Nghịch lý quy định xử lý nước thải (Kỳ III): “Dấu chấm hết” cho 12 doanh nghiệp chế biến mủ cao su tại Bình Phước
Cánh cửa đã chính thức khép lại, số phận của 12 doanh nghiệp, hàng trăm hecta cao su và hàng nghìn công nhân nhà máy sẽ đi đâu về đâu khi chính quyền tuyên bố “cạn lý, cạn tình”?
Như DĐDN đã thông tin, 12 doanh nghiệp chế biến cao su trên địa bàn tỉnh Bình Phước đồng loạt làm đơn ký tên và gửi cho các cơ quan ban ngành tỉnh Bình Phước, Hiệp hội cao su Việt Nam, Hiệp hội DNNVV… “Đề nghị xem xét chấp thuận cho các doanh nghiệp được xả nước thải chế biến mủ cao su thiên nhiên theo đúng quy chuẩn Việt Nam (QCVN), theo Luật Doanh nghiệp…", trong khi theo quy định các doanh nghiệp này hiển nhiên được áp dụng là điều hết sức khó hiểu.
“Dấu chấm hết…”?
Liên quan đến những bất cập nêu trên, ông Trương Văn Hạnh – Giám đốc Cty cao su Quốc Việt, cho rằng: Theo quy chuẩn nước thải - QCVN 01-MT: 2015/BTNMT, ngày 31/12/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sơ chế cao su thiên nhiên thì nước thải sơ chế cao su khi xả ra không dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt sẽ áp dụng cho cột B (quy định này doanh nghiệp hiển nhiên được áp dụng).
Tuy nhiên, Tỉnh ủy Bình Phước lại ra Nghị quyết số 04-NQ/TU quy định: Các cơ sở chế biến cao su phải có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo cột A. Trên cơ sở đó, tại công văn số 1495/STNMT-VP, ngày 07/07/2017, Sở TN&MT tỉnh Bình Phước yêu cầu các doanh nghiệp phải hoàn thành việc nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý nước thải đạt cột A đến hết ngày 31/12/2018 là diều hết sức vô lý – ông Hạnh nói.
Cũng theo ông Hạnh, trước những bức xúc trên, 12 doanh nghiệp đã làm đơn kiến nghị đề nghị UBND tỉnh Bình Phước cho các doanh nghiệp được thực theo đúng quy định của pháp luật là QCVN là cột B. Tuy nhiên, các cơ quan ban ngành của tỉnh Bình Phước lại từ chối việc này là điều hết sức khó hiểu, cụ thể: Sau khi Sở TN&MT mời các sở ngành tham gia gặp gỡ 12 doanh nghiệp để lấy ý kiến và trên cơ sở đó đề xuất với UBND tỉnh để quyết định. Thế nhưng, sau khi lấy ý kiến của các doanh nghiệp, ngày 29/3/2019, Sở TN&MT lại ra Văn bản số 616/STNMT-CCBVMT đề xuất với UBND tỉnh Bình Phước, vẫn giữ nguyên quan điểm và buộc các doanh nghiệp phải theo đúng cột A, theo đúng tinh thầng Nghị quyết 04/NQ-TU. Trường hợp “các doanh nghiệp cố tình không thực hiện buộc phải đóng cửa nhà máy”.
"Sự cứng nhắc của chính quyền địa phương buộc các doanh nghiệp phải thực hiện theo nghị quyết trên là hết sức phi lý, vi phạm Luật Doanh nghiệp 2014, trong đó có nội dung: Doanh nghiệp được lựa chọn những phương án nào có lợi nhất, được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm” – ông Hạnh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm trên, ông Võ Quang Thuận – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tỉnh Bình Phước, Giám đốc Công ty cao su Thuận Lợi cho rằng: Trên thực tế hầu như tất cả các doanh chế biến mủ cao su thiên nhiên đều đã đạt ở cột B, và thể hiện qua việc các doanh nghiệp đã được cấp ĐTM (đánh giá tác động môi trường), do chính UBND tỉnh Bình Phước cấp từ thời điểm trước khi đầu tư sản xuất kinh doanh. Thế nhưng, năm 2017, Tỉnh ủy lại bắt các doanh nghiệp buộc phải thực hiện theo nghị quyết 04 là điều hết khó hiểu.
Điều đáng nói là trước khi nghị quyết 04 ra đời, “không có một tổ chức chuyên môn nào tham mưu, đánh giá, đề xuất…”, là buộc các doanh nghiệp phải nâng chuẩn lên cột A. Thế nhưng sau khi nghị quyết 04 này ra đời đã chạy một mạch và đi thẳng vào cuộc sống khiến nhiều doanh nghiệp phải lao đao, suốt ngày phải lo cho việc nâng chuẩn để đáp ứng cho một điều kiện như là “giấy phép con” là khó chấp nhận.
