Bình đẳng giới tại nơi làm việc và những điểm mới trong Bộ luật Lao động sửa đổi
Sáng nay (5/4), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo đối thoại “Bình đẳng giới tại nơi làm việc và những điểm mới trong Bộ luật Lao động sửa đổi – Cơ hội cho doanh nghiệp”.
Việt Nam được quốc tế đánh giá là quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong 20 năm qua. Tình trạng bất bình đẳng giới của Việt Nam đã được cải thiện nhanh với chỉ số phát triển giới (GDI) thuộc nhóm 1 trong 5 nhóm (188 quốc gia). Tuy nhiên, bất bình đẳng giới ở một số lĩnh vực vẫn là vấn đề thời sự cần tiếp tục được quan tâm giải quyết.
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Luật lao động sửa đổi: Mở rộng khung thoả thuận về giờ làm thêm
06:16, 05/04/2019
Thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc – chìa khóa nâng cao năng suất lao động
08:36, 01/04/2019
Lao động phi chính thức bị “bỏ quên”
11:00, 31/03/2019
Thực tế cho thấy các doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với việc thực hiện bình đẳng giới tại nơi làm việc mặc dù việc làm này mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp, giúp nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Tỷ lệ lao động nữ tham gia vào thị trường lao động ở Việt Nam hiện luôn giữ ở mức ổn định trên dưới 48%. Theo báo cáo chỉ số phát triển nữ doanh nhân của Mastercard –MIWE thì tỷ lệ nữ doanh nhân tại Việt Nam chiếm 31,3%, xếp thứ 6 trong số các quốc gia, khu vực có tỷ lệ nữ doanh nhân cao nhất.
Bộ luật Lao động 2012 hiện đang trong quá trình sửa đổi đặt vấn đề bình đẳng giới là nội dung quan trọng được điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu và thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên vấn đề mấu chốt trong việc thực hiện bình đẳng giới tại nơi làm việc chính là tư duy của cả người sử dụng lao động và người lao động. Doanh nghiệp cần thiết kế chính sách hoạt động của mình theo hướng lồng ghép các nội dung bình đẳng giới tại nơi làm việc, hỗ trợ cho cả lao động nam và lao động nữ có thể thực hiện trách nhiệm công việc và gia đình. Thực hiện bình đẳng giới không chỉ là một mục tiêu mà là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển bền vững và xây dựng nền quản trị tốt.
Tại Hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể về thúc đẩy bình đẳng giới, trong đó có việc giảm chênh lệch về tỷ lệ đói nghèo giữa nam giới và nữ giới cũng như chênh lệch giới tính trong giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Theo đánh giá mới nhất của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2018, Việt Nam xếp thứ 6 trong 10 quốc gia Bình đẳng nhất về giới tính. Đây là nỗ lực của cả xã hội nói chung và trong đó có sự góp phần của nhiều doanh nghiệp đã thực hiện tốt Bình đẳng giới tại nơi làm việc và tạo ra những bước tiến đáng kể cho công việc sản xuất kinh doanh của mình.
Tuy nhiên, theo ông Phòng bất bình đẳng giới vẫn là một thách thức lớn trong sự phát triển của Việt Nam. Ngay cả khi phụ nữ đóng góp thiết yếu cho xã hội và nền kinh tế, họ bị đánh giá thấp trong thị trường lao động và không được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế bình đẳng so với nam giới. Nữ giới vẫn bị hạn chế về quyền ra quyết định, khoảng cách thu nhập theo giới tính vẫn chưa giảm.
"Do đó, việc hoàn thiện những quy định về bình đẳng giới trong Bộ luật Lao động cũng đồng thời giúp Việt Nam bảo đảm tốt hơn sự thống nhất của hệ thống pháp luật. Cộng đồng người sử dụng lao động rất quan tâm sửa đổi luật theo hướng đảm bảo thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc và tạo thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp. Thực hiện tốt bình đẳng giới tại nơi làm việc sẽ giúp doanh nghiệp có cơ hội phát triển nguồn nhân lực tốt hơn, xây được hình ảnh, uy tín của mình, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia cũng như phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới", ông Phòng nói.
