“Đắm” vốn ở Công ty Cho thuê tài chính I Agribank (ALCI): Doanh nghiệp “mất đứt” gần 300 tỷ
19 khách hàng thuê tài chính với tổng dư nợ gần 300 tỷ hầu hết đã không còn hoạt động hoặc chuyển lĩnh vực khác, không liên lạc được, né tránh,…ALCI “mất đứt” số tiền khủng này.
Thay vì mua tàu để cho thuê lại, ALCI lại “giải ngân” theo tiến độ đóng mới. 20 con tàu được “bơm” gần 300 tỷ mà không con nào chịu hoàn thiện, ALCI đối mặt với nguy cơ mất trắng số tiền trên.
Khách hàng “ma” thuê tàu “ma”
Theo báo cáo của ALCI, 17/19 khách hàng thuê tài chính đã ngưng hoạt động, chưa hoàn thành thủ tục đóng mã số thuế. Hầu hết các khách hàng đã không còn hoạt động hoặc chuyển hoạt động sang lĩnh vực khác, một số bên thuê không còn liên lạc được với người đại diện pháp luật hoặc người đại diện thay đổi nhưng không ghi nhận thỏa thuận trước đó trong hợp đồng, một số khách hàng né tránh làm việc,… Về phía đơn vị cung cấp (nhà máy đóng tàu), có 11 nhà máy nhưng đã có 3 nhà máy ngừng hoạt động, các nhà máy còn lại hoạt động cầm chừng hoặc không đủ năng lực đóng tàu.
Theo quy định, hình thức cho thuê tài chính của ALCI được thực hiện…tay ba. Nghĩa là ALCI mua tàu từ các nhà máy đóng tàu theo yêu cầu của bên thuê và được 2 bên (ALCI và bên thuê) thỏa thuận bằng Hợp đồng cho thuê tàu.
Tuy nhiên, việc ký kết và thực hiện hợp đồng mua tàu giữa ALCI và các nhà máy đóng tàu cho thấy hầu hết các nội dung thỏa thuận trong các hợp đồng mua bán (thực chất là hợp đồng đóng tàu) chưa phù hợp với quy định của pháp luật, chưa chặt chẽ, sai nghiệp vụ và nguyên tắc hoạt động của ALCI.
ALCI không thể thu hồi những tàu dang dở để thanh lý, dù là bán sắt vụn. Bởi thay vì mua tài sản là con tàu đã hoàn thiện thì ALCI rót vốn theo tiến độ cho các nhà máy đóng tàu mới theo hình cho thức vay
Trong báo cáo thực trạng về hoạt động sản xuất kinh doanh gửi đoàn kiểm toán nội bộ tại ALCI tháng 4/2018 nêu rõ; Thực trạng của 20 tàu vận tải thủy các loại đang đầu tư dở dang ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Để hoàn thiện những con tàu này cần phải bỏ ra một lượng vốn rất lớn, khả năng tổn thất với số vốn đã bỏ ra và số vốn bỏ ra hoàn thiện rất lớn. Hơn nữa, việc xác định chủ sở hữu của những con tàu này rất khó khăn. Mặt khác, hiện nay các quy chuẩn đóng mới tàu biển đã có sự thay đổi rất lớn. Những con tàu này muốn hoàn thiện phải thay đổi lại thiết kế. Chưa kể tình trạng các tàu đã bị hoen gỉ, mục nát và hư hỏng nặng. Như vậy, khả năng “phục sinh” những con tàu này gần như không thể.
Có thể bạn quan tâm
“Đắm” vốn tại ALCI (Kỳ I): Bắc thang lên hỏi... ông trời!
11:00, 18/04/2019
VCCI: Một số quy định về bán khoản phải thu từ hợp đồng cho thuê tài chính là bất nhất và thiếu rõ ràng
12:46, 23/10/2017
Cơ hội mới trên thị trường cho thuê tài chính
05:48, 18/09/2017
Trong biên bản kiểm toán nội bộ của Agribank cho thấy, từ năm 2012 đến nay ALCI chưa thu hồi được nợ liên quan đến các khoản đầu tư dở dang này (dư nợ vẫn duy trì ở mức 297.545 triệu đồng từ ngày 31/12/2012).
Trong phương án xử lý 20 con tàu “ma”, ALCI đưa ra nhiều biện pháp như: Xác định tính pháp lý của tàu đang đóng dở dang; yêu cầu khách hàng thuê phối hợp với đơn vị đóng tàu lập quyết toán sơ bộ khối lượng đã hoàn thành; thuê kiểm toán đánh giá lại mức độ hoàn thành; thuê thẩm định giá; thuê giám định tình trạng kỹ thuật; làm việc với bên thuê và đơn vị đóng tàu để xác định trách nhiệm mỗi bên,... Trên cơ sở đó, ALCI sẽ xây dựng phương án xử lý chi tiết đối với từng tàu.
Gần 300 tỷ: Đi không trở lại
Trong 20 con tàu dang dở, về cơ bản mới hoàn thành từ 50% - 100% khối lượng thân vỏ so với hợp đồng đóng tàu. Thế nhưng phải “dầm mưa dãi nắng” hơn 10 năm qua, các tàu đã bị xuống cấp không thể phục hồi và chỉ có cách xử lý theo hướng bán sắt vụn.
Oái oăm hơn, ALCI lại không thể thu hồi những tàu dang dở đó để thanh lý, dù là bán sắt vụn. Bởi những con tàu dở dang đó như những tài sản vô chủ mà chẳng thuộc sở hữu của ALCI. Vì lẽ ra, thay vì mua tài sản là con tàu đã hoàn thiện thì ALCI rót vốn theo tiến độ cho các nhà máy đóng tàu như hình thức cho vay đóng mới nên khi chưa hoàn thiện, tài sản chưa thuộc sở hữu của ALCI.
Vậy là chỉ còn 1 phương án duy nhất: Khởi kiện các đơn vị đóng tàu ra tòa để đòi lại số tiền đã ứng ra đóng tàu và đòi bồi thường thiệt hại cho ALCI. ALCI đã ký hợp đồng thuê công ty tư vấn luật rà soát, hoàn thiện hồ sơ để khởi kiện đòi tiền ứng cho các nhà máy đóng tàu. Ngày 10/4/2017, ALCI đã khởi kiện Cty CP cơ khí thương mại và xây dựng Hải Phòng liên quan đến việc chậm bàn giao tàu Anh Quốc. Thế nhưng do tính chất phức tạp nên Tòa án nhân dân huyện An Dương (Hải Phòng) phải tạm đình chỉ vụ án. Và trường hợp nếu ALCI có thắng kiện thì việc thi hành án cũng khó hơn…lên trời.
“Khoản đầu tư vào 20 tàu đang đóng dở dang hiện đang được đánh giá là có nguy cơ tổn thất rất cao, thậm chí có thể tổn thất toàn bộ” – văn bản báo cáo của ALCI nêu rõ.