Bộ trưởng Bộ Công Thương nói gì về việc Mỹ áp thuế hơn 400% thép Việt?
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, đây là "nguy cơ kép" với ngành thép, Mỹ sẽ không chỉ tăng nguy cơ áp thuế với nguyên liệu từ thị trường Trung Quốc mà còn từ các thị trường khác.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, để đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2019, thì trong 6 tháng cuối năm, chúng ta phải đạt quy mô xuất khẩu hơn 23 tỷ USD/tháng. Nhiều dấu hiệu cho thấy lạc quan. Cơ hội tăng trưởng của các ngành hàng thuỷ sản dệt may là rất lớn.
Bên cạnh đó, tăng trưởng công nghiệp 6 tháng cuối năm có dư địa lớn với một số dự án, cơ sở chế biến chế tạo đi vào hoạt động.
Đặc biệt, trao đổi về tuyên bố mới đây của Bộ Thương mại Mỹ (DOC), Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ về việc sẽ áp mức thuế lên tới 456,23% giá trị sản phẩm thép chống gỉ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, lần áp thuế này không phải áp dụng với thép nguyên liệu nhập từ Trung Quốc mà lại từ Hàn Quốc, Đài Loan.
“Như vậy, đây là "nguy cơ kép" với ngành thép, Mỹ sẽ không chỉ tăng nguy cơ áp thuế với nguyên liệu từ thị trường Trung Quốc mà còn từ các thị trường khác”, Bộ trưởng nói.
Tư lệnh ngành Công Thương phân tích, trước kia Mỹ chấp nhận cốt thép nhập khẩu về Việt Nam rồi chế biến xuất khẩu sang nước này. “Tuy nhiên hiện nay, phía Mỹ cho rằng quá trình biến đổi này là không đáng kể. Do đó, phía Mỹ tăng thuế mức trên 400%”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Bước vào phần báo cáo và cho ý kiến của các Tư lệnh ngành, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt lưu ý: “Các Bộ trưởng Bộ ngành phải trực tiếp xử lý, giải quyết các vướng mắc cho các doanh nghiệp, các địa phương. Do đó, yêu cầu bên cạnh các đóng góp điều hành chính sách vĩ mô, các Bộ trưởng phải báo cáo thẳng vào các vấn đề và có giải pháp tháo gỡ cho các địa phương”.
Trước đó, Cục Phòng vệ Thương mại – Bộ Công Thương cho biết, ngày 2/7/2019, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận sơ bộ trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với thép cuộn cán nguội (CR) và thép chống ăn mòn (CORE) của Việt Nam sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc. Vụ việc này được phía Hoa Kỳ khởi xướng điều tra từ ngày 2/8/2018, sau khi Hoa Kỳ áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp với thép CR, CORE của vùng lãnh thổ Đài Loan và Hàn Quốc từ năm 2016.
Theo DOC, việc sản xuất thép CR, CORE từ thép cán nóng nhập khẩu từ vùng lãnh thổ Đài Loan và Hàn Quốc là giúp lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp mà Hoa Kỳ đang áp dụng đối với vùng lãnh thổ Đài Loan và Hàn Quốc.
Báo cáo cạnh tranh năm 2018 của Bộ Công Thương ghi nhận, trong giai đoạn từ 2007-2016, ngành thép Việt Nam đã đối mặt với 29 vụ kiện phòng vệ thương mại từ các nước.
Chiếm nhiều nhất là kiện chống bán phá giá, tiếp theo là kiện chống trợ cấp và hình thức tự vệ từ nhiều quốc gia khác nhau trong và ngoài khu vực.
Có thể bạn quan tâm
Nhiều địa phương muốn “tự quyết” việc chuyển đổi đất lúa trên 10ha
14:10, 04/07/2019
Thiệt hại lớn vì chậm ban hành Nghị định thanh toán dự án BT
11:00, 04/07/2019
"Cơn địa chấn" cho ngành thép Việt
16:10, 03/07/2019
Còn với riêng ngành thép, tính đến cuối năm 2017, ngành sản xuất thép của Việt Nam đã trải qua gần 30 vụ kiện phòng vệ thương mại, chiếm khoảng 25% tổng số vụ kiện trong năm, đưa ngành thép trở thành ngành bị kiện tụng nhiều nhất hiện nay.
Đặc biệt, theo Tư lệnh ngành Công Thương, báo cáo của Bộ ghi nhận, có nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng nóng với thị trường Mỹ trong thời gian qua. "Do đó, cần hướng siết chặt quản lý. Bắc Cạn gỗ dán thiệt hại, Cà Mau cũng gặp khó hay tôm nhập khẩu từ Nam Á về xuất sang Mỹ…siết cấp phép C/O tại các thị trường quan trọng", Bộ trưởng nhấn mạnh.