Thép Dana Ý “buộc” phải kiện chính quyền Đà Nẵng ra tòa
Theo lãnh đạo của doanh nghiệp, đây là động thái “bắt buộc” của Công ty CP Thép Dana Ý nếu không muốn... chìm sâu vào khủng hoảng.
Vụ việc của hai nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc (đóng tại Cụm công nghiệp Thanh Vinh, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) đang là mối quan tâm đặc biệt của dư luận, nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp cả trong và ngoài nước.
Vụ việc chưa có hồi kết
Mới đây, Công ty CP Thép Dana Ý (Dana Ý) đã phát đơn khởi kiện UBND TP Đà Nẵng ra Tòa án để giải quyết vụ việc.
Theo lý giải của đại diện Công ty Dana Ý, sở dĩ, công ty phải chọn phương án trên là do không còn lựa chọn nào khác. Trước hàng loạt sự việc diễn ra trong nhiều năm qua, lãnh đạo công ty luôn chọn cách giải quyết nhẹ nhàng, êm thấm, muốn phối hợp với thành phố để tìm ra phương án giải quyết hài hòa nhất cho người dân, chính quyền và doanh nghiệp. Tuy nhiên, cách giải quyết trên không nhận được tín hiệu tích cực nào từ phía lãnh đạo thành phố, mà càng đẩy doanh nghiệp chìm sâu vào khủng hoảng.
Do đó, ông Huỳnh Văn Tân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thép Dana Ý khẳng định: “Trước sức ép của nhà đầu tư nước ngoài và các cổ đông, lãnh đạo Công ty buộc phải kiện UBND thành phố ra Tòa án để yêu cầu giải quyết theo pháp luật, mà không còn đường nào khác”.
Theo ông Tân, vấn đề “nguy hại” hiện nay khiến tình hình hết sức căng thẳng là niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là cổ đông trong và ngoài nước nghi ngại về môi trường đầu tư của thành phố và cách hành xử của chính quyền đối với doanh nghiệp.
Ông Huỳnh Văn Tân nhấn mạnh: “Mọi cố gắng giải quyết vụ việc trên tinh thần thương lượng của công ty đều bị lãnh đạo thành phố phủ nhận. Công ty đã không ít hơn 5 lần gửi văn bản xin gặp mặt trực tiếp Bí thư thành ủy Đà Nẵng để giải trình và trao đổi phương án giải quyết nhưng đều bị từ chối; hàng chục đơn kiến nghị, văn bản giải trình và nhiều đề xuất phương án giải quyết vụ việc (trong đó có những phương án doanh nghiệp chấp nhận chịu thiệt để giải quyết sớm vụ việc) vẫn chung một kết cục là không nhận lại được bất kỳ một phản hồi nào. Vì muốn giải quyết hài hòa vụ việc và bảo vệ hình ảnh, uy tín và môi trường đầu tư của thành phố mà Công ty đã nhẫn nại chịu đựng trong suốt 1 năm trời, thiệt hại đã vô cùng nghiêm trọng (lên đến hơn 500 tỷ đồng) và không thể chịu đựng thêm được nữa. Tuy nhiên, không hiểu vì sao lãnh đạo thành phố không nhìn thấy vấn đề này, họ vẫn thờ ơ, vô cảm như muốn ép Công ty đến bờ vực phá sản, phải “chết lâm sàn”để không theo đuổi vụ việc được nữa”.
Cảnh báo từ luật sư
Theo ông Lê Ngô Hoài Phong, Trưởng VP Luật sư Phạm và Liên Danh Chi nhánh Đà Nẵng cho biết: Căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến lĩnh vực hoạt động sản xuất của Công ty Dana Ý, Công ty Dana Ý có đầy đủ cơ sở pháp lý chứng minh các quyết định hành chính của UBND TP Đà Nẵng và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng là vi phạm pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp”.
Lý giải về điều này, Luật sư Phong chỉ ra loạt nội dung liên quan đến các bất cập trong chính sách cũng như cách “hành xử” của chính quyền đối với Công ty Dana Ý như: Việc UBND TP Đà Nẵng quyết định buộc Công ty ngừng hoạt động nhưng không căn cứ bất kỳ cơ sở pháp lý, quy định pháp luật nào (chứng minh Công ty vi phạm thuộc trường hợp buộc phải dừng hoạt động), không theo trình tự thủ tục xử phạt vi phạm hành chính, là hoàn toàn trái pháp luật, vi phạm nghiêm trọng Luật Xử lý vi phạm hành chính và xâm phạm quyền tự do kinh doanh và quyền khác của doanh nghiệp theo quy định tại Điều 7 Luật Doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Đà Nẵng: Dân lại dựng rạp vây nhà máy Thép Dana Ý.
15:41, 12/10/2018
Đà Nẵng xử lý hai nhà máy Thép Dana Ý và Dana Úc: Phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.
11:30, 23/07/2018
Vụ việc 2 nhà máy thép Dana Úc và Dana Ý: Doanh nghiệp cần phương án rõ ràng
17:30, 20/07/2018
Đồng thời, theo ông Phong việc ngừng hoạt động đột ngột Nhà máy ngày từ 02 -25/3/2018 đã gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho doanh nghiệp là đặc biệt nghiêm trọng, vi phạm Điều 33 Hiến pháp và Điều 7 Luật Doanh nghiệp.
Ngoài ra, việc quan trắc giám sát chất lượng môi trường tại khu vực nhà máy 02 đợt liên tục (tháng 7 và 8/2018) theo Quyết định số 2841/QĐ-UBND ngày 09/7/2018 của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho kết quả không phát hiện ô nhiễm. Thế nhưng, đến nay, UBND TP Đà Nẵng vẫn cố ý không công bố kết quả quan trắc môi trường cho người dân được biết (dù Công ty đã hàng chục lần kiến nghị) đã dẫn đến người dân vẫn hiểu nhầm là Công ty gây ô nhiễm môi trường và thêm lý do để họ bao vây, cản trở hoạt động nhà máy sau khi kết thúc thời hạn 6 tháng theo Thông báo số 30 đến nay.
Trước đó, UBND Thành phố đã kêu gọi và bố trí cho Công ty Dana Ý chuyển nhà máy lên Cụm công nghiệp Thanh Vinh để phát triển Cụm công nghiệp này, tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội đã nảy sinh nhiều bất cập xung quanh Cụm công nghiệp này, kèm theo những quyết định hành vi hành chính của UBND TP Đà Nẵng hoàn toàn trái pháp luật, đi ngược lại chính sách, chủ trương kêu gọi đầu tư của Đảng và Nhà nước để phát triển đất nước, gây tác động xác động xấu không chỉ đến doanh nghiệp trong nước mà còn cả nhà đầu tư nước ngoài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh và môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng.