Doanh nghiệp nói gì về đề xuất giảm thuế thu nhập về 15-17%?
Nhiều doanh nghiệp khẳng định, nếu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp về 15-17% sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh.
Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo tờ trình Chính phủ về việc xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa được giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 15-17%, thay vì mức 20% như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm
Những lưu ý trong quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2018
09:30, 28/02/2019
Lưu ý quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp
14:29, 22/02/2019
Thuế thu nhập doanh nghiệp giảm còn 15 – 17%
13:53, 28/04/2018
Tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp
Bình luận về đề xuất lần này của Bộ Tài chính ông Đào Huy Hoàng, Tổng giám đốc Công ty Du học Aki khẳng định, đề xuất giảm thuế lần này của Bộ Tài chính tuy không nhiều nhưng cũng giúp doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiết kiệm chi phí.
“Nếu giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ góp phần hỗ trợ, tạo điều kiện cho khối doanh nghiệp này tích tụ vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh, là tiền đề giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, chuyển đổi thành doanh nghiệp có quy mô lớn hơn”, ông Hoàng nói.
Dưới góc độ hiệp hội, ông Đinh Xuân Hải, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam cho biết thuế doanh nghiệp tác động rất lớn tới doanh nghiệp, đặc biệt là trong kinh doanh sản xuất trong lĩnh vực chế biến sơ.
“Nên nếu thuế thu nhập doanh nghiệp giảm sẽ tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh”, ông Hoàng nói.
Tương tự, ông Nguyễn Bá Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại đặc sản Việt Nam cũng khẳng định sự hỗ trợ về thuế thu nhập doanh nghiệp giảm từ 20% xuống còn 15-17% mặc dù con số đó không lớn lắm nhưng thực sự đó là sự hỗ trợ rất tốt cho các doanh nghiệp nhỏ. Khi mà sức – lực của các doanh nghiệp start-up còn hạn chế, cần sự nâng đỡ, hỗ trợ thì sự hỗ trợ này dù nhỏ cũng rất tốt.
Phù hợp chính sách của các nước trong khu vực
Theo Bộ Tài chính, việc thay đổi thuế suất mới phù hợp với quy định thuế suất của các nước trong khu vực. Hiện nhiều nước có quy định doanh nghiệp nhỏ và vừa được áp dụng mức thuế suất thấp hơn mức thuế suất phổ thông.
Cụ thể, mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông của Trung Quốc là 25% nhưng doanh nghiệp nhỏ được áp dụng mức thuế suất ưu đãi là 20%.
Một số nước như Hàn Quốc, Hà Lan, Brazil,... không có quy định như trên nhưng thuế thu nhập doanh nghiệp được đánh lũy tiến, tức là mức thuế suất cao hơn áp dụng đối với phần thu nhập chịu thuế ở mức cao.
Hiện Hàn Quốc đang áp dụng mức thuế suất 10% đối với 200 triệu won chịu thuế đầu tiên, 20% đối với phần thu nhập chịu thuế từ 200 triệu won đến 20 tỉ won, 22% đối với phần thu nhập chịu thuế trên 20 tỉ won. Hoặc, Hà Lan áp dụng thuế suất 20% đối với 200.000 euro thu nhập chịu thuế đầu tiên, 25% đối với phần thu nhập chịu thuế vượt 200.000 euro.
Nếu thuế thu nhập doanh nghiệp giảm xuống 15-17% sẽ tạo điều kiện cho các hộ, cá nhân kinh doanh chuyển lên mô hình doanh nghiệp. Qua đó, thực hiện mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp; đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp. Điều này giúp tăng tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đến năm 2020 đạt khoảng 50%, năm 2025 khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60 - 65%.
Bộ Tài chính cũng chỉ rõ, tác động tiêu cực nếu giảm thuế và miễn thuế cho doanh nghiệp là có thể giảm thu ngân sách khoảng 9.200 tỉ đồng/năm, trong đó giải pháp giảm thuế suất cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ giảm khoảng 6.500 tỉ đồng/năm và giải pháp miễn thuế trong vòng 2 năm đối với doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh khoảng 2.722 tỉ đồng/năm.