Những thách thức từ chợ đầu mối hiện đại: Góc nhìn chuyên gia

Cẩm Anh 26/04/2019 04:05

Hiện nay, việc xây dựng, quy hoạch chợ đầu mối tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang đặt ra những vấn đề cấp thiết.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú

Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú – Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội để lắng nghe những quan điểm, nhận định của ông trong việc khắc phục, cải tạo chợ đầu mối tại Việt Nam.

- Là chuyên gia có nhiều năm gắn bó và tâm huyết trong vấn đề xây dựng chợ đầu mối, ông đánh giá thế nào về thực trạng chợ đầu mối tại Việt Nam hiện nay?

Đầu tiên cần phải nhắc đến sự cần thiết của chợ đầu mối nông sản thực phẩm. Thực tế cho thấy, hiện nay giao dịch hàng hóa tại Việt Nam đang đặt ra nhiều vấn đề rất phức tạp như lòng vòng, qua nhiều khâu trung gian, không minh bạch, không có sàn giao dịch hàng hóa trong các chợ đầu mối dẫn đến mua bán bị ép giá, ép cấp; nhiều khâu trung gian… dẫn đến người sản xuất thiệt thòi và người mua bị ép giá.

Có thể bạn quan tâm

  • Dự án chợ đô thị phía Đông (Hải Dương): Hơn 10 năm vẫn dang dở

    11:01, 13/05/2019

  • Chợ đầu mối Hải Phòng (Kì II): Quy hoạch khó đủ đường

    16:25, 08/05/2019

  • Chợ đầu mối Hải Phòng: Bát nháo quy hoạch

    06:26, 13/04/2019

  • Chợ đầu mối Hà Nội: Gian nan hành trình thay đổi “chính mình”

    04:01, 13/04/2019

  • Chợ đầu mối: Chuẩn theo tiêu chí mới cần có lộ trình dài hơi

    15:01, 12/04/2019

Bên cạnh đó, vấn đề an toàn thực phẩm tại Việt Nam chưa được đảm bảo. Hàng hóa tại chợ đầu mối đang lẫn lộn, không có tem mác ghi rõ nguồn gốc xuất xứ. Vấn đề quản lý nhà nước về hàng hóa cũng chưa chặt chẽ.

Hiện nay trên cả nước có rất nhiều chợ đầu mối nằm rải rác tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Trà Vinh… Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân của tôi, rất ít hoặc thậm chí không có chợ đầu mối nào tại Việt Nam đáp ứng đúng quy chuẩn của chợ đầu mối.

Nhìn chung, tôi cho rằng, các chợ đầu mối cũng như chợ nói chung hiện nay của Việt Nam đều ở mức tạm và còn kém về cơ sở hạ tầng, có ki ốt bán hàng nhưng tiểu thương không vào; kiểm soát an toàn thực phẩm chưa chặt chẽ. Điều kiện bảo quản hàng hóa chưa có…

Chợ Bình Điền tại thành phố Hồ Chí Minh hiện nay dù quy mô nhất, được đầu tư nhiều nhất nhưng hiện nay đã tụt hậu hơn nhiều so với các chợ đầu mối trong khu vực Đông Nam Á. Do đó, tôi cho rằng, cần thiết phải xây dựng chợ đầu mối theo đúng quy chuẩn để giải quyết những vấn đề thách thức nêu trên.

- Xin ông cho biết, hiện nay cách xây dựng, tổ chức hoạt động của một số chợ đầu mối trên thế giới đang được vận hành như thế nào?

Tôi đã từng tham quan, học hỏi và nghiên cứu về một số chợ đầu mối của Thái Lan, ấn tượng hơn cả là chợ đầu mối nông sản Sewonwany có diện tích gần 72ha nằm cách Bangkok 16 km, có một cửa vào và một cửa ra. Hàng hóa nông sản muốn đưa vào chợ Sewonwany tiêu thụ phải có giấy tờ của các cơ quan chức năng xác nhận đảm bảo chất lượng.

Đặc biệt, trong chợ có phòng kiểm nghiệm rộng 270m2 và có đội ngũ bác sĩ, máy móc thiết bị kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm đúng theo tiêu chuẩn quốc tế. Với các mặt hàng không đạt tiêu chuẩn sẽ được đem xử lý thành thức ăn cho gia súc.

Ngoài ra, lực lượng kiểm dịch còn tổ chức kiểm tra xác suất chất lượng sản phẩm, nếu không đạt tiêu chuẩn sẽ bị tiêu hủy hoặc chuyển làm thức ăn gia súc cả lô hàng. Chợ Sewonwany không chỉ là nơi giao dịch buôn bán hàng nông sản mà còn được ngành du lịch Thái Lan xây dựng thành một trong những điểm đến của du khách quốc tế trong tour du lịch tham quan Thủ đô Bangkok. Đây là điều mà ngành du lịch Hà Nội nên học tập.

Hay như chợ đầu mối Tây Ban Nha, không bó hẹp trong việc cung ứng hàng hóa cho Thủ đô Madrid, mà còn phục vụ cho cả các vùng lân cận. Với tổng diện tích khoảng 120ha chợ được chia thành các phân khu riêng cho từng mặt hàng nông sản, thậm chí nhà máy cấp nước, nhà máy xử lý nước thải, trạm biến thế điện...

Ngay cả cách đầu tư xây dựng chợ đầu mối, Tây Ban Nha cũng có 2 phương án khác nhau, hoặc vốn đầu tư được xã hội hóa 100% hoặc Nhà nước chỉ đầu tư 30% vốn, số kinh phí còn lại do các doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư.

