Hải Phòng: Doanh nghiệp vận tải phải tự cứu lấy mình bằng cách bỏ bến chạy dù
Trước việc xe dù công khai hoạt động, dành hết khách tuyến Hải Phòng - Quảng Ninh các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách tuyến này đang phải “tự cứu lấy mình”.
Theo đơn kiến nghị của gần 10 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách tuyến Hải Phòng – Quảng Ninh gửi tới các cơ quan chức năng Hải Phòng, thì tình trạng xe dù đã và đang gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định. Nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa vì không thể kinh doanh nổi và đang đứng trước nguy cơ phá sản.
Doanh nghiệp vận tải “chết chìm” bởi xe dù
Trao đổi với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp cho biết, trước thực tế xe dù có số lượng gấp đôi xe chạy tuyến cố định Hải Phòng – Quảng Ninh họ phải “tự cứu lấy mình”. Không kinh doanh nổi, không cạnh tranh được với xe dù buộc họ phải bỏ bến để chạy hợp đồng, chạy dù. Không những thế, nhiều doanh nghiệp phải bán xe, chuyển hướng kinh doanh. Các doanh nghiệp còn lại bắt buộc phải tìm đối tác khác để khai thác, như mang xe đi chở công nhân cho các công ty trong khu công nghiệp.
Ông Bùi Văn Quyết – Giám đốc HTX Thắng Lợi cho biết, trước kia HTX có 17 xe khai thác tuyến Hải Phòng – Quảng Ninh, trong đó, đăng ký với Sở GTVT là 9 xe nhưng hiện tại chỉ còn 4 xe chạy thường xuyên vì không có khách để chạy.
Cũng chẳng khá khẩm gì so với HTX Thắng Lợi, Công ty CP Đầu tư TM Phú Hưng, trước đây có 21 xe chạy tuyến Hải Phòng – Quảng Ninh nhưng hiện tại chỉ còn 10 xe duy trì hoạt động.
"Thực tế, số lượng khách đi Quảng Ninh rất đông nhưng số người vào bến thì chỉ “đếm trên đầu ngón tay”, bởi khách chưa vào được đến bến thì đã được đón tận nơi bởi nườm nượp xe dù. Cho nên để duy trì hoạt động, trả lương cho lái xe công ty buộc phải chuyển hướng hoạt động, chuyển một số xe sang chạy theo mô hình hợp đồng" – ông Nguyễn Văn Thái, Phó giám đốc Công ty CP Đầu tư TM Phú Hưng chia sẻ.
Chia sẻ thêm với Báo DĐDN, ông Quyết cho biết, những doanh nghiệp vận tải chân chính, chấp hành nghiêm các quy định của pháo luật đang bị ảnh hưởng trực tiếp bởi xe chạy dù. Nhưng cuối cùng những doanh nghiệp này lại là những người bị chịu thiệt. Xe dù, không mất lệ phí bến bãi, không chịu sự chi phối bởi thời gian xuất bến, thích đi giờ nào thì đi, thích đi đường nào thì đi.
Vì sao nhiều xe bỏ bến chạy dù
Được biết, đầu năm 2018 bến xe Thượng Lý có hơn 150 chuyến xe chạy tuyến Hải Phòng – Quảng Ninh (bao gồm cả 129 xe được điều chuyển từ bến xe Lạc Long) nhưng hiện tại chỉ còn 65 chuyến. Các xe còn lại đã xin bỏ bến với nhiều lý do nhưng thực chất là bỏ xe 29 chỗ, chấp nhận bán xe lỗ để đầu tư xe 16 chỗ chạy dù, cạnh tranh với những xe dù khác.
Là một trong những gia đình có xe trong Công ty Phú Hưng, đầu năm 2018 còn đăng ký 20 lốt/tháng tại bến xe Thượng Lý nhưng đến nay gia đình chị Trần Thị Thủy đã phải bán 3 xe 29 chỗ với giá 850 triệu/xe (mua là 1,450 tỷ đồng/xe) đầu tư xe 16 chỗ để chạy dù, bỏ luôn bến.
Chị Thủy thừa nhận, hiện gia đình nhà chị đang có 7 chiếc xe 16 chỗ chạy dù. Nếu không chạy dù thì nhà xe khó có thể tồn tại.
