Chủ tàu vỏ thép đứng trước nguy cơ mất nhà

Tâm Đan 10/03/2019 12:15

Ngoài tiền nợ ngân hàng BIDV, ông Lòng cùng con trai cắm sổ đỏ ngôi nhà đang ở tại ngân hàng vay 500 triệu đồng để đóng tiền đối ứng và mua sắm ngư lưới cụ ra khơi.

Với ước vọng ra khơi bám biển mang lại cuộc sống ấm no, ông Nguyễn Văn Lòng (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) mạnh dạn vay vốn theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính Phủ, thế nhưng ra khơi chuyến nào lỗ chuyến ấy khiến gia đình ông bấm bụng neo tàu cả năm, nợ nần hàng chục tỷ đồng.

p/Phải neo tàu cả năm, ông Nguyễn Văn Lòng lâm cảnh nợ chồng nợ

Phải neo tàu cả năm, ông Nguyễn Văn Lòng lâm cảnh nợ chồng nợ

Theo phản ánh của ông Nguyễn Văn Lòng, trú tại thôn Hoa Thành, xã Thạch Kim về việc con tàu vỏ thép mang tên Thành Đạt 08 của ông nằm bờ gần một năm qua nhưng đến nay vẫn chưa thể tìm được phương án giải quyết đống nợ ngân hàng.

Cứ ra khơi là lỗ

Ông Lòng cho biết: “Sau khi được tiếp cận nguồn vốn vay từ Nghị định 67 của Chính phủ, tôi là một trong 2 ngư dân của huyện Lộc Hà tiên phong vay vốn ngân hàng BIDV đóng tàu vỏ thép. Đầu năm 2017, con tàu chính thức hạ thủy trong sự kỳ vọng sẽ ngày càng “ăn nên làm ra”. Thế nhưng, liên tiếp những chuyến ra khơi cao nhất là hòa vốn, số còn lại là thua lỗ. Số tiền thua lỗ ngày một tăng lên theo những chuyến ra khơi, tôi đành bấm bụng đưa tàu về nằm bờ”.

Theo ông Lòng, năm đầu tiên tàu của ông ra khơi khoảng 20 chuyến, tính ra thua lỗ hơn 600 triệu đồng. Đến năm 2018, ông tiếp tục đi thêm vài chuyến nhưng vẫn không đủ trang trải chi phí. Đến 4/2018, ông đưa tàu về nằm bờ đến tận bây giờ.

Ban đầu tàu của ông đăng ký nghề câu khơi nhưng một thời gian thấy không hiệu quả ông chuyển sang nghề kéo dạ. Tuy nhiên, do tàu lớn chi phí cao, hơn nữa việc khai thác thủy sản bằng hình thức giã cào, nổ mìn khiến sản lượng cá ngày càng giảm, tàu liên tục lâm cảnh thua lỗ, bất đắc dĩ ông phải đưa tàu về nằm bờ đến nay đã gần 1 năm.

Theo Nghị định 67, lãi suất vay vốn để đóng tàu vỏ thép là 7%; trong đó, ngư dân được Nhà nước hỗ trợ 6%. Trong trường hợp chủ tàu không tuân thủ trả nợ theo quy định thì ngân hàng sẽ chấm dứt việc hỗ trợ lãi suất. Tuy nhiên, việc thực hiện trả nợ được các chủ tàu thực hiện trong năm đầu tiên, còn đến nay ngân hàng đang đau đầu vì phải đối mặt với một khoản nợ xấu.

Nợ chồng nợ…

Tàu vỏ thép của ông Nguyễn Văn Lòng có tổng mức đầu tư là 13,5 tỷ đồng, trong đó ngân hàng BIDV cho vay 95%, còn 5% là vốn đối ứng của chủ tàu. Theo cam kết, mỗi tháng ông phải trả lãi khoảng 13 triệu đồng, mỗi năm trả thêm 1 tỷ đồng tiền gốc. Tuy nhiên, tàu neo bờ cả năm trời, ông không có khoản tiền nào để trả lãi.

Ngoài tiền nợ ngân hàng BIDV, ông Lòng cùng con trai cắm sổ đỏ ngôi nhà đang ở tại ngân hàng vay 500 triệu đồng để đóng tiền đối ứng và mua sắm ngư lưới cụ ra khơi.

Ông lo lắng: “Trả lãi chậm sẽ bị cắt nguồn hỗ trợ của nhà nước và chủ tàu phải đóng 7% lãi suất, tương đương với khoảng 100 triệu đồng. Cứ thế, nợ chồng nợ. Ngôi nhà này giờ là của ngân hàng rồi. Tàu thì cứ thua lỗ nên chẳng dám đi, giờ tôi cũng hết cách. Nguyện vọng của tôi là chuyển đổi ngành nghề nhưng vốn quá lớn mà tôi lại không thể tiếp cận được nguồn vay nào”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Minh Tân, Chủ tịch UBND xã Thạch Kim cho biết: “Đối với chủ tàu Nguyễn Văn Lòng, địa phương đã nhiều lần mời ông lên làm việc nhưng cũng rất khó để tháo gỡ. Muốn tàu hoạt động hiệu quả phải chuyển đồi nghề, thay đổi kết cấu tàu nhưng chi phí rất cao, hiện tại gia đình ông Nguyễn Văn Lòng không đủ khả năng tài chính để thực hiện”.

Tâm Đan