Vì vậy, Phó Chủ tịch VCCI khẳng định tạo điều kiện bình đẳng cho lao động nam và nữ giúp họ có thể phát triển năng lực của mình, có thêm động lực nâng cao năng suất lao động và duy trì mối quan hệ hài hoà trong lao động, từ đó tăng cường khả năng cạnh tranh trong doanh nghiệp.
Tại hội thảo, ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội chia sẻ những điểm mới trong Dự thảo Luật lao động sửa đổi lần này.
Theo đó, Dự thảo mở rộng khung thoả thuận về thời giờ làm thêm.
“Mở rộng khung thoả thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động về thời giờ làm thêm để tăng sự linh hoạt trong sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và nâng cao thu nhập của người lao động khi làm thêm giờ”, ông Thiện nói.
Tuy nhiên, ông Thiện cũng lưu ý, người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi nhận được sự đồng ý của người lao động. Đồng thời, Dự thảo Luật đề xuất hai phương án tăng khung giờ làm thêm như sau:
Phương án 1, quy định số giờ làm thêm tối đa là 200 giờ trong 01 năm, trường hợp đặc biệt doanh nghiệp có nhu cầu và người lao động đồng ý thì hai bên thỏa thuận làm thêm giờ không quá 400 giờ trong 01 năm.
Phương án 2, giữ nguyên quy định hiện hành.”.
“Với hai phương án này, người lao động và người sử dụng lao động sẽ được thỏa thuận thời gian trong khung giờ cho phép”, ông Thiện nhấn mạnh.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định Chính phủ quy định chi tiết điều kiện tổ chức làm thêm giờ nhằm hạn chế tác động đến sức khỏe nghề nghiệp của người lao động. Nghị định sẽ hướng dẫn chi tiết để doanh nghiệp không được huy động người lao động làm thêm giờ nhiều tháng liên tục và phải bố trí thời gian nghỉ giải lao hợp lý, cũng như các đãi ngộ cho người lao động khi tổ chức làm thêm giờ.
Về vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nhằm thích ứng với xu hướng già hóa dân số ông Thiện cho hay những sửa đổi về vấn đề này nhằm thích ứng với xu hướng già hóa dân số và tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước, tận dụng tối đa nguồn nhân lực có kinh nghiệm, chất lượng để phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm cân đối Quỹ hưu trí và tử tuất trong dài hạn.
Theo đó, Dự thảo Luật đề xuất tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi với hai phương án như sau:
Phương án 1, kể từ 01/01/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động tăng mỗi năm 03 tháng đối với nam và 04 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Phương án 2, kể từ 01/01/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động tăng mỗi năm 04 tháng đối với nam và 06 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.”.
“Đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung”, ông Thiện lưu ý.
Về sửa đổi liên quan đến chính sách tiền lương, tiền lương tối thiểu, ông Thiện cho biết mục tiêu của sửa đổi chính sách này là để thể chế hóa Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương của người lao động trong khu vực doanh nghiệp,: “Trong khu vực doanh nghiệp, tiền lương là giá cả sức lao động, hình thành trên cơ sở thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”.
Theo đó dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định:
Về tiền lương tối thiểu: (1) thẩm quyền công bố lương tối thiểu; (2) các căn cứ xác định, điều chỉnh lương tối thiểu; (3) tiền lương tối thiểu theo tháng, giờ, theo vùng; (4) cơ cấu, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng tiền lương quốc gia.
Về thang lương, bảng lương, định mức lao động: Tiếp tục thể chế chính sách tiền lương theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thông qua từng bước mở rộng và tạo quyền tự chủ thực sự chủ động cho người sử dụng lao động và người lao động trong trả lương.
Về tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, ông Thiện cho hay Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 5/11/2016 của Hội nghị lần thứ 4, Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã xác định người lao động có quyền thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp nằm ngoài hệ thống Tổng LĐLĐVN.
