Dự thảo Luật lao động (sửa đổi): Mở rộng khung giờ làm thêm lên tối đa 400 giờ/năm
Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt cho người lao động từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa công bố dự thảo (lần hai) Bộ luật Lao động sửa đổi, trong đó có nhiều nội dung đáng chú ý là mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt cho người lao động từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm, đề xuất cơ quan hành chính làm việc từ 8h30.
Mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm
Theo Ban soạn thảo việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ tối đa là cần thiết và áp dụng trong một số trường hợp đặc biệt, đối với một số ngành nghề sản xuất kinh doanh nhất định.
Ban soạn thảo đề xuất mức mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt này sẽ tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành: Từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm. Qua khảo sát, đánh giá và tham vấn ý kiến của các bên trong quá trình soạn thảo, đa số ý kiến tán thành.
"Đây là mức giờ tăng thêm tối ưu hóa mặt tích cực, hạn chế thấp nhất mặt tiêu cực của việc làm thêm giờ trên cơ sở các nghiên cứu, cân nhắc và đánh giá tác động về kinh tế, xã hội và tác động giới. Mức tăng thêm là tương đối phù hợp xét trên tổng hòa các yếu tố về điều kiện kinh tế xã hội, thu hút đầu tư, nhu cầu doanh nghiệp, nhu cầu và sức khỏe của người lao động", Ban soạn thảo dự luật nhận định..
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc tăng giờ làm thêm ảnh hưởng tới thể chất, sức khỏe nghề nghiệp của người lao động (mệt mỏi, căng thẳng, dễ xảy ra tai nạn lao động ở những giờ làm thêm) và có thể gây ra thiếu việc làm do doanh nghiệp không muốn tuyển mới lao động mà huy động người lao động hiện có làm thêm giờ.
Do đó, để khắc phục những tác động tiêu cực về làm thêm giờ và bảo bảo đảm sức khỏe trước mắt cũng như lâu dài cho người lao động, dự thảo Bộ luật Lao động quy định trong mọi trường hợp huy động làm thêm giờ, người sử dụng lao động phải thỏa thuận với người lao động; chỉ khi được người lao động đồng ý thì mới được huy động làm thêm giờ.
Việc này phải bảo đảm số giờ làm thêm trong một ngày không quá 50% số giờ làm việc bình thường. Người lao động làm việc theo ca được nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca làm việc khác.
Các quy định này sẽ bảo đảm tổng thời gian làm việc trong ngày của người lao động là không quá 12 giờ (kể cả thời giờ làm thêm) và người lao động sẽ được nghỉ ngơi ít nhất 12 giờ mỗi ngày. Doanh nghiệp không được huy động người lao động làm thêm giờ trong thời gian dài liên tục và phải bố trí thời gian nghỉ giải lao hợp lý cho người lao động khi làm thêm giờ.
Quy định một số ngành nghề được mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong trường hợp đặc biệt đối với một số ngành nghề gia công, dệt, may, da, giày, chế biến, chế tạo, lắp ráp, công nghệ thông tin và các ngành nghề sản xuất có tính thời vụ như chế biến nông, lâm, thủy sản...
Đề xuất cơ quan hành chính làm việc từ 8h30
Về thời gian làm việc của công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng ở Việt Nam, hiện tại việc quyết định thời điểm bắt đầu làm việc của doanh nghiệp thì do doanh nghiệp quyết định.
Cơ quan hành chính thì do người đứng đầu cơ quan quyết định đúng theo thẩm quyền lãnh đạo, điều hành quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Trong các cơ quan Nhà nước trên thực tế việc áp dụng giờ làm việc đang làm xảy ra một số tồn tại như không có sự thống nhất giữa giờ làm việc của các cơ quan trung ương và địa phương.
Các cơ quan trung ương bắt đầu làm việc lúc 8h, trong khi đa số các địa phương bắt đầu từ 7h vào mùa hè hoặc 7h30 với mùa đông. Trên địa bàn thủ đô Hà Nội cũng có sự khác nhau.
Giờ làm việc của khối cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương và địa phương chưa bảo đảm sự liên kết, kết nối giữa; chưa phù hợp xu thế chung của các nước phát triển.
Trên cơ sở tham vấn ý kiến một số chuyên gia, các nhà khoa học, các cán bộ, nhà quản lý, công chức và người lao động làm việc trong các cơ quan nhà nước, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đưa ra 2 phương án về thời gian làm việc trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội
Phương án 1 là bổ sung vào Bộ Luật Lao động quy định: "Giao Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước".
Thời gian làm việc dự kiến là từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút (trừ những đơn vị hoặc bộ phận phải thường trực 24/24 giờ để đảm bảo liên thông công việc hoặc trực tiếp giải quyết công việc với người dân).
Phương án này giúp thống nhất giờ làm việc cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, phù hợp hơn với thời gian làm việc của các quốc gia.
Phương án 2 là giữ nguyên như hiện hành. Thời gian làm việc không được quy định trong Bộ luật Lao động mà được quy định tại các văn bản hành chính. Đối với các bộ do Thủ tướng quyết định. Đối với UBND và các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định.
Theo lộ trình, dự luật sẽ được đưa ra Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 5 và thông qua vào kỳ họp tháng 10 năm nay.
Bộ luật Lao động được ban hành ngày 23/6/1994 và có hiệu lực thi hành từ 1/1/1995. Qua 24 năm, Bộ luật Lao động đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 2002, 2006, 2007 và 2012.