Hiệp hội Da giầy - Túi xách: Kiến nghị “giải nguy” cho doanh nghiệp
Hiệp hội Da giày- Túi xách Việt Nam đã gửi kiến nghị đến Chính phủ liên quan đến việc 5 doanh nghiệp sắp phải đóng cửa do hết hạn hợp đồng thuê đất, khiến gần 3.000 công nhân có nguy cơ thất nghiệp.
Theo thông tin tìm hiểu của PV về nguyên nhân khiến Hiệp hội Da giày- Túi xách Việt Nam gửi kiến nghị đến Chính phủ, xuất phát từ thông báo của Tổng công ty Bến Thành (đơn vị quản lý Khu công nghiệp Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP HCM) thì sắp tới đây, 5 đơn vị là Công ty TNHH Thương mại- sản xuất Trường Lợi, Công ty TNHH FuShin, Công Stolz-Miras, Công ty Bachy Soletanche Việt Nam và Công ty TNHH Hunter Douglas phải di dời do hết hạn hợp đồng thuê đất. Và chính nguyên nhân này có khả năng sẽ khiến tổng số công nhân của 5 doanh nghiệp gần 3.000 người có nguy cơ không có công ăn việc làm.
Nguyên nhân... gia hạn hợp đồng!
Trong đó, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất là Công ty TNHH Thương mại - sản xuất Trường Lợi (Công ty Trường Lợi). Theo thông tin, Công ty Trường Lợi đã thuê hơn 3ha, trong đó có hơn 20.000 m2 nhà xưởng và văn phòng được đầu tư xây dựng từ năm 1998.
Việc phải di dời trong thời gian ngắn ảnh hưởng đến đời sống việc làm của hơn 1.300 công nhân của đơn vị này, đặc biệt là có người đã làm từ những năm đầu kể từ khi thành lập công ty.
Theo hợp đồng thuê đất giữa Công ty Trường Lợi và Tổng công ty Bến Thành thì thời gian sẽ hết hạn vào 31/12/2018. Và trước sự việc đó, Công ty Trường Lợi đã đề nghị xin được gia hạn thêm, và thời gian ít nhất là đến hết năm 2020 để có đủ thời gian chuyển đổi, hạn chế thiệt hại.
Theo đó, tại cuộc họp giữa các bên liên quan vào tháng 9/2018, Ban quản lý các Khu chế xuất - Khu công nghiệp TP (Hepza) đề nghị Tổng công ty Bến Thành cần xem xét thấu đáo đề nghị của Công ty Trường Lợi.
Tuy nhiên, Tổng Công ty Bến Thành chỉ đồng ý cho Công ty Trường Lợi gia hạn thuê đất thêm đến hết 31/12/2019 và phải hoàn thành việc di dời. Trước sự việc nêu trên, Công ty Trường Lợi đã làm đơn kêu cứu gửi đi khắp nơi để nhờ can thiệp.
Trao đổi với báo chí, ông Đoàn Sỹ Lợi - Giám đốc Công ty Trường Lợi, cho biết dù hợp đồng có điều khoản quy định khi kết thúc hợp đồng thì sẽ thương thảo lại giá thuê đất mới. Tuy nhiên, đến khi hợp đồng sắp hết hạn, Tổng công ty Bến Thành không đồng ý ký lại hợp đồng và yêu cầu di dời với lý do sẽ thực hiện phát triển mô hình nhà xưởng cao tầng theo chủ trương chung của TP. “Và việc này nếu buộc doanh nghiệp phải di dời qua chỗ mới, doanh nghiệp phải đầu tư lại từ đầu với chi phí dự kiến trên 100 tỉ đồng và mất 2 năm mới đi vào sản xuất ổn định. Với thời gian như vậy thì các hợp đồng với các đối tác ở nước ngoài sẽ bị đứt quãng gây tổn thất về kinh tế rất lớn cho công ty. Bên cạnh đó, sẽ kéo theo hơn 1.000 công nhân của doanh nghiệp sẽ không có công ăn việc làm” – ông Lợi nói.
Cũng theo ông Lợi, với đề nghị của Tổng công ty Bến Thành về việc tham gia vào mô hình nhà xưởng cao tầng đã tạo ra mức giá thuê quá sức của doanh nghiệp và quá cao so với mức giá bình quân các Khu công nghiệp lân cận.
Kiến nghị của Hiệp hội là phù hợp
Liên quan tới việc gửi đơn tới Văn phòng Chính phủ, bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Hiệp hội, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày- Túi xách Việt Nam, cho biết: Sau khi nghe ý kiến và bức xúc của các doanh nghiệp, người lao động, Hiệp hội đã trình bày ý kiến của Hiệp hội với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tại cuộc họp bàn về những giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua.
Cũng theo bà Xuân, Cty Trường Lợi là thành viên của Hiệp hội Da giày- Túi xách Việt Nam, là doanh nghiệp tiêu biểu trong hoạt động sản xuất, đóng góp vào sự phát triển của Hiệp hội cũng như ngành Da giày. “Trong suốt 20 năm qua, doanh nghiệp này hoạt động hết sức ổn định và chưa hề có bất kỳ vi phạm nào. Cho nên, việc Công ty Trường Lợi có nguy cơ phá sản chỉ vì không được tiếp tục gia hạn thời gian thuê đất ở Khu công nghiệp Bình Chiểu là điều khiến Hiệp hội và các doanh nghiệp cùng ngành rất lo lắng” – bà Xuân chia sẻ.
Theo bà Xuân, trước sự cạnh tranh, thách thức như hiện nay, doanh nghiệp da giày sẽ khó có thể trụ lại ở các vị trí như TP HCM. Nhiều doanh nghiệp sắp hết hạn hợp đồng thuê đất hoặc không thương lượng được giá thuê đất mới cũng sẽ lâm vào cảnh khó khăn, ảnh hưởng đến ngành da giày nói chung. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong ngành hiện đang mang đến công ăn việc làm cho rất nhiều lao động. Theo đó, Hiệp hội đề nghị cần có chính sách, giải pháp dài hạn để đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp trong ngành…
Có thể bạn quan tâm
Công ty CP Sông Cầu Hà Bắc "kêu cứu" vì không tiếp cận được nguồn vốn
21:52, 07/01/2019
Lời kêu cứu của hàng trăm người lao động
13:45, 06/01/2019
Hiệp hội Doanh nghiệp Bình Phước "kêu cứu khẩn cấp" vì bị trạm thu phí BOT “bủa vây”
05:47, 30/11/2018
Bà Xuân cho biết thêm, việc Hiệp hội đã có các kiến nghị phù hợp, mong Chính phủ cần có giải pháp dài hạn, hỗ trợ để các doanh nghiệp như Trường Lợi được đảm bảo hoạt động. Theo đó, tại cuộc họp, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã tiếp thu ý kiến của Hiệp hội về vụ việc; đồng thời cho biết sẽ xem xét cụ thể trường hợp của Công ty Trường Lợi.