Dự thảo Luật Lao động sửa đổi: Trẻ em 15 tuổi có thể được làm thêm giờ!

Huyền Trang 01/05/2019 11:00

Dự thảo (lần hai) Bộ luật Lao động sửa đổi quy định người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm trong một số nghề.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa công bố dự thảo (lần hai) Bộ luật Lao động sửa đổi, trong đó có sửa đổi Bộ luật Lao động có thêm điểm mới như người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm trong một số nghề.

Có thể bạn quan tâm

  • Dự thảo Luật lao động sửa đổi: Mở rộng khung thoả thuận về giờ làm thêm

    06:16, 05/04/2019

  • Nhiều điểm mới trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)

    18:22, 30/04/2019

Trẻ em vị thành niên có thể được làm thêm giờ

Về nội dung sửa đổi liên quan đến người chưa thành niên, ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết có thêm nhiều điểm mới bao gồm: xác định độ tuổi lao động tối thiểu; xác định thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi hợp lý; xác định công việc và địa điểm làm việc phù hợp, hợp đồng lao động đối với người chưa thành niên... Cụ thể, độ tuổi qui định, độ tuổi lao động tối thiểu là từ đủ 15 tuổi trở lên; người lao động chưa thành niên là người lao động chưa đủ 18 tuổi. Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm trong một số nghề và công việc.

“Một nội dung cũng hết sức quan trọng đó là xác định thời giờ làm việc hợp lý đối với người chưa thành niên. Trong Bộ luật lao động hiện hành, người chưa đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể làm thêm giờ hoặc làm vào ban đêm hoặc làm việc vào ban đêm trong một số nghề. Vậy nghề, công việc đó là gì, nghề nào có thể được làm thêm và làm thêm được mấy giờ.

Việt Nam hiện có 1,75 triệu trẻ em tham gia lao động trẻ em, trong đó hơn 32% làm việc trên 42 giờ/tuần.

Việt Nam hiện có 1,75 triệu trẻ em tham gia lao động, trong đó hơn 32% làm việc trên 42 giờ/tuần.

Bởi trong quy định Luật lao động hiện hành quy định làm thêm không quá 50% thời giờ làm việc chính thức trong 1 ngày. Vậy người chưa thành niên được làm thêm giờ đến mức độ nào. Đây cũng là câu hỏi mà dự thảo cần phải trả lời”, ông Mai Đức Thiện cho biết.

Theo kết quả điều tra quốc gia về lao động trẻ em, Việt Nam hiện có 1,75 triệu trẻ em tham gia lao động trẻ em, trong đó hơn 32% làm việc trên 42 giờ/tuần. Theo bà Lesley Miller, đại diện Unicef tại Việt Nam, pháp luật Việt Nam hiện nay, trong Bộ luật lao động sửa đổi, cần có quy định rõ ràng độ tuổi lao động, thời gian làm việc tối thiểu và tạo nơi làm việc an toàn và hòa nhập cho lao động chưa thành niên.

“Bộ luật Lao động (sửa đổi) cần đảm bảo trẻ em, người chưa thành niên và phụ nữ được trao quyền phù hợp và tham gia bình đẳng và an toàn trong quá trình làm việc. Bộ luật sửa đổi cũng cần bổ sung định nghĩa phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã cam kết thực hiện nhằm ngăn ngừa các tác động tiêu cực của lao động trẻ em. Nơi làm việc an toàn và hòa nhập cho mọi lao động chưa thành niên cần phải được ưu tiên”, bà Lesley Miller nói.

Cân bằng lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao động thế nào?

Thực tế, lao động trẻ em đang tồn tại ở nhiều ngành nghề, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Tình trạng trẻ em làm nông nghiệp cần là mối quan tâm đặc biệt, vì lĩnh vực này được xem là một trong ba lĩnh vực nguy hiểm nhất mà ở lứa tuổi nào trẻ em cũng phải đối mặt với các hiểm họa như: điều khiển máy móc nguy hiểm, tiếp xúc với thuốc trừ sâu và mang vác nặng…

Bà Nguyễn Thị Lan Minh - Chuyên gia bảo vệ trẻ em, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam kiến nghị, việc sửa đổi Bộ luật Lao động liên quan đến những lao động là vị thành niên phải cần phải đặt lợi ích của các em lên trên hết, đặc biệt là cần song hành với quy định của Luật Trẻ em và Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Bộ luật Lao động (sửa đổi) cần xem xét bổ sung quy định yêu cầu đào tạo bắt buộc về an toàn lao động cho người chưa thành niên. Đồng thời, bảo vệ trẻ em không có hợp đồng lao động chính thức, đảm bảo mức lương tối thiểu.

“Vấn đề ký hợp đồng cho trẻ em như thế nào… phải đứng trên cơ sở tiếp cận lợi ích tốt nhất của trẻ vị thành niên. Tức là vẫn tạo điều kiện để các em kiếm sống, nuôi sống bản thân và hỗ trợ gia đình nhưng đích lớn nhất phải có lợi cho các em chứ không phải lợi ích cho chủ sử dụng lao động”, bà Nguyễn Thị Lan Minh chia sẻ.

Theo lộ trình, dự luật sẽ được đưa ra Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 5 và thông qua vào kỳ họp tháng 10 năm nay.

Bộ luật Lao động được ban hành ngày 23/6/1994 và có hiệu lực thi hành từ 1/1/1995. Qua 24 năm, Bộ luật Lao động đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 2002, 2006, 2007 và 2012.

Huyền Trang