Mở rộng đối tượng kiểm toán là người nộp thuế: Chưa phù hợp

Huyền Trang 20/05/2019 06:06

Nhiều chuyên gia khẳng định đề xuất mở rộng đối tượng kiểm toán sang cả người nộp thuế như Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước là chưa phù hợp.

Theo kế hoạch, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước sẽ được trình tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV. Một trong những đề xuất sửa đổi quan trọng và được quan tâm nhất hiện nay là đối tượng của kiểm toán.

Có thể bạn quan tâm

  • Công ty niêm yết bắt buộc phải có kiểm toán nội bộ

    06:30, 23/03/2019

  • Có nên trao thẩm quyền xử phạt cho Kiểm toán Nhà nước?

    18:05, 11/03/2019

Không nên mở rộng đối tượng kiểm toán

Theo đó, Kiểm toán Nhà nước đề xuất kiểm toán cả "người nộp thuế; tổ chức sử dụng, khai thác đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tổ chức khác có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công".

Theo cơ quan soạn thảo, Hiến pháp 2013 xác định, đối tượng của Kiểm toán Nhà nước là "việc quản lý, sử dụng, tài chính công, tài sản công và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công". Đề xuất sửa đổi luật chỉ quy định cụ thể cho phù hợp với Hiến pháp. Trên thực tế, nhiệm vụ thu của cơ quan thuế (bao gồm nghĩa vụ của người nộp thuế), cũng là đối tượng cần kiểm toán.

Luật sư Nguyễn Duy Hội, Công ty Luật TNHH Everest cho rằng Dự thảo đã mở rộng đối tượng kiểm toán với cả đơn vị là người nộp thuế, không quy định cụ rõ người nộp thuế đó có quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công… là chưa phù hợp.

“Hiện nay hoạt động kiểm toán vẫn chưa bao quát được hết các địa phương trong cả nước, nay lại mở rộng đối tượng là người nộp thuế thì tính khả thi khó có thể đảm bảo được”, ông Hội nói.

Nhiều chuyên gia cho rằng, khẳng định việc bổ sung thêm đối tượng kiểm toán là người nộp thuế như yêu cầu của Dự thảo Luật Kiếm toán là không thuyết phục.

Nhiều chuyên gia cho rằng, khẳng định việc bổ sung thêm đối tượng kiểm toán là người nộp thuế như yêu cầu của Dự thảo Luật Kiếm toán là không thuyết phục.

Theo quan điểm của Luật sư Hội, Dự thảo Luật lần này cần loại các đơn vị được kiểm toán của Kiểm toán nhà nước là các tổ chức, các nhân không có các hoạt động quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và không có các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công để hạn chế tình trạng trùng lắp, chồng chéo giữa hoạt động thanh tra, kiểm tra và hoạt động kiểm toán, để các hoạt động kiểm toán ngày càng hiệu quả hơn.

“Việc các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của nhà nước … hiện nay vừa thuê kiểm toán độc lập vừa phải chấp hành quyết định kiểm toán của Kiểm toán nhà nước là rất phiền hà, gây mất thời gian, ảnh hưởng tới hiệu quả công việc kinh doanh và tất nhiên làm tăng chi phí và nhân lực cho kiểm toán nhà nước. Vì vậy theo tôi, dự thảo lần này cần có giải pháp sử dụng các kết quả của kiểm toán độc lập hay phối hợp giữa kiểm toán độc lập và kiểm toán nhà nước khi kiểm toán doanh nghiệp, cá nhân… để tận dụng được quỹ thời gian và nguồn nhân lực vì bản thân kiểm toán độc lập đã giúp doanh nghiệp nhận ra các bất cập, sai sót trong công tác tài chính - kế toán để có giải pháp khắc phục”, ông Hội lập luận.

Không nên giao cho Kiểm toán mà nên giao cho cơ quan khác

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng, Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm, quyền kiểm toán đối với các khu vực công, những đơn vị sự nghiệp có sử dụng nguồn lực, tài chính công, một số doanh nghiệp mà Nhà nước có đầu tư tài sản.

Còn đối với các doanh nghiệp tư nhân được quyền kiểm toán đối các doanh nghiệp tư nhân lớn quan trọng, tác động liên quan đến nền kinh tế quốc dân như các ngân hàng thương mại cổ phần để đảm bảo tính công khai minh bạch, rõ ràng, và an toàn hệ thống tài chính ngân hàng và nền kinh tế. 

“Tuy nhiên, nếu kiểm toán rộng rãi đến các doanh nghiệp và người nộp thuế thì cần phải xem xét vì kiểm toán rộng rãi với tất cả người nộp thuế là không đơn giản và đòi hỏi lực lượng kiểm toán viên rất đông và mạnh. Bên cạnh đó, trong cơ cấu kiểm toán hiện nay còn có các doanh nghiệp kiểm toán độc lập, và kiểm toán quốc tế. Nếu họ vừa kiểm toán rồi mà Kiểm toán Nhà nước lại vào kiểm toán thì không cần thiết, chưa kể kiểm toán Nhà nước làm gì có đủ nguồn lực để làm. Như thế sẽ phức tạp và không cần thiết do đó cần cân nhắc một cách hợp lý”, ông Thịnh bày tỏ. 

Tương tự, Tiến sĩ Tạ Ngọc Hải, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ lưu ý, việc mở rộng phạm vi hoạt động liên quan đến thay đổi, bổ sung tổ chức, bộ máy đến đâu là vấn đề phải xem xét, đánh giá để không làm phình bộ máy, nhân sự, nhất là trong bối cảnh tinh giản biên chế hiện nay.

Trên thực tế theo dõi tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán còn cho thấy nhiều trường hợp chậm cung cấp tài liệu theo yêu cầu; số kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước không được các đơn vị thực hiện còn cao, làm thất thu ngân sách nhà nước, giảm hiệu quả hoạt động kiểm toán và tính nghiêm minh của pháp luật.

Vì vậy, theo luật sư Hội, nếu đề xuất mở rộng phạm vi kiểm toán được Quốc hội thông qua, thì cần bổ sung quy định về chế tài đối với hành vi vi phạm pháp luật kiểm toán nhà nước của đơn vị được kiểm toán và của tổ chức, cá nhân có liên quan, nhưng không nên giao cho Kiểm toán Nhà nước mà giao cho cơ quan có thẩm quyền khác.

Huyền Trang