Thậm chí, trong chợ đầu mối hiện đại tại các quốc gia trên thế giới còn có sàn giao dịch, đấu giá hàng hóa mua bán công khai, minh bạch để tránh xảy ra trường hợp ép giá. Tất cả đều được quản lý và vận hành theo một quy trình mua bán song phẳng.

- Là địa bàn có nhiều chợ đầu mối lớn trên cả nước hiện nay, ông đánh giá thế nào về chất lượng của các chợ đầu mối của thành phố Hà Nội?

Một gian hàng tại chợ đầu mối nông sản phía Nam, quận Hoàng Mai

Một gian hàng tại chợ đầu mối nông sản phía Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội

Hiện tại ở Hà Nội chỉ có 2 chợ đã đưa vào hoạt động gồm chợ đầu mối Minh Khai và chợ đầu mối phía Nam tại quận Hoàng Mai. Tổng lượng hàng hóa lưu thông qua 2 chợ đầu mối này để phân phối cho thị trường Hà Nội chỉ chiếm chưa đến 30%. Tuy nhiên, 2 chợ này không đủ điều kiện về hạ tầng quy mô, nguồn hàng chưa được kiểm soát chặt chẽ về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngoài 2 chợ đầu mối trên, Hà Nội còn có một số chợ cấp I tại các khu vực: Đông Anh, Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Trì… có quy mô nhỏ, công năng, nguồn hàng chưa thực sự hiệu quả, giao thông nhiều lúc bị ách tắc. Cần nhìn nhận thẳng thắn rằng, năng lực ban quản lý còn hạn chế. Các chợ này hiện đang quá gần khu dân cư, tình trạng thực phẩm sạch, bẩn lẫn lộn vẫn xuất hiện.

Thực tế trên cho thấy, Hà Nội chưa có được một hệ thống chợ đầu mối theo đúng nghĩa chợ chuyên doanh với quy mô đủ lớn để thu hút, tập trung hàng hóa từ các tỉnh, thành phố khu vực các tỉnh phía Bắc và trên phạm vi cả nước, từ đó phát luồng, phân phối cho khu vực Hà Nội, đồng thời giải quyết vấn đề môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tôi cho rằng, Hà Nội cần thiết lập lại ít nhất 2 chợ đầu mối ở phía Bắc và phía Nam của Thành phố để đón luồng hàng hóa từ các tỉnh đổ về. Về vị trí, các chợ đầu mối của thành phố cần được quy hoạch lại tại các nơi thuận tiện về giao thông.

Với quy mô chợ đầu mối cũng cần được đầu tư ít nhất từ 50ha trở lên với số vốn 100-150 triệu USD để đảm bảo chợ đầu mối có đầy đủ công năng từ mua bán, bán buôn bán lẻ, hậu cần, y tế, kiểm định, nhà máy xử lý rác, cấp thoát nước…

Cơ chế chính sách cũng cần được chính quyền thành phố thiết lập rõ ràng cho các chợ đầu mối. Để làm được điều này đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải có tầm nhìn xa trông rộng, có những chính sách thu hút để tiểu thương thấy được nhiều ưu đãi khi vào buôn bán.

- Vậy, để có thể đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động, chợ đầu mối nông sản nên làm theo cách thức như thế nào vừa đảm bảo tính hiện đại nhưng vẫn mang nét truyền thống?

Có rất nhiều tiêu chí cần phải đáp ứng nếu xây dựng được chợ đầu mối nông sản theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, trong đó, điều đầu tiên cần làm là xác định quy mô. Diện tích chợ phải mang quy mô lớn từ 80 - 100ha trở lên để tương xứng với quy hoạch, tầm nhìn chiến lược phát triển dài hạn từ 20 - 30 năm không phải mở rộng khi nhu cầu sử dụng tăng cao.

Việc lên phương án thiết kế chợ, cách quản lý vận hành cần thiết phải mời chuyên gia nước ngoài tại các nước phát triển như Hàn Quốc, Thái Lan…, có kinh nghiệm để chợ vừa mang tính hiện đại vừa phát huy hết công năng sử dụng.

Điều quan trọng và cần thiết là xây dựng kết cấu hạ tầng sản xuất và phân phối nhằm giảm chi phí sản xuất và lưu thông hàng hóa nông sản; hình thành hệ thống chợ đầu mối, sàn giao dịch nông sản dể đảm bảo mua bán được công khai, minh bạch, quản lý an toàn thực phẩm. Cần phải xây dựng quy hoạch vùng để cung cấp sản phẩm cho chợ đầu mối như kêu gọi các trang trại, vùng sản xuất nông sản, các hợp tác xã.

Các biện pháp hỗ trợ dự trữ nông sản, bảo quản sau thu hoạch đi đôi với việc phát triển nhanh hệ thống thương mại hiện đại, hạn chế và tiến tới chấm dứt những hình thức độc quyền của thương mại bán lẻ; đầu tư thỏa đáng cho việc hình thành những tập đoàn mạnh về sản xuất và phân phối, có đủ tiềm lực để phát triển sản xuất hàng hóa lớn và phát triển mạng lưới phân phối rộng khắp.

Đội ngũ kiểm soát chất lượng hàng hóa được ra, vào chợ là yếu tố quan trọng để đảm bảo hàng hóa nông, thủy sản từ các chợ đầu mối luôn đáp ứng tốt quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Xin cảm ơn ông!

Cẩm Anh