TP HCM chỉ đạo xứ lý dứt điểm sai phạm tại IPC

Công Thương 04/04/2019 10:00

UBND TP HCM vừa có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong về kết quả xử lý sau thanh tra tại Công ty TNHH Một thành viên Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (Công ty IPC).

Trụ sở Công ty TNHH Một thành viên Phát triển công nghiệp Tân Thuận (Công ty IPC)

Trụ sở Công ty TNHH Một thành viên Phát triển công nghiệp Tân Thuận (Công ty IPC)

Theo đó, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo Chủ tịch Hội đồng Thành viên, người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) phải xem xét xử lý trách nhiệm về mặt chính quyền đối với các cá nhân có liên quan đến những sai phạm đã nêu tại kết luận thanh tra theo phân cấp quản lý cán bộ (sau kiểm điểm).

Có thể bạn quan tâm

  • TP HCM chỉ đạo xứ lý các sai phạm tại Công ty IPC

    11:00, 04/04/2019

  • Công ty IPC bị rút quyền chủ đầu tư hai dự án giao thông

    01:46, 19/03/2019

  • TP HCM: Đình chỉ công tác Tổng giám đốc Công ty Tân Thuận

    09:55, 30/10/2018

Đồng thời phối hợp Đảng ủy công ty tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm về mặt Đảng; khẩn trương xử lý dứt điểm các khoản nợ còn tồn hơn 69 tỉ đồng; yêu cầu các tập thể, cá nhân có trách nhiệm bồi hoàn chi phí lãi vay hơn 8 tỉ đồng phát sinh từ khoản vay 400 tỉ đồng trong năm 2016 và năm 2017.

Ông Phong cũng yêu cầu xử lý nghiêm, dứt điểm những sai phạm trong việc chấp hành quy định của Đảng, Nhà nước về đi nước ngoài (đi công tác, đi việc riêng) của người lao động theo phạm vi quản lý của Công ty IPC. Chấn chỉnh trong công tác cho thuê văn phòng tại trụ sở chính của Công ty theo chủ trương của UBND TP. Liên hệ với Sở, ngành hoàn thiện thủ tục pháp lý, nhằm khai thác có hiệu quả mặt bằng trống.

Chấn chỉnh trong công tác chỉ định thầu, chấp hành nghiêm quy định pháp luật trong công tác đấu thầu, không thanh toán tăng tiền thiết kế - dự toán công trình Tòa nhà văn phòng IPC giai đoạn 2. Tất cả những đầu việc trên phải hoàn thành và báo cáo kết quả thực hiện cho UBND TP và Thanh tra TP trước ngày 30-7.

Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong yêu cầu tiếp tục phối hợp với Ban Quản lý khu Nam và các Sở, ngành liên quan rà soát, hướng dẫn Công ty IPC hoàn tất thủ tục giao đất, cấp Giấy chứng nhận, xác định tiền sử dụng đất phải nộp đối với dự án Khu dân cư Hiệp Phước do Công ty IPC làm chủ đầu tư.

Trước đó, vào cuối năm 2018 Thanh tra TP HCM có kết luận chỉ ra những sai phạm nghiêm trọng tại công ty Tân Thuận. Cụ thể, tháng 3/2015, IPC bán đấu giá hơn 5,2 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco, công ty con của IPC) cho công ty Exim với giá 26.100 đồng mỗi cổ phiếu. Việc này làm giảm tỷ lệ vốn góp của IPC tại Sadeco từ 75% xuống 44%.

Tháng 9/2016, Exim bán toàn bộ cổ phiếu trên cho công ty Nguyễn Kim với giá 57.000 mỗi cổ phiếu. Cuối năm đó, Nguyễn Kim đề xuất mua thêm cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược của Sadeco và cam kết cùng phát triển 2 dự án tại 79B Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình) và Khu dân cư Rạch Chiếc trên đường Xa lộ Hà Nội (quận Thủ Đức).

Sadeco sau đó ra nghị quyết tăng vốn điều lệ bằng phát hành cổ phiếu, chọn Nguyễn Kim làm đối tác chiến lược, và được nhóm đại diện vốn của IPC tại Sadeco đồng ý.

Tháng 1/2017, Sadeco và Công ty Cổ phần Chứng khoán TP HCM (HSC) ký hợp đồng xác định giá trị doanh nghiệp, xác định mỗi cổ phiếu là hơn 36.500 đồng.

Đến tháng 6/2017, khi chưa trình UBND thành phố chủ trương tăng vốn góp, Sadeco đã phát hành 9 triệu cổ phiếu và bán cho Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng mỗi cổ phiếu. Hành vi này của Sadeco được chogây thiệt hại ít nhất 153 tỷ đồng ngân sách Nhà nước - căn cứ từ việc công ty Exim bán cổ phần cho Nguyễn Kim hồi tháng 9/2016 (57.000 đồng).

"Sang đầu năm 2017 nhà đất khu Nam Sài Gòn ảnh hưởng cơn sốt đất, giá tăng rất nhiều nên thiệt hại trên thực tế là rất lớn", cơ quan thanh tra nhận định. Ngoài ra, phi vụ bán chỉ định cổ phiếu này cũng giúp Nguyễn Kim thâu tóm Sadeco khi chiếm 54% cổ phần, IPC chỉ còn 28,8%.

Về việc Sadeco thuê công ty HSC khi đơn vị này chỉ có chức năng tư vấn đầu tư chứng khoán, không có khả năng thẩm định giá, và công ty này đã khuyến cáo mức giá 36.500 đồng mỗi cổ phiếu "chỉ là con số tham khảo, không là căn cứ để giao dịch"... là sai quy định.

Kết luận của Thanh tra TP HCM cũng chỉ ra nhiều sai phạm khác của công ty IPC như: Chỉ sử dụng một phần tòa nhà, còn lại cho 81 đơn vị thuê làm văn phòng (tổng doanh thu cho thuê trong 7 năm gần đây là hơn 295 tỷ đồng); kinh doanh có lợi nhuận nhưng lại đi vay ngân hàng để nộp lợi nhuận vào ngân sách, làm phát sinh khoản lãi vay hơn 8 tỷ đồng.

Ngoài ra, năm 2016-2017, IPC tổ chức cho lãnh đạo công ty đi nước ngoài khi chưa được UBND Thành phố cho phép; một số trường hợp đi nước ngoài vượt thời gian được cử đi... với tổng chi phí hơn 1,3 tỷ đồng.

Công Thương