“Do đó, mục tiêu của sửa đổi lần này là để thể chế hóa quan điểm chỉ đạo trên của Đảng, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã bổ sung quy định về tổ chức của người lao động nằm ngoài hệ thống Tổng LĐLĐVN như sau: “Người lao động có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở thành lập và hoạt động hợp pháp sau khi gia nhập hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam hoặc đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, ông Thiện nói.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định theo hướng nguyên tắc tôn chỉ, mục đích và phạm vi hoạt động, trình tự thủ tục, hồ sơ thành lập của tổ chức đại diện người lao động; các nội dung cụ thể khác sẽ được quy định chi tiết trong văn bản quy phạm pháp luật dưới luật, nhằm đảm bảo sự linh hoạt, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu quản lý nhà nước; Đổi mới tổ chức, hoạt động; mở rộng phạm vi áp dụng, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài lao động trong việc giải quyết tranh chấp lao động nhằm góp phần phòng ngừa "đình công tự phát", xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại doanh nghiệp; Tăng cường năng lực hoạt động của thanh tra lao động nhằm bảo vệ các quyền, nghĩa vụ của người lao động tại nơi làm việc bằng việc bổ sung thẩm quyền của cơ quan thanh tra lao động.
Về những điều khoản sửa đổi liên quan đến bình đẳng giới, ông Thiện cho biết những sửa đổi lần này hướng đến sự bình đẳng về giữa lao động nam và lao động nữ.
“Bảo đảm bình đẳng giữa nam và nữ trong lao động: tuyển dụng; điều kiện làm việc (thực hiện công việc và bảo đảm các điều kiện an toàn, vệ sinh lao động cho thực hiện công việc); tiền lương, đào tạo, đãi ngộ và thù lao; thăng tiến nghề nghiệp. Nhiều nơi, có những quy định “chỉ tuyển lao động nam” “chỉ tuyển lao động nữ”… nhưng theo dự thảo, chúng tôi sẽ cấm những vấn đề này. Người lao động phải được làm nhưng công việc mà họ lựa chọn”, ông Thiện nói.
Dự thảo Luật lao động hướng đến việc bảo vệ điều kiện làm việc của lao động nữ xuất phát từ đặc điểm sinh lý riêng có của nữ giới; Cải thiện điều kiện lao động đối với lao động nữ; Chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ người lao động nữ được hưởng các điều kiện chăm sóc sức khoẻ như khám sức khỏe định kỳ, khám chuyên khoa phụ sản; không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi; nghỉ 30 phút? Không xử lý kỷ luật trong thời gian nuôi con nhỏ đến 12 tháng tuổi? Cấm thực hiện công việc ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản?
Đồng thời, dự thảo cũng hướng đến thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc, khuyến khích áp dụng chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà phù hợp nguyện vọng của lao động nữ; Giúp đỡ, hỗ trợ của người sử dụng lao động trong việc xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo; Người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động nữ được Nhà nước hỗ trợ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Về vấn đề làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa đối với lao động nữ mang thai từ tháng thứ 07/đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, dự thảo cho phép sử dụng người lao động nữ làm việc ban đêm, làm them giờ hoặc đi công tác xa nếu được lao động nữ đồng ý.
Tại hội thảo, bà Trần Thị Lan Anh, Phó Tổng thư ký VCCI, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động cho biết, Việt Nam được đánh giá là quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong 20 năm qua. Tình trạng bất bình đẳng giới của Việt Nam đã được cải thiện nhanh với chỉ số phát triển giới (GDI) thuộc nhóm 1 trong 5 nhóm (188 quốc gia).
“Tỷ lệ lao động nữ tham gia vào thị trường lao động luôn giữ ở mức ổn định trên dưới 48%. Tỷ lệ nữ doanh nhân tại Việt Nam chiếm 31,3%, xếp thứ 6 trong số các quốc gia, khu vực có tỷ lệ nữ doanh nhân cao nhất. Tuy nhiên bất bình đẳng giới ở một số lĩnh vực vẫn là vấn đề cần tiếp tục được quan tâm giải quyết.
Nhìn chung, tỷ lệ lao động nữ vẫn thấp hơn lao động nam, tập trung trong các lĩnh vực ngành nghề có yêu cầu chất lượng tay nghề, trình độ chuyên môn thấp nên tiền lương, tiền công và thu nhập bình quân của phần lớn lao động nữ thường thấp hơn so với lao động nam”, bà Lan Anh nói.
