Đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với điện thoại, mỹ phẩm: Không hợp lý, tận thu
Nhiều chuyên gia khẳng định, các mặt hàng như mỹ phẩm, điện thoại di động là những mặt hàng đại trà nên việc đánh thuế này sẽ không hợp lý.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh khẳng định, đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng điện thoại, mỹ phẩm sẽ khó nhận được sự đồng tình của dư luận.
“Thuế tiêu thụ đặc biệt được dùng để đánh vào loại hàng hoá, dịch vụ xa xỉ hoặc độc hại hay it nhất là vì lý do nào đó mà nhà nước thấy rằng không khuyến khích. Nhưng hiện tại điện thoại di động hiện, mỹ phẩm lại là sản phẩm phổ thông, được sử dụng rộng rãi, là sản phẩm đáp ứng nhu cầu cần thiết của mọi tầng lớp người dân hiện nay, thậm chí cần khuyến khích dùng”, ông Thịnh nói.
Có thể bạn quan tâm
TP. HCM: Đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với điện thoại di động
00:14, 07/05/2019
Đề xuất giảm giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô nội: Không khả thi
11:12, 24/03/2019
Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô để bảo vệ môi trường
06:16, 13/03/2019
Tuy nhiên, ông Thịnh cũng đưa ra lưu ý rằng đối với những chiếc điện thoại hàng xa xỉ, có giá hàng trăm triệu, hàng tỉ đồng mỗi chiếc thì cũng có thể đánh thuế với riêng với những sản phẩm đắt đỏ này, chứ không phải đánh thuế toàn bộ.
Theo quan điểm của ông Thịnh việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt cần phải được xem xét đối với từng mặt hàng và cơ sở nào để đánh thuế. Cơ sở đánh thuế phải thuyết phục để người dân chấp nhận và nhà làm luật cảm thấy hợp lý. Việc đánh thuế nên được thực hiện đối với những sản phẩm không khuyến khích, hạn chế tiêu dùng; hoặc ảnh hưởng đến nền nếp, phong tục xã hội, sức khỏe người dân…
“Ví dụ như đề xuất đánh thuế với bia, rượu… thì tôi thấy rất hợp lý, vì sản phẩm này dùng nhiều có ảnh hưởng đến sức khỏe, an ninh trật tự xã hội, trong khi đó giá cả mặt hàng này hiện nay đang rất rẻ; hoặc đề xuất đánh thuế với hàng mã chẳng hạn, tôi tin nhiều người sẽ ủng hộ ngay”, ông Thịnh lý giải.
Đồng quan điểm, bình luận về đề xuất này Tiến sỹ Nguyễn Thanh Bình, Học viện Chính sách và Phát triển khẳng định, trên thực tế, thuế tiêu thụ đặc biệt phải đánh vào hàng hóa xa xỉ, không khuyến khích tiêu dùng, những hàng tiêu tốn ngoại tệ nhập khẩu hoặc ảnh hưởng xấu tới môi trường. Ví dụ, nhiều nước đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô vì đây là mặt hàng vừa xa xỉ vừa ảnh hưởng tới môi trường.
Tuy nhiên, khi áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt, ông Bình cho rằng phải phân tích chỉ rõ được tác động xấu. Ví dụ như rượu bia, thuốc lá tác động xấu tới sức khỏe, cộng đồng cần đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Ngoài ra, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt cũng cần phù hợp với thông lệ các nước trên thế giới. Ví dụ một dãy mặt hàng sau khi thế giới đã làm thì nước nào cũng áp thuế như là rượu, bia thuốc lá,... thì không ai bàn cả. Thế nhưng, khi đánh thuế một mặt hàng mới, đơn cử như điện thoại di động thì phải xem xét.
“Tôi cho rằng đề xuất này mang tính tận thu và không phù hợp với thông lệ quốc tế. Ta đặt câu hỏi điện thoại di động là hàng thiết yếu hay xa xỉ, có ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe không? Theo tôi đây là hàng tiêu dùng bình thường, có ích cho cộng đồng và không thể đánh thuế tiêu thụ đặc biệt được. Chỉ khi người ta chứng minh đây là hàng xa xỉ, đắt đỏ, nhà nước không khuyến khích sử dụng điện thoại thì mới có cơ sở áp thuế.
Trong khi ấy, với điện thoại di động, Nhà nước cung cấp tần số, sóng cho các thuê bao sử dụng mà lại đánh thuế tiêu thụ đặc là không hợp lý. Thông lệ trên thế giới có ai đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vào điện thoại di động không thì tôi cũng chưa thấy. Thế nên đề xuất trên vừa trái với thông lệ, lại trái với phân tích về đặc tính của hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt”, ông Bình lập luận..
Trước câu hỏi nếu muốn mở rộng cơ sở thuế, đâu là sắc thuế có dư địa? ông Bình cho rằng hiện nay, các mức thuế ở Việt Nam là phù hợp với thông lệ quốc tế, các mức thuế suất không hề nhỏ so với các nước như thuế giá trị gia tăng ở mức 10%, thuế thu nhập doanh nghiệp 20%,...
Vấn đề bây giờ là sự quản lý lỏng lẻo, thậm chí yếu kém. Có nhiều khoản thu hiện ta chưa đưa vào khuôn khổ. Ví dụ như rất nhiều nhà hàng hiện không xuất hóa đơn, nếu khách hỏi thì mới viết hóa đơn, không thì thôi. Đây là việc chưa quản lý được trong khi nguồn thu từ thuế giá trị gia tăng là rất lớn.
“Ta cần làm chặt được những vấn đề này chứ không nên tận thu”, ông Bình khẳng định.