Theo ông Thuận, một điều kiện bất chấp tất cả các quy định đã ban hành mà cụ thể là QCVN 01-MT: 2015/BTNMT, “là một quy chuẩn quốc gia nhằm áp dụng cho toàn quốc nhưng lại dưới “chướng” một Nghị quyết tự phát của địa phương, chưa kể nghị quyết này còn có khả năng còn vượt lên trên cả Luật Doanh nghiệp 2014 được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2014 và có hiệu lực từ năm 2015, trong đó có quy định về việc “doanh nghiệp được làm những gì mà pháp luật không cấm” – ông Thuận bức xúc.
Buộc phải đóng cửa...?
Trao đổi với DĐDN về sự việc nêu trên, ông Lê Hoành Lâm – Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Phước, cho biết: Ngày 26/12/2018 tại văn bản số 2797/VPUBND –KT của UBND tỉnh Bình Phước giao Sở TN&MT tham mưu giải quyết kiến nghị của các doanh nghiệp chế biến mủ cao su. Và sau khi nhận được văn bản trên, ngày 15/01/2019, Sở TN&MT đã tổ chức cuộc họp để nghe ý kiến đề xuất, kiến nghị giữa đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp với đại diện các sở ban ngành của tỉnh. Thông qua buổi họp, các doanh nghiệp kiến nghị được áp dụng loại B của QCVN- 01-MT:2015/BTNMT- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sơ chế cao su thiên nhiên. Dựa trên kiến nghị của 12 doanh nghiệp, Sở TN&MT đã tiến hành khảo sát thực tế hiện trạng các công trình xử lý nước thải của các nhà máy. Qua khảo sát, Sở TN&MT nhận thấy hầu hết các doanh nghiệp đã có ý thức nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý nước thải theo yêu cầu của Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31/3/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cương bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bình Phước – ông Lâm nói.
Cũng theo ông Lâm, theo hồ sơ đánh giá tác động môi trường đã phê duyệt của 12 doanh nghiệp, có 6 doanh nghiệp được phép xả thải loại B; 6 doanh nghiệp được phép xả thải loại A theo quy chuẩn hiện hành. Và sau khi rà soát thì 12 doanh nghiệp đều được phê duyệt đánh giá tác động môi trường “trước khi Nghị quyết 04-NQ/TU ban hành”. Do đó, Sở TN&MT kiến nghị UBND tỉnh xem xét trình Tỉnh ủy cho ý kiến chỉ đạo đối với 12 doanh nghiệp theo hướng:
Đối với 6 doanh nghiệp xả thải loại A: “Buộc phải cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải theo QCVN hiện hành để đáp ứng yêu cầu Nghị quyết 04-NQ/TU đã ban hành”.
Đối với 6 doanh nghiệp được phép xả thải loại B: “Tiếp tục cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải đảm bảo đạt loại A theo QCVN hiện hành đến ngày 30/09/2019. Trong thời gian này, các doanh nghiệp chỉ được phép áp dụng QCVN- 01-MT:2015/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sơ chế cao su thiên nhiên phục vụ cho mục đích “tái sử dụng” cho quá trình sản xuất nhằm tiết kiệm tài nguyên nước”.
Có thể bạn quan tâm
Nghịch lý “quy định xử lý nước thải”: Cơ quan chức năng nói gì?
06:30, 31/01/2019
Nghịch lý ngành bán lẻ: Mua hàng trực tuyến lên ngôi, nhưng cửa hàng đóng góp đến 80% doanh số!
08:44, 03/03/2019
Nghịch lý doanh nghiệp FDI: Càng ưu đãi... càng lỗ?
07:01, 09/03/2019
"Trong trường hợp, các doanh nghiệp cố tình trì hoãn việc cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải đạt loại A theo QCVN hiện hành thì buộc dừng hoạt động của các nhà máy cho đến khi hoàn thành việc cải tạo” – ông Lâm nhấn mạnh.
Với sự việc nêu trên, có thể nói cánh cửa đã chính thức khép lại đối với 12 doanh nghiệp, số phận của hàng trăm hecta cao su và nghìn công nhân nhà máy, nông dân trong ngành cao su sẽ đi đâu về đâu khi chính quyền tỉnh Bình Phước đã chính thức quay lưng và tuyên bố “cạn cả tình lẫn lý”? Nghị quyết địa phương đã chính thức đi vào cuộc sống, các doanh nghiệp buộc phải thực hiện nhưng liệu các doanh nghiệp này có tồn tại được nữa hay không xem ra vẫn còn là câu chuyện đáng bàn.