Việt Nam kể từ ngày 14/1/2019.
Có thể bạn quan tâm
Quy tắc xuất xứ hàng hóa: Chìa khóa để doanh nghiệp hưởng lợi trong CPTPP
06:36, 08/03/2019
Quy tắc xuất xứ trong CPTPP có gì khác biệt so với FTA thế hệ mới
06:30, 07/03/2019
Ngành công nghiệp chế biến gỗ (kỳ V): Thách thức nguyên liệu trong CPTPP và VPA/FLEG
11:10, 08/03/2019
“Mở cửa” 21 cơ quan trung ương, 38 đơn vị sự nghiệp
Cũng như Luật Đấu thầu, Chương Mua sắm chính phủ (MSCP) của CPTPP đưa ra các quy tắc, quy trình trong quá trình lựa chọn nhà thầu, tuy nhiên yêu cầu ở mức độ cao về tính công bằng, công khai, minh bạch. Các nội dung chính của Chương MSCP bao gồm: Không phân biệt đối xử; không sử dụng các biện pháp ưu đãi hàng hóa hoặc nhà thầu trong nước; và Biểu cam kết mở cửa thị trường MSCP quyết định phạm vi mở cửa của từng nước (Bản chào).
Tại chương này, Việt Nam cam kết mở cửa và thực hiện theo các đối tượng. Cụ thể, đó là các chủ đầu tư/bên mời thầu được liệt kê trong Bản chào, bao gồm 21 cơ quan cấp trung ương, không cam kết với các cơ quan thuộc Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Đối với Bộ Giao thông vận tải và Bộ Quốc phòng, Việt Nam chỉ cam kết mở cửa các gói mua sắm một số loại hàng hóa, dịch vụ nhất định. Việt Nam cũng cam kết mở cửa đấu thầu của 38 đơn vị sự nghiệp, bao gồm các bệnh viện thuộc Bộ Y tế, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học tự nhiên, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Thông tấn xã Việt Nam.
Ngưỡng mở cửa của gói thầu được quy định riêng cho từng chủ đầu tư, bao gồm ngưỡng cho gói thầu mua sắm hàng hóa và dịch vụ nói chung, và ngưỡng cho mua sắm dịch vụ xây dựng. Đối với 34 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, ngưỡng mở cửa gói thầu hàng hóa được áp dụng đối với gói thầu mua thuốc cho từng bệnh viện có thời gian thực hiện hợp đồng từ 1 năm trở lên, hoặc gói thầu mua thuốc tập trung do Bộ Y tế thay mặt các bệnh viện tổ chức lựa chọn nhà thầu. Trường hợp gói thầu mua thuốc của bệnh viện có thời gian thực hiện hợp đồng dưới 1 năm, ngưỡng mở cửa đối với gói thầu là 500.000 SDR (quyền rút vốn đặc biệt). Trường hợp gói thầu chỉ bao gồm một loại thuốc duy nhất, ngưỡng mở cửa là 180.000 SDR.
Đặc biệt, trong cam kết tham gia CPTPP, Việt Nam có lộ trình thực hiện mở cửa thị trường MSCP. Đây là lộ trình để các nhà thầu có thời gian tìm hiểu, chuẩn bị năng lực tốt hơn trong quá trình tham gia đấu thầu nội khối.
Sân chơi mới đầy tiềm năng và thách thức
Theo các chuyên gia kinh tế, CPTPP mở ra cơ hội tốt đối với Việt Nam cũng như các bên tham gia mua sắm. Hiệp định sẽ thúc đẩy thị trường mua sắm chính phủ nước ta phát triển, hòa nhịp cùng với khu vực và thế giới.
Mặc dù vậy, cam kết về MSCP trong CPTPP cũng sẽ tạo ra thách thức lớn đối với cả Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, nhà thầu Việt về chính sách, môi trường, năng lực...
“CPTPP cho phép các nước đang phát triển được phép áp dụng một số biện pháp trong thời kỳ chuyển đổi. Ví dụ như, trong vòng 5 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ không chịu sự điều chỉnh của cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan tới các nghĩa vụ của mình theo Chương MSCP”, Vụ Chính sách thương mại đa biên cho hay.
Về vấn đề này, ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VinaSME) nhận định, CPTPP giúp các nhà thầu Việt Nam có cơ hội lớn để tham gia và thắng thầu tại các gói thầu, dự án của tất cả các nước thành viên nội khối. Đồng thời sẽ tạo nên một động lực mạnh mẽ thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp Việt nâng cao sức cạnh tranh của mình.
Song ông Nam cũng lo ngại, hiện nước ta không có nhiều doanh nghiệp, nhà thầu có đủ năng lực để có thể cạnh tranh được với các nhà thầu “khổng lồ” trong nội khối. Các nhà thầu nước ta chủ yếu có quy mô nhỏ với năng lực cạnh tranh hạn chế.
“Thực tế đó đòi hỏi doanh nghiệp, nhà thầu Việt cần phải tận dụng hiệu quả khoảng thời gian “chờ” để nhanh chóng lớn mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc thay đổi tư duy theo hướng đầu tư, kinh doanh bền vững, làm ăn uy tín hơn, đổi mới về quản trị, công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…”, ông Nam nhấn mạnh.