Có nên áp thuế chống bán phá giá chính thức với nhôm Trung Quốc?

Huyền Trang 05/06/2019 06:06

TS. Nguyễn Ngọc Hà – Giảng viên khoa luật, Đại học Ngoại Thương khẳng định biện pháp chống bán phá giá nhằm mục đích chính là đảm bảo các điều kiện cạnh tranh công bằng trên thị trường.

Ông Hà khẳng định để bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước, sau khi xem xét lại, cơ quan điều tra thấy các điều kiện để áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức được đáp ứng, thì việc áp dụng biện pháp chính thức đó là cần thiết.

Bộ Công Thương vừa có quyết định áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc. Theo đó, Việt Nam áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nhôm thanh đùn ép của Trung Quốc là từ 2,46% -35,58%. Xung quanh vấn đề này, Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Ngọc Hà, Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Ngoại Thương.

-Trong bối cảnh vòng xoáy thương mại với mặt hàng nhôm thép đang diễn ra trên khắp toàn cầu, ông đánh giá sao về điều này?

Mức thuế chống bán phá giá tạm thời mà Quyết định số 1480/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương đưa ra cho thấy các sản phẩm nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc thuộc diện bị điều tra đã bị bán phá giá cũng như gây ra thiệt hại cho các doanh nghiệp thuộc ngành sản xuất nhôm của Việt Nam. Do đó, việc áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời là cần thiết để thiết lập các điều kiện cạnh tranh công bằng trên thị trường, từ đó, bảo vệ được các doanh nghiệp trong nước.

Đồng thời, cuộc điều tra chống bán phá giá do Bộ Công Thương tiến hành này cũng được diễn ra trong bối cảnh năm 2018, Mỹ đã điều tra chống lẩn tránh thuế đối với một số sản phẩm nhôm đùn ép nhập khẩu từ Việt Nam và mức thuế suất lên tới 374,15% đã được nước này áp dụng tạm thời theo kết quả điều tra sơ bộ được công bố cách đây hơn hai tuần.

Có thể thấy, lượng nhôm thanh đùn ép của Trung Quốc bị bán phá giá vào Việt Nam, với một số mã HS thuộc diện điều tra chống lẩn tránh thuế của Hoa Kỳ, là một trong những lý do khiến sản phẩm nhôm thanh đùn ép Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ đã bị áp thuế rất cao.

Vì vậy, việc Bộ Công Thương áp thuế tạm thời lên các sản phẩm nhôm bị điều tra sẽ có thể giúp làm giảm khối lượng nhôm Trung Quốc “mượn đường” Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ cũng như làm giảm áp lực cạnh tranh cho ngành sản xuất nhôm nội địa.

Bộ Công Thương vừa ra quyết định áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nhôm thanh đùn ép của Trung Quốc là từ 2,46% -35,58%.

Bộ Công Thương vừa ra quyết định áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nhôm thanh đùn ép của Trung Quốc là từ 2,46% -35,58%.

-Theo thống kê thị phần nhôm Trung Quốc đang tăng đột biến. Nếu năm 2017, nhôm Trung Quốc chiếm 30% thị phần tại Việt Nam, nhôm trong nước giữ 70% thì nay, vị trí đảo ngược hoàn toàn với 70% thị phần thuộc về Trung Quốc, nhôm trong nước vỏn vẹn còn 30%. Thời điểm này chúng ta mới tiến hành áp dụng biện pháp chống phá giá tạm thời với nhôm liệu có quá muộn không, thưa ông?

Quyết định 1480/QĐ-BCT được ban hành sau hơn 5 tháng cuộc điều tra chống bán phá giá được khởi xướng. Nhìn lại tiến trình của vụ việc, ngày 18/10/2018, Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) đã nhận được hồ sơ đề nghị điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá từ bốn công ty (bao gồm Công ty CP Nhôm Austdoor; Công ty CP Nhôm Sông Hồng; Công ty TNHH Tung Yang và Công ty CP Tập đoàn Mienhua), sau khi có dấu hiệu các mặt hàng này bị bán phá giá vào thị trường Việt Nam. Sau nhiều lần yêu cầu bổ sung hồ sơ để phù hợp với các quy định của Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 và các văn bản dưới luật có liên quan, hồ sơ được xác nhận hợp lệ vào ngày 28/11/2018 và quyết định khởi xướng điều tra được ban hành ngày 10/01/2019.

Với các thông tin như vậy, có thế thấy sự vào cuộc của Việt Nam là kịp thời. Sự kịp thời đó thể hiện ở hai điểm chính: i) các doanh nghiệp sản xuất nhôm ở trong nước, khi bị tác động bởi sản phẩm nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc bị bán phá giá, đã tương đối nhanh chóng yêu cầu Cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc; ii) Bộ Công Thương và Cục Phòng vệ Thương mại đã có những hành động kịp thời, phù hợp để bảo vệ các lợi ích hợp pháp của ngành sản xuất nhôm trong nước bị ảnh hưởng. Cũng cần lưu ý là điều tra chống bán phá giá, nhìn bề ngoài tưởng đơn giản, nhưng để xác định được biên độ phá giá, thiệt hại của ngành sản xuất trong nước cũng như mối liên hệ nhân quả giữa việc bán phá giá và thiệt hại của ngành sản xuất trong nước không phải là điều dễ dàng.

