Loay hoay chống thất thu thuế thu nhập trên mạng xã hội

Huyền Trang 08/04/2019 06:06

Từ trường hợp Khá "bảnh" nhiều chuyên gia khẳng định khung pháp lý của Việt Nam hiện nay còn nhiều bất cập, chưa theo kịp thực tế phát triển của các loại hình kinh doanh điện tử mới.

Có thể bạn quan tâm

  • Khó thu thuế dịch vụ xuyên biên giới

    09:05, 21/12/2018

  • Khó như... thu thuế Facebook, Google

    11:01, 10/11/2018

Thu nhập khủng nhưng không đóng thuế

Trước khi bị xóa kênh YouTube vào ngày 3/4, trang riêng của Ngô Bá Khá (tức Khá Bảnh ở Bắc Ninh) được ước tính mang lại cho cá nhân này một nguồn thu khá lớn. Theo thống kê của Socialblade (trang chuyên thống kê xếp hạng các tài khoản trên mạng xã hội gồm YouTube, Twitter, Instagram...), kênh của Khá “bảnh” có hơn 2 triệu người theo dõi, hơn 400 video được đăng tải cùng gần 400 triệu lượt xem. Được xếp vào nhóm A- (mức gần như cao nhất) nên số tiền mà Socialblade ước tính YouTube trả cho Khá rất “khủng”, từ 15.300 - 244.700 USD mỗi tháng (tương đương 352 triệu - 5,6 tỉ đồng).

Trong trường hợp duy trì liên tục được lượng người xem như vậy, Khá “bảnh” sẽ có thể kiếm từ 183.500 USD - 2,9 triệu USD mỗi năm (tức 4,2 - 66,7 tỉ đồng). Khi bị bắt, Khá khai bắt đầu làm video để đăng trên YouTube từ năm 2017, thời gian đầu được trả 7.000 - 8.000 USD/tháng, sau đó có tháng lên đến gần 20.000 USD.

Nhưng, đáng nói, Khá “bảnh” không phải trường hợp duy nhất kiếm được tiền tỉ thông qua YouTube.

Khá “bảnh” không phải trường hợp duy nhất kiếm được tiền tỉ thông qua YouTube.

Khá “bảnh” không phải trường hợp duy nhất kiếm được tiền tỉ thông qua YouTube.

Cơ quan thuế “gặp khó”?

Không chỉ bỏ sót các khoản thu nhập khủng từ nhiều cá nhân, Việt Nam cũng chỉ thu được số thuế ít ỏi từ Google (chủ sở hữu YouTube) và Facebook trong khi 2 đơn vị này thu về hàng trăm triệu USD tại VN mỗi năm. Số liệu từ Công ty nghiên cứu thị trường ANTS, năm 2018 mức chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam ước đạt 550 triệu USD/năm. Trong đó Google và Facebook chiếm đến 66,7% thị phần với doanh thu hơn 387 triệu USD, tương đương gần 9.000 tỉ đồng.

Tại diễn đàn Thương mại điện tử 2019 diễn ra mới đây, ông Nguyễn Hữu Tuấn, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương thừa nhận, khung pháp lý của Việt Nam hiện nay còn nhiều bất cập, chưa theo kịp thực tế phát triển của các loại hình kinh doanh điện tử mới, trong đó có giao dịch xuyên biên giới (như Facebook, YouTube, Google...).

Trong khi đó, số lượng tài khoản kinh doanh qua mạng ngày càng tăng đã và đang là thách thức lớn với cơ quan thuế trong việc quản lý hình thức kinh doanh mới mẻ này.

Để xác định dòng tiền luân chuyển, cơ quan quản lý cho rằng cần có sự phối hợp thông qua ngân hàng và cơ quan thuế. Song hai đơn vị này vẫn chưa có sự liên kết đủ để kiểm soát vấn đề. Đây cũng là một trong những khó khăn chính đối với việc quản lý thuế của những cá nhân kinh doanh qua mạng, nhất là khi những cá nhân này nhận tiền từ những trang web không phải của Việt Nam.

Cụ thể, theo Luật Quản lý thuế, hiện các ngân hàng thương mại không phải có trách nhiệm cung cấp định kỳ thông tin về giao dịch của các cá nhân kinh doanh qua mạng. Do vậy, việc những cá nhân có thu nhập từ các tổ chức, cá nhân nước ngoài, chỉ được phát hiện khi cơ quan thuế yêu cầu các ngân hàng thực hiện biện pháp rà soát.

"Ở Việt Nam có khoảng trên 60 ngân hàng thương mại và có hàng triệu tài khoản, thông tin về tài khoản là bảo mật của khách hàng. Khi có phát sinh những thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh của các cơ quan, các ngân hàng sẽ cung cấp trong trường hợp cơ quan thuế yêu cầu", ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ chính sách (Tổng cục Thuế) từng chia sẻ.

Tới hành lang pháp lý chống thất thu thuế

Để hạn chế tình trạng trên, trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã bổ sung quy định, các ngân hàng sẽ phải có trách nhiệm cung cấp thông tin định kỳ về các giao dịch thanh toán liên quan đến thương mại điện tử cho cơ quan thuế. Từ đó, cơ quan thuế sẽ thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để xác định được những cá nhân có phát sinh thu nhập chịu thuế.

Ngoài ra, theo ông Huy, tham khảo kinh nghiệm quốc tế như: mẫu Luật quản lý thuế của IMF (Quỹ tiền tệ quốc tế); Luật quản lý thuế của Hungary và báo cáo của OECD về cải thiện quyền truy cập vào thông tin ngân hàng cho mục đích thuế, đa số các nước đều quy định các ngân hàng và tổ chức tài chính tín dụng có nghĩa vụ thông báo cho cơ quan thuế biết về việc mở các tài khoản của người nộp thuế cùng mã số thuế do cơ quan thuế cấp.

"Thậm chí một số nước còn yêu cầu việc báo cáo tự động đối với việc đóng mở tài khoản, số dư tài khoản tại thời điểm cuối năm cũng như tiền lãi trên tài khoản của người nộp thuế cho cơ quan thuế", ông Huy nói.

Huyền Trang