Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 7/2019
Tăng lương cơ sở lên 1,49 triệu đồng/tháng; giá vé máy bay trong nước hạng phổ thông tối đa 3,75 triệu đồng… là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 7/2019.
Lương cơ sở tăng lên 1,49 triệu đồng/tháng từ 01/7/2019
Nghị định 38/2019/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2019.
Theo đó, kể từ thời điểm này, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng, cao hơn so với thời điểm hiện tại 100.000 đồn
Mức lương này được dùng để: Tính lương trong bảng lương, mức phụ cấp và các chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang; Tính mức phí sinh hoạt, phí hoạt động; Tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở như trợ cấp, phụ cấp…
Lương hưu, trợ cấp BHXH tăng 7,19% từ 01/7/2019
Chính phủ đã ban hành Nghị định 44/2019/NĐ-CP về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng.
Cụ thể, từ ngày 01/7/2019, tăng thêm 7,19% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng của tháng 6 năm 2019 đối với các đối tượng như:
- Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng.
- Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng.
- Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hàng tháng…
Internet Banking trên di động không có tính năng nhớ mật khẩu
Đây là yêu cầu mới của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Thông tư số 35/2018/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 35/2016/TT-NHNN quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng trên Internet.
Theo đó, phần mềm Internet Banking trên di động phải xác thực người dùng khi truy cập và không có tính năng ghi nhớ mật khẩu. Trường hợp xác thực sai liên tiếp quá số lần do ngân hàng quy định, phần mềm này phải tự động khóa không cho người dùng tiếp tục sử dụng.
Ngoài ra, yêu cầu chung đối với Internet Banking của các ngân hàng là phải có tính năng bắt buộc khách hàng thay đổi mật khẩu ngay từ lần đăng nhập đầu tiên; khóa tài khoản nếu nhập sai mật khẩu liên tiếp quá số lần do ngân hàng quy định.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/7/2019.
Dưới 15 tuổi vẫn được gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng
Thông tư 48/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, công dân từ đủ 15 tuổi đến 18 tuổi không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc không mất năng lực hành vi dân sự được gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng.
Trường hợp công dân Việt Nam bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc mất năng lực hành vi dân sự hoặc chưa đủ 15 tuổi, việc thực hiện giao dịch tiền gửi tiết kiệm phải thông qua người đại diện theo pháp luật.
Cũng theo Thông tư này, tổ chức tín dụng phải cung cấp một biện pháp để người gửi tiền tra cứu khoản tiền gửi tiết kiệm.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 05/7/2019.
Cư trú tại Việt Nam trên 06 tháng được gửi tiền có kỳ hạn
Ngày 05/7/2019, Thông tư 49/2018/TT-NHNN về tiền gửi có kỳ hạn sẽ chính thức có hiệu lực.
Thông tư quy định, đối tượng được gửi tiền gửi có kỳ hạn bao gồm: Cá nhân nước ngoài được phép cư trú tại Việt Nam thời hạn từ 6 tháng trở lên; Tổ chức, cá nhân cư trú tại Việt Nam; Cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam…
Người gửi tiền gửi có kỳ hạn chỉ được thực hiện thông qua tài khoản thanh toán của chính mình. Việc gửi, nhận tiền gửi có kỳ hạn có thể được thực hiện thông qua người đại diện hợp pháp hoặc tự mình thực hiện…
Giá vé máy bay trong nước hạng phổ thông tối đa 3,75 triệu đồng
Khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa được Bộ Giao thông Vận tải quy định tại Thông tư 17/2019/TT-BGTVT và áp dụng từ ngày 01/7/2019.
Cụ thể, giá vé hạng phổ thông cơ bản cho một chiều đi như sau:
- Đường bay có khoảng cách dưới 500km thuộc nhóm đường bay phát triển kinh tế xã hội là 1,6 triệu đồng, nhóm đường bay khác là 1,7 triệu đồng.
- Đường bay có khoảng cách từ 500km - 850 km có giá tối đa 2,2 triệu đồng;
- Đường bay có khoảng cách từ 850 km - 1.000 km có giá tối đa 2,790 triệu đồng;
- Đường bay có khoảng cách từ 1.000 km - 1.280 km có giá tối đa 3,2 triệu đồng;
- Đường bay có khoảng cách từ 1.280km trở lên có giá tối đa 3,75 triệu đồng.
Có thể bạn quan tâm
Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 6/2019
06:06, 31/05/2019
Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2019
06:30, 01/04/2019
Cần chính sách mới ưu đãi đầu tư năng lượng tái tạo
06:00, 20/02/2019
Điều kiện vay vốn từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa
Theo Nghị định 39/2019/NĐ-CP của Chính phủ, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo được vay vốn của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa khi đáp ứng các điều kiện như:
- Có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, khai thác các loại tài sản trí tuệ hoặc công nghệ mới hoặc mô hình kinh doanh mới;
- Đảm bảo nguồn vốn chủ sở hữu tham gia dự án, phương án sản xuất, kinh doanh tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư để thực hiện dự án, phương án sản xuất, kinh doanh và phải đảm bảo đủ nguồn vốn để thực hiện dự án, phương án sản xuất, kinh doanh;
- Đáp ứng các quy định về bảo đảm tiền vay.
Mức cho vay đối với mỗi dự án, phương án sản xuất, kinh doanh tối đa là 80% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án. Thời hạn cho vay tối đa không quá 07 năm.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/7/2019.
Những hành vi được coi là phạm tội Rửa tiền
Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ra Nghị quyết 03/2019/NQ- ĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 324 của Bộ luật Hình sự về tội Rửa tiền.
Theo đó, người thực hiện một trong các hành vi dưới đây nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền sẽ bị coi là phạm Tội rửa tiền:
- Trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia các giao dịch tài chính, ngân hàng;
- Trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia các giao dịch khác như chơi, kinh doanh casino, trò chơi có thưởng, mua bán cổ vật…
- Dùng tiền, tài sản để thực hiện đầu tư, sản xuất, kinh doanh sản phẩm, cung ứng dịch vụ nhằm mục đích sinh lợi;
- Dùng tiền, tài sản để làm dịch vụ, xây dựng trường học, bệnh viện hoặc sử dụng dưới danh nghĩa tài trợ, từ thiện, viện trợ nhân đạo hoặc các hoạt động khác.
4 trường hợp bác sĩ quân y bị đình chỉ hành nghề
Chính phủ đã ban hành Nghị định 50/2019/NĐ-CP quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động đối với người hành nghề khám, chữa bệnh trong Quân đội.
Theo đó, người hành nghề khám, chữa bệnh trong Quân đội thực hiện một trong các hành vi dưới đây nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng đến mức phải thu hồi chứng chỉ hành nghề thì bị đình chỉ hoạt động do sai sót chuyên môn kỹ thuật:
- Vi phạm trách nhiệm trong chăm sóc và điều trị người bệnh;
- Vi phạm quy định chuyên môn kỹ thuật và đạo đức nghề nghiệp;
- Xâm phạm quyền của người bệnh;
- Không thực hiện đúng trách nhiệm của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng theo pháp luật có liên quan.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 24/7/2019.
Án lệ được áp dụng sau 30 ngày kể từ khi công bố
Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ ngày 18/6/2019, có hiệu lực từ ngày 15/7/2019.
Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.
Bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ phải được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao để các Tòa án, chuyên gia, nhà khoa học, cá nhân, tổ chức tham gia ý kiến trong 30 ngày. Án lệ được nghiên cứu, áp dụng trong xét xử sau 30 ngày kể từ ngày công bố.
Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 15/7/2019.