Do đó, kết quả điều tra sơ bộ đã thể hiện nỗ lực lớn của Cơ quan điều tra Việt Nam trong việc thiết lập các điều kiện cạnh tranh công bằng trên thị trường Việt Nam.

-Theo ông, Việt Nam có nên áp thuế chính thức với nhôm Trung Quốc không?

Vì việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nói chung và chống bán phá giá nói riêng nhằm mục đích chính là đảm bảo các điều kiện cạnh tranh công bằng trên thị trường, từ đó, bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước, nên nếu sau khi xem xét lại, Cơ quan điều tra thấy các điều kiện để áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức được đáp ứng, thì việc áp dụng biện pháp chính thức đó là cần thiết.

Theo các quy định của WTO và của Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 của Việt Nam, biện pháp chống bán phá giá tạm thời không được áp dụng quá 120 ngày kể từ ngày quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời có hiệu lực, nên đến cuối năm nay, Bộ Công Thương sẽ có quyết định chính thức về biện pháp chống bán phá giá đánh lên các sản phẩm nhôm này.

Có thể bạn quan tâm

  • Bị điều tra áp thuế tự vệ, thép Việt vẫn xuất khẩu tốt

    20:10, 06/04/2019

  • Chính thức áp thuế tự vệ phân bón DAP và MAP

    14:11, 06/03/2018

  • Áp thuế tự vệ với phân bón: Chỉ là giải pháp tình thế?

    13:00, 04/02/2018

-Vậy theo ông, trong trường hợp này thì Hiệp hội nên làm gì để bảo vệ doanh nghiệp của mình?

Từ thực tiễn điều tra chống bán phá giá của Việt Nam trong thời gian qua, có thể thấy một tín hiệu đáng khích lệ là sự chủ động của những doanh nghiệp ngành luyện kim (thép, nhôm…) khi họ yêu cầu Cục Quản lý cạnh tranh trước đây và Cục Phòng vệ Thương mại hiện nay điều tra chống bán phá giá đối với các sản phẩm thép, nhôm… nước ngoài bị bán phá giá khi nhập khẩu vào Việt Nam.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực kính nổi, dầu ăn, gỗ… cũng đã vận dụng các công cụ phòng vệ thương mại mà pháp luật Việt Nam quy định để bảo vệ mình. Tín hiệu tích cực này cần tiếp tục mở rộng sang các lĩnh vực, ngành nghề khác. Để làm được điều này, vai trò của các hiệp hội là không thể thiếu, ở cả góc độ tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật và góc độ chủ động, khuyến khích, ủng hộ, trợ giúp về tài chính, nhân lực… khi chính hiệp hội hoặc các doanh nghiệp trong hiệp hội quyết định sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại.

-Việt Nam đang tham gia hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu bằng việc ký kết hàng loạt các FTA thế hệ mới. Trong bối cảnh đó, các vụ chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ trong trường hợp cả mình là người đi kiện lẫn người bị kiện đều không tránh khỏi. Vậy ông có lời khuyên gì cho doanh nghiệp Việt trong bối cảnh vòng xoáy của các vụ kiện thương mại đang có chiều hướng gia tăng ở các nước trên thế giới?

Trong bối cảnh hiện tại, nhất là khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, Việt Nam có thể trở thành thị trường trung chuyển để hàng hóa Trung Quốc vào thị trường Mỹ và ngược lại. Một số doanh nghiệp Việt Nam, vì lợi ích trước mắt, có thể chấp nhận ghi sai nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa để hàng Trung Quốc có thể mang xuất xứ Việt Nam, từ đó, giúp cho hàng đó có thể vào được thị trường Hoa Kỳ, hoặc hưởng lợi từ các cam kết cắt giảm thuế quan mà hàng hóa Việt Nam được hưởng trên cơ sở các FTA thế hệ mới đã có hiệu lực, trong đó có CPTPP.

Do đó, điều quan trọng nhất vẫn là các doanh nghiệp Việt Nam cần hướng tới lợi ích lâu dài, trên cơ sở các giao dịch làm ăn chân chính, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật trong nước và các điều ước thương mại quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Ngoài ra, khi gặp phải các cuộc điều tra hoặc các biện pháp thương mại khác từ nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tích cực thông báo, phối hợp và trợ giúp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để giải quyết tốt các tranh chấp đó.

Sự liên hệ, phối hợp công – tư chặt chẽ sẽ là yếu tố quan trọng, trong bối cảnh Việt Nam có thể, trong tương lai, phải sử dụng nhiều hơn nữa Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO, để bảo vệ các doanh nghiệp Việt Nam khi gặp phải các rào cản thương mại ở nước ngoài.

-Xin cảm ơn ông!

Huyền Trang