Người dân bị "xù" hàng tỷ đồng đặt cọc gia công tranh đính đá: Chưa đủ căn cứ để khởi tố hình sự
Trong toàn bộ quá trình giao dịch, các bên không có người chứng kiến, không có giấy tờ, sổ sách ghi nhận nên không xác định số lượng tranh và tiền giao dịch giữa các bên.
Như Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, hàng chục hộ dân vì tin tưởng đã "đặt cọc" cho bà Nguyễn Thị Thu Hường - Phó Hiệu trưởng Trường mầm non xã Nam Hà, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) để được nhận tranh đính đá về làm với tiền công cao ngất ngưởng. Nhưng sau vài ba lần được thanh toán tiền công, người dân phấn khởi làm đêm ngày cuối cùng "mất cả vốn lẫn lãi", số tiền lên tới hàng tỷ đồng.
Trước nguy cơ không lấy lại được số tiền đã đặt cọc, các nạn nhân đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng cầu cứu, "tố" bà hiệu phó trường mầm non lừa đảo...
Công an huyện Tiền Hải vừa có Thông báo số 187/TB-CAH, trả lời đơn đề nghị của công dân theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Thái Bình và lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình. Theo thông báo, nội dung trong đơn đề nghị của người dân là có xảy ra nhưng không có dấu hiệu của tội phạm và thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án trong việc khởi kiện tranh chấp dân sự. Công an huyện Tiền Hải đề nghị các bên liên hệ với TAND huyện Tiền Hải để kiến nghị và giải quyết.
Thông báo này nêu rõ, từ tháng 7/2018 đến tháng 12/2018, chị Nguyễn Thị Thu Hường (SN 1984, trú tại thôn An Nhân Bình, xã Bắc Hải, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) lợi dụng sự tin tưởng của người dân để chiếm đoạt tài sản dưới hình thức thuê người gia công tranh thêu, tranh đá và yêu cầu phải nộp tiền đặt cọc tùy vào giá trị từng bức tranh.
Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, chị Hường không còn khả năng thanh toán tiền công, tiền cọc cho người được thuê như cam kết. Việc chưa thanh toán được công nợ là do yếu tố khách quan mang lại (chưa bán được tranh) dẫn đến thời điểm hiện tại chưa có khả năng trả tiền đặt cọc và thanh toán tiền công. Mặt khác trong toàn bộ quá trình giao dịch không có người chứng kiến, không có giấy tờ, sổ sách ký nhận. Do đó không đủ tài liệu, chứng cứ xác để xác định số lượng tranh và số tiền giao dịch giữa các bên (do các bên tự thỏa thuận).
Bản thân chị Hường vẫn xác định số tiền cọc và tiền công làm tranh còn nợ từng người và cam kết sẽ trả số tiền trên cho những người gia công tranh.
Từ những điều trên, không đủ căn cứ để chứng minh "thủ đoạn gian dối" và mục đích "chiếm đoạt tài sản" của chị Hường để xem xét tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại Điều 174 và tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" quy định tại điều 175 của Bộ luật Hình sự.
Theo tường trình của chị Hường, tháng 6/2018, chị Hường nhận làm gia công tranh thêu và tranh đá cho 2 người phụ nữ tên Mai ở Hà Nội và tên Hà ở Hải Phòng. Hà tự giới thiệu là nhân viên của công ty tranh Cường Phát ở Hải Phòng.
Từ tháng 6/2018 đến tháng 12/2018, qua mạng xã hội zalo, chị Hường đã liên hệ với cửa hàng tranh thêu Phúc Ngọc, có giấy đăng ký kinh doanh số 20D8004903 do chị Kiều Thị Thơm (SN 1989, trú tại xã Nghĩa Hồ, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) làm chủ cơ sở để mua khoảng 5.000 phôi tranh nguyên liệu.
Chị Hường đã chuyển số tiền khoảng 1.200.000.000 đồng (qua các tài khoản ngân hàng 800.000.000 đồng và giao dịch trực tiếp khoảng 400.000.000 đồng) cho chị Thơm để mua phôi tranh nguyên liệu.
Hiện tại, công an huyện Tiền Hải đã lập biên bản kiểm đếm số tranh thành phẩm được chị Hường lưu giữ trong kho tại trường mầm non xã Nam Hà, giao cho chị Hường có trách nhiệm quản lý và bảo quản 3.897 bức tranh thành phẩm.
Có thể bạn quan tâm
Thái Bình: Dự án chậm trễ vì vướng giải phóng mặt bằng
15:30, 04/04/2019
Thái Bình: Người dân bị "xù" hàng tỷ đồng đặt cọc gia công tranh đính đá
14:32, 03/04/2019
Thái Bình: Khởi nghiệp nông nghiệp thành công từ những điều đơn giản
13:42, 03/04/2019
Về trách nhiệm của nhà trường trong việc để bà Hường sử dụng cơ sở cũ của trường mầm non xã Nam Hà làm kho chứa tranh nguyên liệu và điểm giao dịch khiến cho người dân tin tưởng. Bà Vũ Thị Mai - Hiệu trưởng trường mầm non xã Nam Hà cho biết, bản thân bà và BGH nhà trường không hề biết việc cô Hường dùng cơ sở cũ của nhà trường làm kho chứa tranh và địa điểm giao dịch vì cô Hường là lãnh đạo quản lý nên có chìa khóa, chỉ đến khi đơn của các nạn nhân gửi đi khắp nơi, công an và các cơ quan chức năng về làm việc bà Mai mới biết.
Bà Mai cho biết thêm, bản thân bà cũng đặt cọc và nhận tranh đá của bà Hường về gia công đến nay số tiền vẫn chưa lấy lại được.
Hiện, việc có xử lý kỷ luật đối với cô Hường hay không trường vẫn đang chờ cấp trên chỉ đạo... - bà Mai chia sẻ.