Đề xuất giảm giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô nội: Không khả thi

Minh Vân 24/03/2019 11:12

Các chuyên gia cho rằng, nếu đề xuất giảm giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô nội được thực thi sẽ tạo ra sân chơi không bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Bộ Tài chính vừa có văn bản số 655/BTC-CST gửi Thủ tướng về việc tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Chính phủ về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 108/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật thuế tiêu thụ đặc biệt và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thuế tiêu thụ đặc biệt. 

Tại văn bản này, Bộ Tài chính đề cập tới đề xuất sửa Luật thuế theo hướng “Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô dưới 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước”.

Có thể bạn quan tâm

  • Giá ô tô sẽ giảm khi thuế tiêu thụ đặc biệt giảm?

    10:04, 12/03/2019

  • Đầu tư cho điện mặt trời sẽ không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

    02:36, 28/02/2019

  • Đề xuất giảm giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt với linh kiện phụ tùng ô tô nội

    02:18, 16/02/2019

Không tuân thủ những cam kết của Việt Nam với WTO

Theo Bộ Tài Chính nội dung quy định về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với hàng hóa sản xuất trong nước được quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Luật số 106/2016/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế.

Theo đó, Khoản 1 Điều 6 Luật thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Đối với hàng hoá sản xuất trong nước, hàng hoá nhập khẩu là giá do cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu bán ra …”.

Như vậy, căn cứ theo quy định trên, giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa sản xuất trong nước thuộc diện chịu thuế TTĐB (trong đó có ô tô) là giá do cơ sở sản xuất bán ra. Do vậy, trường hợp sửa đổi quy định giá tính thuế TTĐB ô tô theo hướng không tính thuế TTĐB đối với linh kiện phụ tùng tạo ra trong nước thì phải sửa quy định tại Khoản 1 Điều 6 Luật thuế TTĐB.

Bộ Tài chính cho rằng một số nước cũng áp dụng quy định cho trừ giá trị linh kiện nhập khẩu hoặc ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất trong nước trong một thời gian ngắn 3-5 năm.

Bộ Tài chính cho rằng một số nước cũng áp dụng quy định cho trừ giá trị linh kiện nhập khẩu hoặc ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất trong nước trong một thời gian ngắn 3-5 năm.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW khẳng định sự thay đổi này sẽ tạo ra một sân chơi không bình đẳng đối với các nhà sản xuất ô tô nói chung.

"Tôi hiểu rằng, việc xác định giá tính thuế như trên sẽ khuyến khích sản xuất lắp ráp, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa ô tô trong nước.

Tuy nhiên, theo Quy tắc đối xử quốc gia nêu tại Điều III Hiệp định GATT của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các bên ký kết thừa nhận rằng các khoản thuế và khoản thu nội địa, cũng như luật, hay các quy tắc yêu cầu tác động tới việc bán hàng, chào bán, vận tải, phân phối hay sử dụng sản phẩm nội địa,... không được áp dụng với sản phẩm nội địa hoặc nhập khẩu với kết cục là bảo hộ hàng nội địa.

Do đó, sự thay đổi này sẽ tạo ra một sân chơi không bình đẳng đối với các nhà sản xuất ô tô nói chung và không tuân thủ những cam kết của Việt Nam với WTO”, ông Hà nói.

Nhà nước cần khuyến khích các nhà sản xuất ô tô

Ở góc nhìn chuyên gia, ông Ngô Trí Long khẳng định: “Chiến lược phát triển ô tô nội địa đã đặt mục tiêu với tỷ lệ nội địa hoá rất lớn từ giai đoạn 2002 đến 2014 nhưng không có khả năng thực hiện được. Bởi nếu muốn nội địa hoá thì dung lượng thì trường phải lớn thì các nhà sản xuất mới đảm bảo có lãi. Trong bối cảnh như vậy, thì nhà nước cần khuyến khích các nhà sản xuất ô tô”.

“Vì vậy, nếu giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần linh kiện sản xuất trong nước thì sẽ có lợi cho các nhà sản xuất với quy mô lớn. Tuy nhiên, điều này sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các nhà sản xuất lớn và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì vậy, cần phải hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng tham gia”, ông Long cho biết.

Về lo ngại cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới sẽ vi phạm các quy tắc đối xử quốc gia nêu tại Điều III Hiệp định GATT của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ông Long cho rằng: "Với mỗi Hiệp định thương mại, từng điều khoản đều có lộ trình thực hiện, vậy làm sao để cố gắng vượt qua lộ trình đó thì có thể tiến hành và áp dụng với các doanh nghiệp".

Tương tự, ông Luật sư Hà cũng nêu quan điểm cho rằng các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu quy định trên để không vi phạm nguyên tắc không phân biệt đối xử WTO và các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, nhất là những Hiệp định có hiệu lực liên quan đến lĩnh vực ô tô.

Minh Vân