Chị Thủy cho biết, nguyên nhân nhà xe của chị bỏ bến xe Thượng Lý là do bến xe bố trí chỉ có 5 phút 1 chuyến, mà với xe 29 chỗ chỉ cần lùi ra tiến vào đã mất 5 phút. Trong khi đó, mỗi xe khi xuất bến trung bình phải đóng gần 200 nghìn đồng (tiền ra vào bến, tiền đóng sổ, đóng lệnh…) nhưng khách thì không có. Giá kể, mỗi lần xuất bến, mỗi xe có khoảng 2 – 3 khách để bù vào tiền bến bãi cũng đành nhưng thực tế thì đa phần các xe xuất bến đều ở tình trạng trống không.
"Gia đình tôi cũng muốn có bến để vào hoạt động nghiêm túc, để không phải sống vất vưởng “đầu đường xó chợ”, để không có những buổi sáng mang theo con nhỏ, bỏ con tại quán nước, đưa cho con cái điện thoại để nghịch còn bố mẹ thì “nhìn trước ngó sau” canh chừng công an, canh chừng thanh tra" – chị Thủy ngậm ngùi.
Chị Thủy cho biết thêm, cách quản lý hiện tại của bến xe Thượng Lý đang làm khó doanh nghiệp, khiến số xe vào bến đang rơi rụng dần. Chúng tôi sẽ quay trở lại bến ngay lập tức nếu bến xe áp ứng các điều kiện: đăng ký bao nhiêu lốt thì cho doanh nghiệp chạy bấy nhiêu lốt, thời gian nên kéo dài từ 10 – 15 phút/chuyến thay bằng 5 phút như hiện tại.
Có thể bạn quan tâm
Hải Phòng: Đầu tư 20 tỷ xây dựng Bến xe khách Kiến Thụy
17:30, 16/07/2019
Hải Phòng sẽ có thêm 2 cụm cảng và tổng kho xăng
09:01, 16/07/2019
Hải Phòng: Đã cưỡng chế lán trại cản trở hoạt động của doanh nghiệp
11:15, 13/07/2019
Bên cạnh đó, nhiều nhà xe còn lý giải rằng, do thói quen, hành khách vẫn đón xe đi Quảng Ninh tại Bến xe Lạc Long. Vì vậy, nhiều xe “dù”, xe hợp đồng “trá hình” vẫn đón khách tại khu vực này. Thậm chí các xe đóng “lệnh” ở Bến xe Thượng Lý bất chấp quy định, chạy quay lại bến cũ. Về phía hành khách, họ lại tỏ ra hài lòng hơn khi đón xe ở Bến xe Lạc Long vì không cần mất một đoạn đường dài từ nội đô sang Bến xe Thượng Lý.
Theo quan điểm của ông Quyết, việc quản lý xe dù, xe chạy hợp đồng trá hình không phải là khó, chỉ cần các cơ quan chức năng làm đúng theo quy định của Nghị định 86/2014/NĐ-CP, Thông tư 63/2014/TT-BGTVT và Thông tư 60/2015/TT-BGTVT chứ chưa cần “đao to búa lớn” đã có thể giải quyết dứt điểm được “xe dù, bến cóc”. Đơn vị nào cũng kêu khó nhưng thực chất là quá trình kiểm tra “không đến nơi đến chốn”.
Có nên xã hội hóa công tác thanh tra, kiểm tra hay không? – ông Quyết đặt câu hỏi.
Từ những doanh nghiệp chân chính, có truyền thống lâu đời làm vận tải tại Hải Phòng, nhiều nhà xe buộc phải lách luật, thậm chí vi phạm các quy định của pháp luật để tồn tại. Đó là một thực tế đáng buồn. Thiết nghĩ, UBND TP Hải Phòng, Sở GTVT cần có giải pháp quyết liệt hơn nữa để tăng cường kiểm soát chặt chẽ, xử lý dứt điểm tình trạng "xe dù, bến cóc" trên tuyến Hải Phòng - Quảng Ninh. Một khi, không còn hình bóng xe dù nữa thì hành khách mới có thể bỏ cái tiện mà vào bến bắt xe. Bên cạnh đó, bến xe Thượng Lý cũng cần có giải pháp khéo léo, tìm tiếng nói chung để "hút" các nhà xe đăng ký vào bến, góp phần hạn chế "xe dù, bến cóc".