Đồng thời, bà Lan Anh cho hay cơ hội của phụ nữ tiếp cận việc làm chính thức, bảo hiểm xã hội và điều kiện lao động tốt vẫn thấp hơn nhiều so với nam giới. Trong số lao động nữ, nhóm có cơ hội thấp hơn là lao động nữ nông thôn và lao động nữ dân tộc thiểu số.
Theo bà Lan Anh việc thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc sẽ giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật và cam kết với bạn hàng, đồng thời giữ chân và tuyển dụng được những lao động có tay nghề, có kỹ năng và nâng cao năng suất lao động, tạo điều kiện cho đổi mới và sáng tạo.
“Đáng nói, việc thực hiện bình đẳng giới sẽ giúp doanh nghiệp Việt nâng cao hình ảnh và danh tiếng của doanh nghiệp, tạo thêm niềm tin của bạn hàng và khách hàng và giảm thiểu các nguy cơ về xung đột tại nơi làm việc và về kiện tụng”, bà Lan Anh nói.
Tại phiên thảo luận, trước câu hỏi thời gian qua, VCCI đã làm gì để thúc đẩy vấn đề bình đẳng giới, bà có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?
Bà Trần Thị Lan Anh cho hay, thời gian qua, VCCI luôn thúc đẩy các chương trình liên quan đến việc thực hiện bình đẳng giới ở nơi làm việc, tạo thuận lợi cho người làm việc, nâng cao năng suất lao động và vị thế trên thị trường, vấn đề định vị nâng cao chuỗi giá trị là điều vô cùng quan trọng.
“Trong thời gian qua, VCCI với sự hỗ trợ của các tổ chức Chính phủ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổ chức Quốc tế… hỗ trợ chung tay với chúng tôi trong quá trình chung tay về bình đẳng giới”, bà Lan Anh nói.
Bà Lan Anh cho biết, hiện tại VCCI đã có chiến lược cụ thể cho việc tuyên truyền các chương trình về bình đẳng giới.
Với doanh nghiệp, chúng tôi giúp họ hiểu rằng khi họ thực thi sẽ giúp họ hiểu rằng việc làm này có lợi cho doanh nghiệp.
“Chúng tôi đang xây dựng các chương trình đào tạo tập huấn dành cho doanh nghiệp, chúng tôi giúp doanh nghiệp rằng việc việc trao quyền cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giúp cũng sẽ giúp cho doanh nghiệp của họ nâng cao vị thế của mình”, bà Lan Anh nói.
Chia sẻ thêm về vấn đề bình đẳng giới, bà Hà Thị Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh cho biết việc dung hòa mối quan hệ giữa lao động nam và lao động nữ là điều quan trọng nhất trong việc thực hiện vấn đề bình đẳng giới.
“Chúng tôi là doanh nghiệp kinh doanh gốm sứ, trụ sở chính của công ty được đặt ở Bát Tràng. Sau chúng tôi mở thêm nhà máy dưới Mạo Khê, nhưng ở đây, chúng tôi không thể tuyển được lao động nam giới. Sau đó, chúng tôi họp và quyết định cải thiện lao động nữ, áp dụng các ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong quá trình sản xuất, cải thiện được năng suất lao động. Từ các em này, chúng tôi tuyển chọn và đào tạo nên một thế hệ lãnh đạo doanh nghiệp mới, kế cận chúng tôi”, bà Vinh nói.
Từ kinh nghiệm thực tế của bản thân, bà Vinh cho rằng có mấy vấn đề cần để có thực hiện để có thể đảm bảo được vấn đề bình đẳng giới.
“Nhiều người thường chọn nhân viên nam cho các vị trí lãnh đạo, họ tin tưởng vào giao nhiệm vụ cho nhân viên nam nhiều hơn, nhưng tôi cho rằng, để bình quyền, doanh nghiệp hãy tin và trao các vị trí lãnh đạo cho các nhân viên nữ, như doanh nghiệp của tôi chẳng hạn, các nữ nhân viên đang làm ở vị trí lãnh đạo rất tốt”, bà Vinh nói.
