Hộ kinh doanh "ngại' lên doanh nghiệp vì ngán thuế
Nhiều chuyên gia khẳng định, Việt Nam cần nhanh chóng chính thức hóa hơn 5 triệu hộ kinh doanh hiện nay, coi các hộ kinh doanh là doanh nghiệp để từ đó có khuôn khổ pháp lý và chính sách phù hợp.
Nhưng, hiện tại rất nhiều hộ kinh doanh vẫn ngại lên doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Vừa bấp bênh cho hộ kinh doanh, vừa không công bằng với doanh nghiệp
13:01, 19/04/2019
Chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ: Thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp
03:05, 15/04/2019
Cú hích cho sự phát triển của 5 triệu hộ kinh doanh
16:30, 07/04/2019
Mô hình hộ kinh doanh đã hết lý do tồn tại?
04:25, 05/04/2019
Hộ kinh doanh cần được “cất cánh”
19:30, 04/04/2019
Còn nhiều lo ngại
Ông Đỗ Đức Cường, hiện là chủ một xưởng giầy da tại Long Biên, có sử dụng 9 lao động, khi nói về việc chuyển từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, dù rất muốn nhưng ông vẫn tỏ ra rất lo ngại.
“Xưởng của tôi hiện đang kinh doanh theo hình thức hộ gia đình vừa sản xuất vừa bán hàng. Tôi rất muốn lên doanh nghiệp để có thể tiếp cận với nguồn vốn tốt hơn, có thể xuất được hóa đơn đỏ. Việc lên doanh nghiệp sẽ rất rắc rối trong khi hiện nay thực hiện chế độ thuế khoán rất đơn giản. Nếu lên doanh nghiệp cửa hàng sẽ phải thuê kế toán, làm sổ sách, báo cáo thuế phiền phức. Hơn nữa, việc làm báo cáo này cũng tốn rất nhiều thời gian và chi phí”, ông Cường nói.
Hiện nay, xưởng của ông Cường thực hiện chế độ thuế khoán, mỗi tháng chỉ phải đóng thuế hơn 400.000 đồng nên ông thấy đây là mức thuế hợp lý và thuận lợi.
Tương tự như ông Cường, bà Ngô Thị Hạnh, Chủ cửa hàng bánh ngọt Anh Hoa, Ba Đình, Hà nội cũng tỏ ra lo ngại không muốn lên doanh nghiệp, dù cửa hàng của bà có đến tận 7 nhân viên.
“Tôi được biết khi hộ kinh doanh nâng lên doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp 20%. Mức thuế này có thể sẽ cao hơn thuế khoán mà tôi đang thực hiện. Điều này khiến cửa hàng sẽ phát sinh thêm chi phí”, bà Hạnh nói
Có lẽ, lo lắng của ông Cường, bà Hạnh cũng là suy nghĩ của nhiều hộ kinh doanh cá thể trên cả nước hiện nay. Họ ngại lên doanh nghiệp bởi các hộ phải làm sổ sách kế toán, trong khi đối với đa số hộ kinh doanh thì các khái niệm về kế toán, hệ thống tài khoản kế toán, báo cáo thuế là một thứ khá xa lạ và rắc rối.
Lợi ích lâu dài
Bà Trần Thùy Linh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tarotea Việt Nam cho biết, việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp giúp bà có nhiều thuận lợi hơn cho công việc. Doanh nghiệp bà mới chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp được khoảng 6 tháng nay.
“Làm việc với các đối tác lớn, tôi phải xuất hóa đơn VAT, nhưng trước đây ở mô hình hộ kinh doanh, tôi không làm được việc đó. Vì thế mà tôi đã mất đi nhiều đối tác làm ăn lớn”, bà Linh kể lại.
Hơn nữa, theo bà Linh, với hình thức hộ kinh doanh, hàng tháng bà đều phải lên chi cục thuế để nộp thuế để kê khai nộp thuế.
“Việc này, khiến tôi mất rất nhiều thời gian, trong khi đó với mô hình doanh nghiệp việc kê khai thuế dễ dàng hơn vì có thể kê khai online, có thể xuất hóa đơn VAT…”, bà Linh nói.
Đồng thời, theo bà Linh, sau khi chuyển đổi, doanh nghiệp sẽ dễ dàng tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; với tư cách pháp nhân là doanh nghiệp thì hàng hóa cũng dễ được đưa vào hệ thống phân phối, chuỗi cung ứng toàn cầu; tạo điều kiện để phát triển và bảo vệ thương hiệu, thuận lợi trong việc huy động vốn. Việc chuyển đổi thành doanh nghiệp giúp quy mô sản xuất kinh doanh lớn hơn, bài bản hơn và là cơ hội tốt trong nền kinh tế thị trường hiện nay
Tuy nhiên, bà Linh cũng cho rằng với mô hình doanh nghiệp, việc kê khai các hóa đơn nhỏ lẻ rất khó, bởi trị giá hóa đơn không nhiều. Đồng thời, các loại thuế phí so với mô hình hộ kinh doanh vẫn còn cao, thủ tục thay đổi vốn, quyền sở hữu loại hình doanh nghiệp còn tương đối phức tạp.
Do đó, bà Linh đề xuất nên có cơ chế phân loại từng loại mô hình doanh nghiệp để từ đó thiết kế chính sách phù hợp với từng loại doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp mới được chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên.
Kỳ II: Gỡ khó như thế nào?