Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế IFRS 9 sẽ tạo "áp lực" cho các tổ chức tài chính?

Ngọc Hà 19/06/2019 11:01

Nếu các ngân hàng có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì việc chuyển đổi sang Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế IFRS 9 sẽ mang lại nhiều cơ hội.

Đó là một trong những chia sẻ của ông Trần Hồng Kiên, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Kiểm toán kiêm Lãnh đạo mảng dịch vụ IFRS tại PwC Việt Nam cho biết mới đây liên quan đến việc áp dụng Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế IFRS 9 trong hoạt động của các ngân hàng. 

Công cụ tài chính hiệu quả

F

Ông Trần Hồng Kiên - Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Kiểm toán kiêm Lãnh đạo mảng dịch vụ IFRS tại PwC Việt Nam khẳng định rằng, IFRS 9 đây là công cụ tài chính hiệu quả.

Theo đó, nhận định về vai trò của Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế IFRS 9, ông Trần Hồng Kiên khẳng định rằng, đây là công cụ tài chính hiệu quả. Tuy nhiên, việc áp dụng công cụ này đòi hỏi các tổ chức tài chính sẽ cần đầu tư nhiều thời gian và nỗ lực để đánh giá tác động bao gồm cả tác động tài chính và các tác động vào hoạt động của tổ chức tài chính.

Theo dự thảo lộ trình IFRS do Bộ Tài chính công bố tháng 3/2019, từ sau năm 2025 trở đi việc áp dụng IFRS là bắt buộc đối với báo cáo tài chính hợp nhất của tất cả các công ty niêm yết, các công ty đại chúng có quy mô lớn chưa niêm yết, và các công ty, tập đoàn kinh tế Nhà nước. Chính vì vậy, các chuyên gia tại Chương trình tập huấn "IFRS 9: Tiếp cận trong thực tiễn và kinh nghiệm triển khai cho ngân hàng tại Việt Nam” đã khuyến nghị, mặc dù còn 6 năm nữa nhưng cột mốc 2025 sẽ là một thách thức lớn đối với các ngân hàng Việt Nam nếu họ không bắt đầu chuẩn bị ngay từ bây giờ.

Chỉ ra những điểm khác biệt của IFRS 9, bà Stefanie Tang, Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Tài chính tại PwC Malaysia thì cho rằng : IFRS 9 sẽ có mức độ tác động sâu hơn và rộng hơn lên các ngân hàng trên nhiều khía cạnh, trong đó có thể kể đến như từ khía cạnh lợi nhuận đến quy trình quản lý rủi ro và hệ thống công nghệ thông tin. 

Cụ thể, IFRS 9 thay đổi cách phân loại và đo lường tài sản tài chính và bao gồm các hướng dẫn mới về kế toán phòng ngừa rủi ro. Hơn nữa, mô hình tổn thất tín dụng trong IFRS 9 yêu cầu các ngân hàng phải trích lập dự phòng cho các khoản tổn thất trong tương lai (mô hình tổn thất tín dụng dự kiến - ECL), thay vì chỉ trích lập dự phòng cho các tổn thất đã phát sinh. Sự thay đổi này được cho là có tác động đáng kể nhất đối với các tổ chức tài chính.

Bên cạnh đó, IFRS 9 cũng sẽ thay đổi cách các ngân hàng trích lập dự phòng cho các tài sản tài chính của mình. Chính vì vậy, bà Stefanie Tang khuyến nghị các ngân hàng nên lường trước các biến động về chi phí dự phòng, ngay sau khi áp dụng IFRS 9, mức dự phòng có thể sẽ cao hơn. Bởi thực tế, mức độ ảnh hưởng lên các ngân hàng sẽ khác nhau tùy thuộc vào sự kết hợp danh mục của ngân hàng, hồ sơ rủi ro của người vay, mức độ vững chắc của các mô hình tổn thất tín dụng dự kiến, v.v.

Đòi hỏi hệ thống, quy trình và cơ sở dữ liệu 

Theo nhiều chuyên gia có kinh nghiệm thực hiện IFRS, thì IFRS 9 sẽ đòi hỏi dữ liệu, hệ thống và quy trình bài bản và sự phối hợp chặt chẽ hơn trong nội bộ mỗi tổ chức. Các tổ chức tài chính nên cân nhắc ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu nâng cao và tự động hóa để giải quyết các vấn đề phức tạp của chuẩn mực báo cáo này.

Chia sẻ rõ hơn về điều này, ông Sheldon Goh, Lãnh đạo Phòng Giải pháp Quản lý Rủi ro tại SAS - Khu vực ASEAN cho biết: "Tính đến nay, IFRS 9 là một trong những thay đổi phức tạp nhất mà các tổ chức tài chính đã triển khai trong thập kỷ qua. Việc áp dụng IFRS 9 đi liền với những thay đổi về mô hình rủi ro tín dụng, tăng cường quản trị và kiểm soát quy trình kế toán, cũng như phối hợp chặt chẽ hơn giữa chức năng rủi ro và tài chính. Tuy nhiên, giá trị mà IFRS 9 đem lại vượt xa chi phí triển khai, vì tính minh bạch và khả năng phục hồi của các tổ chức tài chính sẽ được cải thiện".

Việc áp dụng IFRS 9 không tránh khỏi những thách thức, nên ông Nguyễn Thanh Sơn- Giám đốc Trung tâm đào tạo của VNBA đã chia sẻ rằng, việc triển khai IFRS 9 là cần thiết để các ngân hàng Việt Nam có thể củng cố niềm tin của nhà đầu tư và cạnh tranh trên sân chơi quốc tế.

"Trên thực tế, ngày càng có nhiều ngân hàng tại Việt Nam đưa IFRS 9 vào chiến lược chuyển đổi của mình. Đối với các ngân hàng chưa làm điều này, giờ đây là lúc để bắt đầu. Nếu chậm trễ hơn, họ sẽ khó có thể ứng phó một cách hiệu quả và kịp thời trước những tác động lên báo cáo tài chính, hệ thống, quy trình và các hoạt động kiểm soát mà IFRS 9 tạo ra", Nguyễn Thanh Sơn khẳng định.

Đồng thời, ông Trần Hồng Kiên cũng khuyến nghị, các tổ chức tài chính cần chuẩn bị khả năng đáp ứng các yêu cầu của chuẩn mực, lập các đề xuất thay đổi với sự bảo trợ của các bên liên quan, và thực thi các dự án triển khai. Đây là bài học kinh nghiệm từ quá trình PwC tư vấn triển khai IFRS 9 tại các quốc gia khác.

Chia sẻ về kinh nghiệm triển khai IFRS 9 tại thị trường Malaysia, bà Stefanie Tang cho biết, nhận thức được tính phức tạp của IFRS 9, hầu hết các ngân hàng trong khu vực, bao gồm cả ở Malaysia, đã bắt đầu triển khai dự án thực hiện IFRS 9 ít nhất một năm trước ngày chuẩn mực này có hiệu lực (1/1/2018).

Theo đó, trọng tâm của các ngân hàng khu vực đã chuyển từ các khía cạnh định lượng sang định tính, bao gồm nâng cấp mô hình, quy trình quản trị mô hình và giám sát mô hình. "Để đảm bảo quá trình chuyển đổi sang IFRS 9 diễn ra suôn sẻ, các ngân hàng Việt Nam nên lên kế hoạch sớm và cân nhắc việc lập báo cáo song song theo hai chuẩn mực kế toán Việt Nam và quốc tế để tránh các cú sốc khi áp dụng IFRS 9 chính thức", bà Stefanie Tang cho biết thêm.

Ngọc Hà