Bà Đỗ Thị Thu Hương, Ủy viên ban chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp điện tử.
Chúng tôi phấn đấu thực hiện hài hòa các mối quan hệ trong mối quan hệ trong việc đối xử với lao động nam cũng như lao động nữ.
Khi nói đến bình đẳng trong doanh nghiệp, mọi ngưới hay nói bình quyền cho lao động nữ, nhưng công bằng mà nói, lao động nam cũng cần bình quyền.
“Ví dụ như trong vấn đề sinh nở và nuôi con, đây vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi và nghĩa cụ của nam giới, hoặc là được nghỉ khi vợ sinh nở, các thanh toán về bảo hiểm thì rất rõ nhưng thời gian nghỉ phép để chăm sóc và nuôi con đối với lao động nam vẫn còn ít”, bà Hương nói.
Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ Lao động, Tổng LĐLĐVN cho biết ở góc độ của Tổng Liên Đoàn, khi thực hiện các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, vấn đề tham gia xây dựng chính sách pháp luật để hỗ trợ cho quá trình bình đẳng giới luôn được coi trọng.
“Thực tiễn trước những bất cập trong quá trình thực hiện bình đẳng giới chúng tôi thường là người đầu tiên lên tiếng đề xuất sửa và mạnh mẽ sửa đổi cho phù hợp. Ví như quy định tại Luật lao động hiện hành là không xử phạt lao động nữ mang thai và nuôi con dưới 12 tháng, nhưng nhiều khi không đồng ý. Trước những ý kiến này chúng tôi cũng có ý kiến đề xuất sửa đổi, để tạo ra quy định phù hợp với thực tiễn”, ông Quảng nói.
Cũng tại phiên thảo luận, nhiều đại diện tổ chức, doanh nghiệp đã chia sẻ và đóng góp ý kiến.
Bà Trần Thị Thu Trang – Giám đốc Hanel PT:
Chương trình bình đẳng giới tại nơi làm việc là một trong những chương trình đã truyền cảm hứng rất tốt cho các doanh nghiệp, trong đó có Công ty chúng tôi.
Ngay từ những năm đầu thành lập, doanh nghiệp đã đưa ra triết lý kinh doanh đó là “ngũ phương hưởng lợi”. Đó là, khách hàng hưởng lợi, nhân viên hưởng lợi, môi trường hưởng lợi, đất nước hưởng lợi và cuối cùng là doanh nghiệp hưởng lợi.
Không chỉ đưa ra triết lý kinh doanh mà chúng tôi còn hiện thực hoá triết lý kinh doanh này thành kế hoạch hành động của doanh nghiệp giai đoạn trong giai đoạn từ 3-5 năm.
Trong triết lý ngũ phương hưởng lợi của doanh nghiệp, trong đó có nhân viên được hưởng lợi, chúng tôi chú trọng tới quyền lợi của nhân viên. Hàng năm 20 sự kiện liên quan đến người lao động, ví dụ trong dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ là ngày 8/3, công ty không chỉ tặng hoa, quà cho lao động nữ mà còn cả lao động nam. Để họ về tặng cho vợ, cho con gái, người yêu của mình.
Chính nhờ có những chính sách bình đẳng giới tại nơi làm việc một cách bình đẳng, doanh nghiệp đã nhận được sự đồng lòng, hưởng ứng của nhân viên trong công ty. Kết quả là doanh nghiệp đã tạo ra được những sản phẩm chất lượng, và doanh nghiệp tiếp tục duy trì được đà phát tăng trưởng tốt.
Ông Nguyễn Hoàng Hà – Điều phối viên Chương trình đến từ Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO):
Bình đẳng giới tại nơi làm việc là những cam kết của Việt Nam về tiêu chuẩn lao động khi Việt Nam khi tham gia các hiệp định FTA thế hệ mới.
Theo quan điểm của tôi nên tiếp cận vấn đề này ở góc độ đó là nhân quyền nghĩa là bình đẳng giới tại nơi làm việc là quyền lao động căn bản của người lao động. Cách tiếp cận này là đầy đủ, toàn diện, tạo cơ hội cho cả lao động nam và lao động nữ.
