Tư vấn bảo hiểm có trình độ đại học: Giấy phép con "đánh đố" người kinh doanh
Luật sư Nguyễn Thị Thu, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội khẳng định, đề xuất người kinh doanh bảo hiểm phải có bằng đại học trở lên sẽ làm khó người kinh doanh.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm đang được trình Quốc hội.
Theo đó, điểm b khoản 1 Điều 93 b Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định điều kiện đối với cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm phải có bằng đại học hoặc trên đại học về chuyên ngành bảo hiểm hoặc chứng chỉ về tư vấn bảo hiểm do cơ sở đào tạo được thành lập và hoạt động hợp pháp trong và ngoài nước cấp.
Có thể bạn quan tâm
Bớt “giấy phép con” cho vay bằng ngoại tệ!
11:45, 01/12/2018
Doanh nghiệp tiếp tục “phàn nàn” về giấy phép con
06:16, 21/11/2018
Dỡ bỏ “giấy phép con” và quyền tự do kinh doanh
11:11, 07/11/2018
- Bà có đánh giá như thế nào về quy định này?
Tôi cho rằng quy định về điều kiện đối với cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm phải có trình độ đại học hoặc trên đại học (trình độ chuyên môn cao) hoặc chứng chỉ đào tạo (chỉ có tính chất bồi dưỡng chuyên môn trong một thời gian ngắn) là không cần thiết và làm khó người kinh doanh bởi hiện nay tại các cơ quan tư vấn bảo hiểm tài chính, nhiều người họ không có bằng Đại học, không có chứng chỉ, họ chỉ cần có kỹ năng là có thể bán được sản phẩm bảo hiểm.
Thêm vào đó, nếu quy định cá nhân làm dịch vụ tư vấn bảo hiểm phải có bằng đại học, trên đại học được áp dụng thì một lực lượng hiện nay đang hoạt động tư vấn các loại hình bảo hiểm này sẽ phải xử lý như nào? Trong Dự thảo Luật, Ban soạn thảo chưa giải thích được điều này.
Bên cạnh đó, theo tôi được biết, các công ty bảo hiểm thường có chương trình đào tạo khá sát và phù hợp với các đại lý bảo hiểm, nếu đại lý bảo hiểm không được đào tạo sẽ khó bán hàng nên yêu cầu bằng cấp đôi khi là không cần thiết.
Việc quy định như dự thảo sẽ làm tăng sự khó khan khi gia nhập thị trường bảo hiểm đối với những tư vấn viên, đồng thời gây khó khăn cho doanh nghiệp tuyển dụng.
- Vậy, theo bà những ngành nghề nào sẽ cần đến yêu cầu về bằng cấp?
Theo quy định, ngành nghề kinh doanh được chia làm 02 nhóm: Ngành nghề kinh doanh không có điều kiện; ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Ngành nghề kinh doanh có điều kiện ở đây bao gồm: Ngành nghề yêu cầu vốn pháp định, ngành nghề yêu cầu chứng chỉ hành nghề, ngành nghề yêu cầu về Bằng tốt nghiệp đại học…
Tôi cho rằng chỉ có những ngành nghề kinh doanh đòi hỏi đến chuyên môn cao ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe của người khác thì chúng ta mới cần đến các yêu cầu về bằng cấp để áp dụng như: Bác sỹ, kỹ sư mới cần đến điều kiện kinh doanh về bằng cấp.
- Theo bà, còn những điểm nào cần phải sửa trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm lần này?
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm cần tập trung bổ sung các quy định về giải thích từ ngữ đối với dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; tư vấn bảo hiểm; đánh giá rủi ro bảo hiểm; tính toán bảo hiểm; giám định tổn thất bảo hiểm; hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm.
Sửa đổi, bổ sung quy định về quyền tham gia các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Bổ sung quy định về cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.
Sửa đổi, bổ sung quy định về nội dung quản lý nhà nước đối với hoạt động phụ trợ bảo hiểm: Tương ứng với việc cần phải bổ sung các quy định về hoạt động phụ trợ bảo hiểm, khoản 1, khoản 4 Điều 120 của Luật Kinh doanh bảo hiểm đã được sửa đổi, bổ sung quy định về ban hành và hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về phụ trợ bảo hiểm; giám sát đối với cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Đồng thời, bổ sung khoản 9a Điều 124 quy định về hành vi vi phạm quy định pháp luật về cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.
Bên cạnh đó, điểm b khoản 3 Điều 93 a của Luật quy định tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp và xác định đây là trách nhiệm trong quá trình hoạt động của chủ thể này.
Nếu dự thảo Luật chỉ yêu cầu mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp mà không quy định rõ cơ chế thực hiện bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp thì sẽ không bảo đảm ý nghĩa thực tiễn của yêu cầu về bảo đảm tài chính của chủ thể kinh doanh.
Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm có thể lợi dụng quy định này chỉ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp với mức bảo hiểm rất thấp để đối phó, khi rủi ro xảy ra sẽ không bảo đảm an toàn tài chính cho cả tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ và khách hàng của họ.
Do đó, thiết nghĩ cần bổ sung vào Điều 93a một số quy định cụ thể về thực hiện bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.
- Xin cảm ơn bà!