Bộ Giao thông Vận tải: Quản Grab, BE như… taxi

Đỗ Huyền 05/06/2019 09:44

Báo cáo trình lên Quốc hội, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vẫn đề xuất quản lý tất cả các xe kinh doanh vận tải theo hợp đồng dưới 9 chỗ mà ứng dụng hợp đồng điện tử thì là xe taxi.

Theo đó, trong báo cáo gửi đến Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết sau 2 năm thí điểm xe hợp đồng điện tử (Grab, Uber, Fastgo...) tại 4 tỉnh, thành phố đã có 14 đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng (13 doanh nghiệp Việt Nam và 1 nước ngoài), hơn 46.000 phương tiện tham gia ứng dụng hợp đồng điện tử.

Có thể bạn quan tâm

  • Tư duy mới cho mô hình kinh tế mới

    05:21, 13/04/2019

  • “Cần xem Grab, Uber… là chủ thể riêng biệt”

    11:02, 17/05/2019

Đại diện Bộ GTVT nhận định sự cạnh tranh giữa kinh doanh vận tải theo hợp đồng điện tử và taxi đã phát sinh nhiều kiến nghị từ các đơn vị kinh doanh taxi truyền thống. Trong khi đó cơ quan quản lý Nhà nước thiếu công cụ điều hành do chưa có quy định pháp lý về loại hình xe chạy theo hợp đồng điện tử.

Xuất phát từ thực tế đó, Bộ GTVT đề xuất nên quản lý như taxi với tất cả xe chạy theo hợp đồng điện tử. Quy định này sẽ được nêu tại Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô, thay thế Nghị định 86/2014. Về lâu dài, Bộ sẽ đề xuất quy định loại hình kinh doanh vận tải này tại Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Bộ GTVT tiếp tục đề xuất chọn phương án quản lý áp dụng quy định tất cả các xe kinh doanh vận tải theo hợp đồng dưới 9 chỗ mà ứng dụng hợp đồng điện tử, có bản chất hoạt động như taxi sẽ quản lý theo quy định với loại hình “xe taxi”.

Bộ GTVT tiếp tục đề xuất chọn phương án quản lý áp dụng quy định tất cả các xe kinh doanh vận tải theo hợp đồng dưới 9 chỗ mà ứng dụng hợp đồng điện tử, có bản chất hoạt động như taxi sẽ quản lý theo quy định với loại hình “xe taxi”.

Đồng thời, Bộ GTVT cũng cho biết, trong dự thảo mới trình lên Chính phủ đã cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh cho xe taxi; cho phép tất cả các loại hình kinh doanh vận tải được ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hoạt động vận tải; bổ sung quy định như: làm rõ về khái niệm xe kinh doanh vận tải bằng taxi, xe vận chuyển hành khách theo hợp đồng có sử dụng hợp đồng điện tử, bổ sung quy định về gắn hộp đèn để nhận diện phương tiện nhằm tạo sự công bằng, thuận lợi cho công tác tổ chức giao thông, đảm bảo quyền lợi cho hành khách và người dân; đồng thời bổ sung trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong tổ chức quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, nghĩa vụ thuế, đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Trước đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng có văn bản gửi GTVT góp ý dự thảo sửa đổi Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Theo đó, VCCI đề nghị bỏ quy định lắp hộp đèn đối với xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ ngồi. Theo VCCI, quy định này không nhằm mục đích quản lý nào (nếu quản lý loại hình kinh doanh thì đã có phù hiệu). Đồng thời, không phục vụ mục đích nhận diện khách hàng, bởi xe hợp đồng không giống xe taxi, khách hàng không cần nhận biết ở trên đường.

“Trong khi đó quy định này lại gây tốn kém chi phí không cần thiết cho người kinh doanh (chi phí làm hộp đèn), đồng thời hạn chế đáng kể thị trường kinh doanh. Ví dụ, các xe hợp đồng dưới 9 chỗ sử dụng trong đám cưới, đám ma…”, VCCI nhấn mạnh quan điểm.

Đơn vị này cũng đề nghị Bộ GTVT bỏ quy định Khoản 3 Điều 15 về việc chuyển các thông tin về nội dung hợp đồng cho cơ quan Nhà nước. Vì theo VCCI đây là quan hệ tư, thuộc về bí mật kinh doanh. Ngoài trường hợp có lý do chính đáng (khẩn cấp, có dấu hiệu vi phạm pháp luật), cơ quan quản lý Nhà nước không có quyền tiếp cận các thông tin này.

Về quy định kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, VCCI cũng đề nghị bỏ quy định thông báo phương thức tính tiền sử dụng trên xe taxi cho Sở GTVT. Nguyên nhân theo VCCI là không rõ “phương thức tính tiền” có nghĩa là gì?

“Việc phải thông báo về vấn đề này trước khi thực hiện kinh doanh có nghĩa là sau này đơn vị không thể thay đổi “phương thức tính tiền”? Nếu đúng thì đây là việc can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp?”, VCCI kiến nghị và cho rằng doanh nghiệp hoàn toàn có quyền thay đổi phương thức tính tiền trong quá trình kinh doanh.

Đỗ Huyền