Như những chia sẻ trước đó của Hanel hay Hiệp hội điện tử rất thú vị. Những kinh nghiệm của hai doanh nghiệp này cho thấy, cơ hội và điều kiện làm việc giữa lao động nữ và nam là như nhau, căn cứ trên năng lực của từng người mà doanh nghiệp phân công giao những nhiệm vụ phù hợp, thay vì quá đề cao người lao động nữ".
Bà Nguyễn Thị Đông – Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty cổ phần Hoa Lan:
Là một doanh nghiệp sản xuất các bao bì các tông và hoá mỹ phẩm từ thiên nhiên, doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động nữ, trong đó có nhiều người khuyết tật. Mặc dù là nhà máy đặt tại Hưng Yên cách Hà Nội chỉ khoảng 20 km, tuy nhiên khi bắt đầu đầu tư xây dựng nhà máy để hoạt động tại đây thì trình độ dân trí của người lao động vẫn còn thấp.
Tuy nhiên, sau một thời gian khi làm việc và cống hiến tại doanh nghiệp, ý thức, nhận thức của người lao động đã tốt hơn. Để tạo được sự đồng thuận và đồng lòng của người lao động, doanh nghiệp đã chủ động xây dựng khu nhà ở cho công nhân với đẩy đủ tiện nghi điều hoà, bếp ăn để người lao động yên tâm làm việc.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng tạo điều kiện để các lao động có thể góp vốn vào doanh nghiệp từ 30-50 triệu. Chính nhờ cách làm như vậy đã tạo được cảm hứng cho người lao động, người lao động cảm thấy doanh nghiệp cũng là của mình.
Góp ý liên quan đến Dự thảo Luật Lao động sửa đổi từ thực tế hoạt động của doanh nghiệp mình, bà Đông chia sẻ, mặc dù doanh nghiệp không khuyến khích người lao động làm thêm giờ, tuy nhiên, người lao động vẫn mong muốn được làm thêm hoặc mang được sản phẩm về nhà làm buổi tối. Sau mỗi buổi tối làm thêm giờ tại nhà, người lao động có thêm 200.000 VNĐ thu nhập. Điều này khiến người lao động rất phấn khởi. Như vậy, thực tiễn của doanh nghiệp cho thấy, không thể quy định về số giờ làm thêm tối đa là 400 giờ.
Đại diện đơn vị tài trợ, bà Thân Thiên Hương– Đại sứ quán Úc tại Việt Nam cho biết, tại buổi Hội thảo đối thoại “Bình đẳng giới tại nơi làm việc và những điểm mới trong Bộ luật Lao động sửa đổi – Cơ hội cho doanh nghiệp” do VCCI phối hợp cùng Đại sứ quán Úc hôm nay đã có nhiều doanh nghiệp chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn của doanh nghiệp mình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc và có các quy định chống quấy tối tình dục tại nơi làm việc… những thực tiễn điển hình này cần được lan toả mạnh mẽ hơn nữa trong cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp do nữ làm chủ để cuộc sống của người lao động ngày một tốt hơn.
Sau khi lắng nghe các ý kiến góp ý liên quan, ông Mai Đức Thiện - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐTB&XH khẳng định đối với doanh nghiệplợi ích của bình đẳng giới là vô cùng lớn.
“Bên cạnh những tiêu chuẩn quốc tế, chúng tôi hiểu rằng việc thực hiện tốt bình đẳng giới sẽ nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp. Trong quá trình soạn thảo Luật Doanh nghiệp lần này, chúng tôi cố gắng tham mưu để dung hòa các mối quan hệ trong việc thực hiện bình đẳng giới, vừa đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo lợi ích của người lao động”, ông Thiện nói.
Kết thúc hội thảo bà Trần Thị Lan Anh khẳng định VCCI sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới.
“Những vấn đề này, chúng tôi sẽ luôn luôn sát cánh và đồng hành cùng doanh nghiệp. Thực tiễn cho thấy, bình đẳng giới mang lại lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp khẳng định và nâng cao hơn nữa vị thế của mình”, bà Lan Anh nói.